Sở VHTT&DL Cà Mau vừa phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống: Nghề muối ba khía.

Việc công nhận nghề muối ba khía là di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ có giá trị gắn kết cộng đồng, tương thân tương ái mà còn tạo được công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân huyện Ngọc Hiển. Đồng thời, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và là niềm tự hào của người dân vùng Đất Mũi – Ngọc Hiển.

{keywords}
Ba khía sống dưới tán rừng ngập mặn.

Nghề muối ba khía có lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng dân cư vùng Đất Mũi Cà Mau. Nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù, được biến tấu theo nhiều cách khác nhau những ba khía muối vẫn giữ được nét truyền thống và hương vị đặc trưng của địa phương.

Hiện nay, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân,… Nổi tiếng nhất vẫn là ba khía muối Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Ngoài việc sử dụng ba khía muối trong bữa ăn hàng ngày, người làm nghề muối ba khía còn có được thu nhập, ổn định cuộc sống.

{keywords}
Ở vùng đất Ngọc Hiển, phù sa, dinh dưỡng trong đất dồi dào, tạo điều kiện cho cây mắm, cây đước phát triển.

Ở vùng đất Ngọc Hiển, phù sa, dinh dưỡng trong đất dồi dào, tạo điều kiện cho cây mắm, cây đước phát triển. Đến mùa trái mắm, mùa lá đước rụng, con ba khía ăn vào sẽ cho gạch vàng ươm. Đây là điều mà chỉ con ba khía ở vùng đất Rạch Gốc (Ngọc Hiển) mới có.

Chất lượng ba khía muối nơi này cũng khó nơi nào sánh kịp. Những nghệ nhân vùng đất cực Nam của Tổ quốc luôn cẩn thận trong việc lựa từng con ba khía tươi, thịt chắc, rửa sạch rồi đem cho uống nước muối, để ráo, rồi cho vào khạp, lu, quậy nước muối trắng đổ vào. Tùy vào kỹ thuật của từng gia đình làm nghề mà cho ra con ba khía muối ngon, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong cả nước.

Toàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 20 cơ sở sản xuất ba khía muối và hàng trăm hộ dân sản xuất nhỏ lẻ. Với giá bán từ 70 - 90 ngàn đồng/kg, ba khía muối đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. 

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL Cà Mau cho biết, theo quy hoạch, trong những năm sắp tới, Cà Mau sẽ có 1.000 hộ làm nghề Ba khía muối, thu hút hàng vạn lao động tại chỗ, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm. Đồng thời, để nghề này phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tiến hành thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất ba khía.

Về lâu dài, các cơ sở sản xuất ba khía muối cần đăng ký quyền bảo hộ sản phẩm mang nhãn hiệu ba khía muối Rạch Gốc, góp phần xây dựng thương hiệu với sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để thực khách có thể lựa chọn những cơ sở uy tín, có địa chỉ cụ thể, tránh mau nhầm ba khía muối không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Sở VHTT&DL Cà Mau cũng sẽ phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển tiếp tục phát huy nghề này, hình thành làng nghề truyền thống của địa phương, kết hợp với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm phục vụ khách tham quan du lịch.

Tình Lê