- Ở các thành phố lớn, nhiều gia đình đã quen với sự có mặt của người giúp việc (osin). Mọi việc lặt vặt trong gia đình đều do họ đảm trách và lo lắng. Nhưng cứ dịp cuối năm, Tết đến, công việc nhiều hơn gấp bội thì người giúp việc lại …về quê nghỉ Tết. Biết bao chuyện dở khóc, dở cười xảy ra khi…osin vắng mặt.

Thiếu osin, bà ngoại thành “osin bất đắc dĩ”

Hai vợ chồng anh Huy, chị Lý (Cầu Giấy, Hà Nội) mở công ty tư nhân kinh doanh các mặt hàng điện tử trên phố. Năm hết Tết đến, công việc rồi lo thu các khoản giao hàng về càng lúc càng bận rộn thì vợ chồng chị lại phải đau đầu với việc làm thế nào để “giữ chân” chị giúp việc trong nhà. Ngày trước, anh chị đã phải nhờ trung tâm môi giới và kén chọn mãi mới thuê được một người vừa có sức khỏe, chân chất thật thà lại biết cách chăm sóc 2 con nhà chị.

Đầu tuần vừa rồi, osin nhà chị bỗng dưng đòi về quê ăn Tết sớm. “Công việc thì ngập đầu, bao nhiêu mối hàng cần giải quyết ngay mà chị giúp việc nằng nặc đòi về. Cô ấy cứ bảo về quê lo mổ lợn cho cả họ rồi việc này, việc kia…Hai đứa nhỏ chả biết gửi gắm vào đâu, rồi nhà cửa Tết đến nơi rồi mà chưa chuẩn bị được gì”- chị Lý rầu rĩ.

Tìm người giúp việc thời điểm này khó như “mò kim đáy bể”, lại thêm công việc ở cửa hàng quá bận rộn chẳng có thời gian đi tìm nên hai vợ chồng chị quyết định về quê tận Phú Thọ đón bà ngoại lên. Chị Lý hiểu rõ tính mẹ mình không thích lên thành phố ồn ào, mà việc nhà ở quê bà cũng bận túi bụi để chuẩn bị đón con dâu, con rể về quê ăn Tết. Hai vợ chồng chị đã cất công cả một buổi mua sắm quà cáp về thăm nhà ngoại rồi nịnh mẹ bằng được lên thành phố.

Chị Lý kể lại: “Mới đầu, bà cụ nhất định không nghe, bảo là việc ở nhà chưa chuẩn bị được gì, đi lên thủ đô nữa thì biết đến bao giờ về. Hai vợ chồng phải giở chiêu khóc lóc, rồi kể lể hai đứa nhỏ ốm yếu luôn để bà thương…”. Đến khi nịnh được bà ngoại thế chân osin, hai vợ chồng chị lại “tay xách nách mang” từ siêu thị lượng thực phẩm đủ dùng đến Tết để bà không phải ra ngoài.


 
“Cả nhà gần như tán loạn. Hai vợ chồng tôi và cậu em chồng cứ phải thay phiên nhau nghỉ để chăm sóc bố và để ý thằng nhỏ. (Ảnh minh họa)
 

Nhưng ở nhà con gái được mấy hôm thì bà cụ …kêu chán và đòi về. Bà bảo bà không quen sử dụng nhưng thứ hiện đại ở thành phố. Đặc biệt là từ hôm bà làm hỏng cái vòi nước nóng trong nhà tắm, thấy con rể tỏ vẻ bực mình nên bà giận, cứ đòi về quê. Chỉ khổ chị Lý, phải nịnh mãi bà mới miễn cưỡng ở lại…Không khí trong nhà Tết nhất đến nơi mà mọi người đều không thoải mái, ai cũng sốt ruột, lo lắng điều gì đó rất khó hiểu.

Xin nghỉ việc để thế chỗ ôsin

Chỉ hơn một tuần nữa là đến Tết, đúng lúc công việc cuối năm ở sàn giao dịch bất động sản bận tối mặt thì cả nhà chị Thu ở Linh Đàm, Hà Nội trở nên... tanh bành chỉ vì giúp việc đột ngột về quê.

Hai vợ chồng chị Thu đều kinh doanh bất động sản, công việc khiến cả hai đi suốt ngày, chỉ buổi tối mới gặp nhau. Đã mấy năm nay, nhà chị vẫn phải thuê một cô bé giúp việc để chăm sóc cậu con nhỏ 5 tuổi và bố chồng bị liệt.

Nhưng đùng một cái, cô bé giúp việc xin phép về quê để chuẩn bị cưới cho anh trai. Quá bất ngờ, lại đúng vào dịp giáp Tết nên chị Thu không kiếm đâu được người thay thế.

“Cả nhà gần như tán loạn. Hai vợ chồng tôi và cậu em chồng cứ phải thay phiên nhau nghỉ để chăm sóc bố và để ý thằng nhỏ. Nó tuy đã 5 tuổi nhưng đã quen có người chăm sóc, mang đồ ăn đến tận miệng nên rất ỷ lại. Còn nếu đi làm thì chỉ chực về sớm hoặc gọi về liên tục xem tình hình ở nhà ra sao nên không còn tâm trí làm việc”, chị Thu lộ rõ vẻ mệt mỏi và lo lắng.

Cùng cơ quan chị Thu có nhà anh Lâm chung cảnh ngộ. Gia đình anh Lâm ở Cầu Diễn gặp cảnh bác giúp việc nhất định đòi về quê sớm chuẩn bị Tết dù anh hứa tăng lương cũng không thể giữ nổi.

“Cháu còn nhỏ quá nên có muốn gửi trẻ cũng chẳng nơi nào nhận trông mà nội ngoại đều không còn nên tình hình căng quá, hai vợ chồng phải thay nhau nghỉ ở nhà liên tục để trông cháu”, anh Lâm than thở.

Tết của các gia đình thành phố dường như không chỉ được cảm nhận bằng  sắc hoa rực rỡ của mai, đào bày bán trên đường phố mà còn bằng nỗi lo mang tên “ôsin”.

N.C