Cầu Bến Thuỷ có chiều dài hơn 600 mét bắc qua hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, là huyết mạch giao thông quan trọng qua dòng Lam.

TIN BÀI KHÁC

Nhưng ít ai biết rằng, chiếc cầu nơi hạ nguồn sông Lam hiền hoà đổ ra biển lại trở thành cây cầu “tử thần”, là địa điểm kết thúc của nhiều cuộc đời nông nổi.
 
Cây cầu “tử thần”

Ông Nguyễn Tiến Phương, người dân vạn đò sống trọn cuộc đời với sông nước sát chân cầu Bến Thuỷ lắc đầu ngao ngán khi nói đến chiếc cầu “tử thần” này: “Cây cầu khánh thành năm 1990, đã 21 năm, tôi không còn nhớ cụ thể có bao nhiêu vụ người ta nhảy cầu tự tử. Nhưng nhiều lắm. Nhẩm tính ra phải lên đến hàng trăm vụ chứ không ít”.

Ông Phương kể, cứ lâu lâu lại thấy người ta nháo nhào chạy xuống phía bến sông nơi xóm chài nơi ông ngụ cư hớt hơ hớt hải tìm xác người tự tử. “Nghe qua những vụ nhảy cầu tự tử kia chung quy lại có mấy nguyên nhân, yêu nhau bỏ nhau thất tình, sa cơ lỡ bước trong làm ăn, uất hận vì oan ức... rồi ra cầu kết liễu cuộc đời mình”.

Đứng giữa cầu Bến Thuỷ nhìn ra xa, dòng Lam không cuồn cuộn như ở đoạn đầu nguồn mà trải dài êm đềm trước khi trôi ra biển! Câu chuyện ông Phương kể khiến tôi không khỏi rùng mình. Đã nghe nói đến những vụ nhảy cầu tự tử ở Bến Thuỷ, nhưng hơn 20 năm mà lên đến hàng trăm người bỏ mạng thì quả thực đáng sợ...


Cây cầu tử thần

Những người sống cạnh cầu Bến Thuỷ chắc hẳn chưa quên cái chết oan nghiệt của một đôi trai gái. Người con trai quê ở Nghi Lộc, Nghệ An, làm nghề lái xe ôm, cô gái quê ở Ninh Bình làm ở một cơ quan nhà nước (tại thành phố Vinh), họ yêu nhau tha thiết nhưng bị hai gia đình cấm đoán. Gia đình đã nặng lời với cả hai. Thế rồi một buổi tối, họ đã rủ nhau lên cây cầu này, dựa lưng vào nhau, tự cột chặt dây lại rồi cùng lao mình xuống dòng nước...

Nguyễn Thanh Tuấn, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Việt- Đức, cho biết: Mới đây thôi, một nam sinh viên học rất giỏi, chỉ vì một môn điểm kém mà quyết định gieo mình xuống dòng sông Lam tự vẫn.

Và còn nhiều nữa những người trẻ tuổi đã tìm đến cầu này để kết thúc cuộc đời. Một công nhân ở Trạm thu phí cầu Bến Thủy cho biết: “Đại đa số nạn nhân là nữ...”.

Chuyện ở xóm mò xác người

Mỗi lần có ai chết đuối, do nhảy cầu hay một lý do gì không tìm được thi thể người thân, người ta lại tìm đến xóm mò xác người cậy nhờ. Tôi đã nghe đến nghề câu xác trên sông Lam lâu nhưng chuyện về cả một xóm chuyên mò xác làm phúc làm đức giúp người thì đây là lần đầu tiên.

Xóm mò xác người nằm ở mom sông phía bên bờ nam cầu Bến Thuỷ, thuộc địa phận thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Gọi là xóm nhưng thực ra đó chỉ là một gia đình gồm 9 anh chị em, họ xây dựng gia đình nhưng không đi nơi khác mà quần tụ lại sinh sống bên nhau.


Đường vào xóm mò xác

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, người chị cả, cũng là người có thâm niên nhiều năm vớt xác giúp người tâm sự: “Đã 28 năm tôi làm cái việc này. Cho đến bây giờ, tôi đã mò không dưới 500 xác người”. Vẻ bề ngoài thấp đậm và khuôn mặt cũng như giọng nói hiền hậu của chị khiến những ai mới gặp không nghĩ người phụ nữ này đủ can đảm để làm cái công việc ấy.

Chị Nguyệt kể rằng, việc vớt xác giờ đã thành một công việc bình thường, chẳng thể nhớ hết, cũng chẳng còn bị ám ảnh như thuở mới vào “nghề”.

“Cái khúc sông này như một cái vũng hút tất cả những gì trôi về đây. Xác người cũng vậy. Chết do tai nạn cũng có, nhưng buồn nhất là những người còn trẻ tuổi nhưng do nông nổi lại kết liễu cuộc đời mình xuống dòng sông này. Vớt nhiều xác lên, nghe chuyện đời người thân họ kể lại mà thấy xót xa”, chị Nguyệt tâm sự. “Đồ nghề” của mấy chị em là những cuộn lưới dài khoảng vài trăm mét cùng với hàng trăm lưỡi câu vương sắc nhọn.

