Thưa Bà Chủ tịch,

Thưa các Quý vị,

Tôi rất vinh dự được phát biểu tại Khóa 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Khi nhìn lại, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua. Đại dịch Covid-19 đã tước đi mạng sống của hàng triệu người, tác động đến đời sống của hàng tỷ người trên khắp thế giới. Đại dịch cũng tạo sức ép mạnh lên hệ thống y tế và an sinh xã hội của tất cả các nước.

Và như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã nói, đại dịch đã “làm trầm trọng thêm những thách thức đối với việc thụ hưởng quyền con người”.

Tuy nhiên, chúng ta đã thấy có rất nhiều hy vọng. Thế giới đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Kinh tế từng bước phục hồi. Vắc-xin được nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong một thời gian kỷ lục. Quá trình chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, góp phần giải quyết các thách thức trên tất cả các mặt đời sống.

Đại dịch cũng là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, dựa trên khả năng thích ứng, sáng tạo, hợp tác và đoàn kết ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Thưa Bà Chủ tịch,

Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng bảo đảm cho xã hội an toàn trước các dịch bệnh như Covid-19 là cách tốt nhất để bảo đảm cho mỗi thành viên trong xã hội được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.

Chúng tôi tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay.

Việt Nam đã nỗ lực tối đa cho việc chống dịch Covid-19, trong đó đặt người dân vào trung tâm của các nỗ lực này. Chính phủ đã triển khai các hành động kịp thời và quyết liệt để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và coi bảo vệ sức khỏe, an toàn của người dân là ưu tiên cao nhất. Chúng tôi cũng nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhờ sự tham gia vào cuộc của cả chính phủ, sự đồng lòng ủng hộ và đoàn kết của người dân, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì gần 3% trong năm 2020. Doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi đại dịch, nhất là các nhóm yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật được hỗ trợ kịp thời.

Kinh nghiệm và thành tựu Việt Nam đạt được đã cho thấy rõ ràng rằng các nỗ lực đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Thưa Bà Chủ tịch,

Dịch Covid-19 không bỏ qua một quốc gia nào. Không ai có thể an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn. Cả cộng đồng quốc tế của chúng ta đều đang phải cùng nhau đối mặt với đại dịch này. Do đó, sự đoàn kết và hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt giúp chúng ta cùng vượt qua các thử thách này để tiến về phía trước.

Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của các nước đối tác, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, người dân thế giới. Về phần mình, Việt Nam cũng đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và các đối tác quốc tế để phòng chống dịch.

Việt Nam đã đề xuất và được Đại hội đồng LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, qua đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng ngừa và ứng phó với các dịch bệnh.

Với mong muốn đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc.

Chúng ta tin tưởng có thể cùng nhau vượt qua các thách thức do đại dịch hiện nay gây ra và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.

Xin cảm ơn.