– Một lần nữa cơn khát “đổi vận” lại đeo bám người dân Tây Nguyên khi mỗi ngày có hàng trăm người lũ lượt băng đèo, vượt suối để tìm sâm hiếm.

TIN BÀI KHÁC




Theo nguồn tin từ Dân trí, nhiều tuần trở lại đây, người dân các xã Đắk Long, xã Hiếu, xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, Kon Tum) rộ lên cơn khát săn lùng sâm “bảy lá” (theo cách gọi của người dân địa phương – PV).

Trong khi đó trả lời PV VietNamNet vào chiều cùng ngày, đại diện xã Pờ Ê cho biết chính quyền vẫn chưa nắm được thông tin này, nhân dân trong xã vẫn đang hoạt động nông nghiệp bình thường.


Thương lái giới thiệu cây sâm "bảy lá" (Ảnh: Thanh niên)

Mỗi kg sâm “bảy lá” tươi hiện tại có giá khoảng 180 – 200.000 đồng. Vì vậy dù loại sâm này rất hiếm và chỉ mọc ở những nơi có độ cao trên 1.000m, trong các khu rừng rậm rạp, ẩm thấp nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng để săn tìm.

Một vài người dân đã đào được những củ sâm cỡ bự nặng tới 2kg nhưng loại này đặc biệt hiếm vì phải mất ít nhất 20 năm tích tụ mới cho ra được củ sâm to như thế. Còn thông thường những củ sâm khoảng 200-500g là phổ biến.

Khi được hỏi về đầu mối tiêu thụ loại sâm này, người dân cho biết các thương lái Trung Quốc sẵn sàng sang tận nơi để đánh tiếng mua lại. Thậm chí nhiều khi các đại lý thu gom tại địa phương cũng đành ngậm ngùi vì không có hàng để bán.

Sâm “bảy lá” là loại sâm có vỏ màu nâu, có hình dạng xoắn hơi dài, khác với các loại sâm bán trên thị trường hiện nay. Lá của loại sâm này rất to, giống như lá khoai môn.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa kiểm chứng được tác dụng cũng như giá trị của loại sâm này. Tuy nhiên theo nhiều người dân địa phương, trước nay ông cha vẫn dùng sâm “bảy lá” ngâm với rượu khi uống có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng nhưng nếu uống quá thì dễ bị tiêu chảy.


Nhiều học sinh tại huyện Kon Plông đã từng nghỉ học để cùng gia đình săn lùng cây kim cương (Ảnh: VTC)
Trước đó nhiều tháng ròng, người dân các xã Kon Rẫy, Đắk Lây, Tu Mơ Rông (huyện Kon Plông) cũng đã từng đổ xô đi săn lùng cây kim cương – được đồn thổi là có tác dụng chữa bệnh tim mạch rất tốt.

Mức giá được thương lái chào mua loại cây này lên tới 600.000 đồng/kg dạng thô và 7 triệu đồng/kg khô. Vì vậy theo tính toán, người “săn” cây kim cương có thể kiếm được cả triệu đồng/ngày. Sức hút kinh tế từ loại dược liệu này ngay lập tức đã thu hút không chỉ người dân mà ngay cả học sinh cũng nghỉ học ở trường để “tham gia lao động”.

Tuy nhiên thực hư về những tin đồn này thế nào đến nay vẫn chưa được các ngành chức năng lý giải.

Quỳnh Anh
(tổng hợp)