Chị nói một câu làm chúng tôi ớn lạnh: “Lưỡi câu thả theo để khi rà lưới gặp xác thì nó móc vào áo quần, vào thịt...”. Khi tìm xác, chị nhờ thêm người ngồi ở hai thuyền con căng lưới từng đoạn sông, thấy lưới nặng, chị sẽ lặn xuống kiểm tra, nếu gặp xác thì ôm xác bơi vào. “Làm mãi cũng quen, chả thấy sợ nữa”- chị thủng thẳng.

Đôi tình nhân buộc dây vào nhau rồi nhảy cầu gây xôn xao hồi đó cũng do chị Nguyệt trực tiếp mò tìm. Chị kể, để tìm được xác đôi tình nhân nọ, chị phải mất đến 2 ngày trời.  “Mò thấy họ vào giữa lúc đêm tối, chẳng có ai giúp. Chiếc dây thừng trói hai người đã cứa sâu vào thịt. Tôi lại phải dùng dao cắt dây, rồi ôm từng người một lên bờ. Chẳng có ai, mình tự tắm rửa, thay quần áo mới cho họ”, chị Nguyệt nói.

Chị kể, chị theo nghề mò xác người này từ bố mình. Bố chị vẫn dặn rằng làm phúc làm đức giúp người thì sẽ vượt qua sợ hãi. Đã 5 đời nối đời, gia đình chị vẫn sống lênh đênh trên những con thuyền mưu sinh bên dòng sông Lam này. Chị kể: “Mẹ mất từ khi mới 17 tuổi, không lâu sau đó bố cũng theo mẹ ra đi, để lại 8 đứa em, 6 trai, 2 gái. Không biết thế nào mà mình lại sống qua những ngày tháng khổ cực đó”.

Bây giờ 5 người em trai và 2 em gái đã xây dựng gia đình. Chị còn một người em trai út bị tật nguyền, câm điếc bẩm sinh. Lạ đời, cái nghề mò xác người cũng có kẻ ganh ghét. Ở khúc sông này không chỉ có mấy chị em chị làm nghề mò xác. “Có vài người cũng làm công việc này nhưng hét giá lên đến gần cả chục triệu đồng nếu xong việc! Chị em tôi chỉ làm phúc làm đức. Thế mà vẫn bị người ta gây gổ. Đứt gân 3 ngón tay trái đây này. Bây giờ không thế cử động được nữa. Thật tình tôi thấy người ta chết mất xác thì thương lắm, nghĩa tử là nghĩa tận mà. Đã lắm lúc muốn bỏ nghề, sống đời bình thường, quăng lưới kiếm sống. Ai đời lại ham hố cái việc tiếp xúc với xác chết đó. Nhưng người ta lại tìm đến khóc lóc van xin mình giúp. Không làm không đành”.

“Mấy chị em tôi không chỉ vớt xác ở khúc sông này, mà có những vụ người ta nhờ mình ngược dòng lên tận vùng Yên Thành, Anh Sơn mò giúp. Những lúc đó lại phải “huy động” các em phụ giúp. Các em chỉ mò giúp thôi, còn việc khâm liệm thì chỉ có tôi mới dám làm. Cũng có những cái xác vớt được trong lúc mình đi đánh cá. Không biết người nhà ở đâu, đành phải thuê xích lô chở xác về rồi làm lễ chôn cất đàng hoàng. Tuy nhiên họ chẳng có tên tuổi gì”- Chị ngậm ngùi.

Chưa đến 50 tuổi nhưng chị Nguyệt đã bị bệnh thoái hoá đốt sống cổ hành hạ khiến cho việc đi lại rất khó khăn. Có nhiều ngày chị nằm bệt ở nhà. “Dạo này phải tiêm mỗi ngày 100 nghìn đồng tiền thuốc. Hết tiền, tuy còn đau nhưng phải dừng. Trong người bây giờ không chỉ có thoái hoá mà còn đủ thứ bệnh. Nào là nhức đầu, huyết áp cao, đau nhức toàn cơ thể. Bị nhiều bệnh như thế này chắc là do mình tiếp xúc nhiều với những xác chết lâu ngày. Độc hại lắm. Có mệnh hệ nào, chỉ thương thằng em út, tật nguyền không ai giúp đỡ trong cuộc sống”, chị Nguyệt nói giọng buồn buồn.

Dòng Lam vẫn đêm ngày cuộc chảy, là nguồn sống của biết bao con người, nhưng cũng quặn đau bởi cuối nguồn vẫn chứng kiến những mảnh đời nông nổi tìm đến cái chết vô nghĩa...

Cái xóm mò xác người vốn đã xác xơ nay cộng với việc đang thi công cầu Bến Thuỷ 2 lại đẩy họ kẹt lại giữa hai mố cầu. Không mơ đến một mái nhà khang trang hơn, chị Nguyệt chỉ mong rằng gia đình có một cuộc sống ổn định sau khi cầu Bến Thuỷ 2 được hoàn thành. Và tất nhiên người đàn bà gần 30 năm vớt xác trên sông Lam này luôn mong mỏi ngày càng ít những con người dại dột nhảy cầu để lại những cái chết thương tâm mà chị phải đau lòng chứng kiến nữa.


(Theo Giadinh.net)