“Các khu di sản thế giới UNESCO và quyền tại Việt Nam” đã được đưa ra bàn bạc và phân tích kỹ lưỡng trong buổi thảo luận“Cách tiếp cận mới trong Nghiên cứu Di sản tại Việt Nam”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin vấn đề di sản giữa giới nghiên cứu và các kênh truyền thông, báo chí, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Quỹ Bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức buổi thảo luận bàn tròn “Cách tiếp cận mới trong Nghiên cứu Di sản tại Việt Nam”.Trong đó, chủ đề “Các khu di sản thế giới UNESCO và quyền tại Việt Nam” đã được các đại biểu cùng đưa ra phân tích và bàn bạc.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đại học Lucerne (Thụy Sĩ), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nghiên cứu pháp lý đã chỉ ra sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khung pháp luật của Việt Nam cho phù hợp với chính sách phát triển bền vững mới được thông qua tại UNESCO. Trong đó mục tiêu là bảo vệ quyền con người trong các khu di sản, đặc biệt là quyền tham gia và chia sẻ lợi ích.

{keywords}
Việc gắn kết giữa Di sản Phong Nha Kẻ Bàng với cộng đồng người dân bản địa vẫn còn nhiều hạn chế

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngày càng có sự quan tâm đến vấn đề quản lý và gìn giữ các giá trị văn hóa và quyền của người dân tộc thiểu số và cộng đồng trong khu vực này.

Mặc dù chính quyền địa phương và các tổ chức khác đã cố gắng để nâng cao đời sống cho người dân, nhưng vẫn cần thiết phải có sự liên kết tốt hơn nữa giữa chính sách và thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho các nhóm dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa truyền thống của họ. Ở đó, các phân tích tổng thể về văn bản pháp luật của Việt Nam đã chỉ ra rằng quyền tham gia của người dân là một thách thức trong tất cả lĩnh vực. Trong lĩnh vực di sản, hầu như không có một quy định nào ghi nhận về quyền tham gia của người dân hay việc chia sẻ lợi ích. Thay vào đó là các quy định về nghĩa vụ bảo vệ di sản của người dân.

Đặc biệt, cộng đồng địa phương không có quyền tham gia vào việc xây dựng, dự thảo và thực hiện các quy định về quản lý di sản. Theo TS. Nguyễn Linh Giang – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam “Đối với văn bản pháp luật về quyền con người và di sản, cần có sự nhấn mạnh đến quyền tham gia của người dân. Sự tham gia của người dân trong quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật, trong việc thực hiện và theo dõi các hoạt động chính là điểm mấu chốt, cần được bổ sung trong các văn bản và trong thực tiễn hoạt động ở các khu di sản”.

Bên cạnh đó, theo TS.Giang nhằm nâng cao vai trò của người dân sống trong khu di sản, ở cấp độ địa phương, cần phải xây dựng các quy chế dân chủ cơ sở và đặc biệt hơn cần xây dựng cơ chế tham gia của người dân trong quản lý các khu di sản. Cần phải có một quy định đặc biệt về quyền tham gia của người dân đối với các vấn đề của địa phương nói chung và trong quản lý và bảo vệ di sản nói riêng. Hơn nữa cần có một cơ chế mạnh mẽ và hiệu quả trong bảo về quyền của người dân tộc thiểu số. Cơ chế đó không chỉ quan tâm đến sinh kế mà cũng phải quan tâm đến quyền được tham gia như quyền giáo dục, chăm sóc sức khỏe và quyền phát triển cả ở cấp độ địa phương.

“Các văn bản pháp luật được xây dựng trong tương lai về di sản thế giới cần phải trả lời các câu hỏi sau. Ai là cộng đồng? Quá trình lựa chọn đại diện cho cộng đồng diễn ra như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của đại diện của cộng đồng với Ban quản lý di sản? Vai trò của cộng đồng như thế nào?” TS Nguyễn Linh Giang đặt câu hỏi. Đồng quan điểm, bằng những nghiên cứu tại Di sản Phong Nha Kẻ Bàng, TS.Peter Larsen - Đại học Lucerne (Thụy Sĩ) cũng nhận định: “Việc bỏ qua quyền theo tập quán ở khu di sản Phong Nha Kẻ Bàng đã dẫn đến việc xem nhẹ sinh kế theo truyền thống, sự đảm bảo về đất đai và sự sống còn về văn hóa của một số cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam”.

TS. Peter Larsen cũng phân tích cần có những bước đi chắc chắn hướng tới một tiếp cận dựa trên quyền trong quy hoạch, quản lý tổ chức và các biện pháp khắc phục. Trong khi đó vấn đề về quyền đã diễn ra trước đây khi được UNESCO công nhân là di sản, rõ ràng là tiến trình công nhận và quản lý di sản đã làm sâu sắc thêm nhiều vấn đề xã hội. Các dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc người bản địa ở khu vực Phong Nha Kẻ Bàng, phải trả giá cho việc mở rộng khu vực bảo tồn và thực hiện các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt mà không nắm được lợi ích mới đang phát sinh từ việc được công nhận là Di sản Thế giới.

Qua nhiều năm, những nhà quản lý Vườn quốc gia và ở tỉnh đã tìm hiểu nhiều cách để hỗ trợ họ thông qua các hình thức trợ cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao nhận thức. Hiện nay, việc quan trọng và cấp thiết là hỗ trợ những nhóm tổn thương nhất, công nhận quyền và tập quán của họ, và áp dụng các biện pháp tích cực để giảm thiểu việc thiếu các quyền theo tập quán của họ, các quyền từ đất đai, tài nguyên đến vấn đề sinh kế, hướng đến một cơ chế tham gia và quản trị công bằng. Vấn đề này đặc biệt quan trọng với những nhóm dân tộc thiểu số nhỏ như người Rục hay Arem, những tộc người mà vấn đề sống còn văn hóa đang bị đe dọa nghiêm trọng.

“Cần hành động ngay để tạo điều kiện bảo tồn đất đai và sinh kế truyền thống cho họ, hỗ trợ các chính sách phát triển về văn hóa để tiếp nối di sản sống về văn hóa của khu vực” TS. Peter Larsen đề xuất.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng chung quan điểm hiện nay vẫn còn khoảng trống giữa việc quản lý di sản và những cố gắng hàng ngày của các nhóm số, các cộng đồng nhằm gìn giữ các giá trị di sản của họ. Ở cấp độ khu di sản, các chương trình hành động cần phải nhanh chóng ghi nhận và bảo vệ sự đa dạng văn hóa và di sản sống. Từ góc nhìn dựa trên quyền, nếu chỉ đánh giá các giá trị di sản từ góc nhìn quốc tế là chưa đủ, mà cần phải ghi nhận các văn hóa sống, sự đa dạng về dân tộc, giá trị văn hóa trong quá trình quản lý.

Trước những ý kiến góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước, TS. Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: “Tiếp thu cách làm dựa vào cộng đồng đã trở thành nghĩa vụ của các thành viên với chính sách Phát triển Bền vững của UNESCO.

Hiện nay khung chính sách và pháp lý của chúng ta vẫn chưa ghi nhận đầy đủ vai trò của cộng đồng và giải quyết thích đáng vấn đề này. Chúng ta cần trước mắt là một Nghị định tốt, sau đó cần sửa Luật Di sản để tạo cơ sở vững chắc và phù hợp cho việc thực thi quyền của người dân. Người dân phải được biết về quyền của mình và những lợi ích gì họ được hưởng từ việc thực thi các quyền này”.

T.Lê