The Independent vừa có một công bố kinh ngạc về nguyên nhân dẫn tới vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima là do động đất chứ không phải sóng thần.

TIN BÀI KHÁC


Trước đó, Nhật Bản luôn khẳng định Fukusima khủng hoảng hạt nhân bởi sự kết hợp không lường trước được của sóng thần và động đất. Tuy nhiên, một số bằng chứng mới cho thấy, lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân này đã bị xuống cấp nghiêm trọng trước đó.

Câu hỏi được đặt ra rằng, bao nhiêu thiệt hại do trận động đất ngày 11/3 gây ra đối với lò phản ứng hạt nhân Fukushima Daiichi trước khi thảm họa sóng thần tấn công. Và chuyện gì đã xảy ra ở các lò phản ứng nếu như hệ thống dẫn nước tuần hoàn và làm mát bị vô hiệu hoá ngay khi trận động đất vừa xảy ra?

Cơ quan năng lượng quốc tế IAEA kiểm tra thiệt hại của nhà máy điện hạt nhân Daiichi Fukushima (nguồn: independent.co.uk)
Trên trang web của mình, tờ báo The Independent cho hay: chỉ năm tháng sau khi thảm hoạ đống đất xảy ra, nhiên liệu trong các lò phản ứng đã không thể sử dụng được. Sự tan chảy và lắng cặn của nhiên liệu đã được các nhà phê bình công nghiệp Nhật Bản cảnh báo từ rất lâu.

Trong nhiều năm, hệ thống làm mát được duy trì kém hiệu quả. Tháng 9/2002, tập đoàn Tepco thừa nhận đã có những vết nứt trong nhiều đường ống lưu thông quan trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu có sự cố xảy ra, những ống tuần hoàn bị nứt, gãy này sẽ không thể kịp thời hút nhiệt từ lò phản ứng ra được, nhiệt độ trong lò quá tải sẽ gây ra cháy nổ.

Ngày 2/3, chín ngày trước khi cuộc khủng hoảng kinh hoàng xảy ra, Cơ quan an toàn công nghiệp hạt nhân (NISA) cũng đã cảnh báo tập đoàn Tepco về những thiếu sót trong việc kiểm tra độ an toàn các chi tiết của nhà máy điện hạt nhân, trong đó có máy bơm tuần hoàn.

Trao đổi với các công nhân nhà máy Fukushima, phóng viên báo The Independent nhận được những lời xác nhận giống nhau về sự thiệt hại nghiêm trọng của ít nhất một lò phản ứng trước khi thảm họa sóng thần xảy ra.

Công nhân A.- kỹ sư bảo trì tại khu phức hợp Fukushima cho biết, anh đã phát hiện ra đường ống bị rò rỉ, các ống dẫn bên ngoài bị hở ra nên có thể bên trong lò phản ứng đã bị phá huỷ. “Tôi cũng thấy rằng, một phần bức tường xây dựng tuabin bị nứt ra, có thể ảnh hưởng đến lò phản ứng”, anh nói thêm.

Kỹ thuật viên B. nhớ lại, tại thời điểm xảy ra trận động đất, “Tôi cảm thấy như một trận động đất kép, mạnh tới nỗi có thể nhìn thấy cả toà nhà rung chuyển, các đường ống oằn ra. Trong vòng vài phút, tôi thấy ống nổ và vữa từ trên tường rơi xuống.

Nghi vấn về trận động đất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các lò phản ứng được giải toả khi một loạt báo cáo về sự rò rỉ bức xạ từ nhà máy điện hạt nhân được ghi nhận chỉ vài phút sau đó. Hãng thông tấn Bloomberg cho biết, phát hiện nồng độ phóng xạ cao trong vòng bán kính 1 dặm xung quanh nhà máy vào lúc 3h29 chiều ngày 11/3, trước khi sóng thần ập vào.

Mitsuhiko Tanaka- người đã từng thiết kế nhà máy điện hạt nhân nhận định những gì xảy ra vào ngày 11/3 như là một “tai nạn” thất thoát nước làm mát. Các dữ liệu đã được công bố của Tepco cũng cho thấy, đã có nhiều thiệt hại đối với hệ thống làm mát, và chuyện một cuộc khủng hoảng xảy ra trước khi có thảm hoạ sóng thần là điều không thể tránh khỏi.

Kei. Sugaoka, người đã kiểm tra lại nhà máy không ngạc nhiên bởi những gì xảy ra. Trong một lá thư gửi chính phủ Nhật Bản ngày 28/6/2000, ông đã cảnh báo rằng, nếu Tepco để bộ máy sấy hơi nước tiếp tục hoạt động trong 10 năm nữa thì điều không hay sẽ xảy ra.

Tờ The Independent còn đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng, sự thực lò phản ứng hạt nhân 40 năm tuổi tại Fukushima đã già cỗi và bị hư hỏng trước khi nước Nhật liên tiếp gánh chịu thảm hoạ động đất và sóng thần trong thời gian vừa qua. Thêm vào đó, chính động đất mới là nguyên nhân đẩy đất nước mặt trời mọc đi tới cuộc khủng hoảng hạt nhân kinh hoàng hiện nay.

Bí mật này được công khai là nỗi ám ảnh nhức nhối của người Nhật phải đối mặt với thảm hoạ hạt nhân sẽ xảy ra bất cứ lúc nào khi có động đất. Theo đó, sự tái hoạt động của ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ không mấy suôn sẻ.

Thuỷ Anh (theo The Independent)