Chỉ trong 5 tháng, Ấn Độ đón tiếp 3 nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, gồm Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ. New Delhi đang có một sức hút rất lớn đối với cả ba cường quốc trong bối cảnh trật tự thế giới có những thay đổi đáng kể.

Nhìn lại, có thể thấy cả ba chuyến thăm Ấn Độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Mỹ đều để lại những ấn tượng và kết quả vượt mong đợi cho các bên.

Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Ấn Độ vào trung tuần tháng 9/2014, bắt đầu từ bang Gujarat. Cả thời gian và địa điểm đều đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn một cách chủ ý vì chuyến thăm diễn ra vào đúng dịp sinh nhật của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Gujarat là bang quê nhà của ông.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ký được 20 thỏa thuận hợp tác, trong đó có 3 thỏa thuận được ký tại Gujarat. Hai bên cũng cam kết sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD từ mức 65 tỷ hiện nay và đẩy mạnh hợp tác quốc phòng.

Để lấy lòng quốc gia láng giềng ở phía Tây vốn đang khát vốn đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ọp ẹp, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn hứa hẹn sẽ rót 20 tỷ USD đầu tư trong 5 năm tới và đồng ý mở cửa thị trường lớn hơn cho các sản phẩm thế mạnh của Ấn Độ như nông sản, dược phẩm, đá quý, đồ thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ xây dựng hai khu công nghiệp (về sản xuất ô tô và sản xuất thiết bị điện) tại quốc gia có chung “bức vách Hymalaya” với mình.

Những kết quả trên thể hiện rõ xu hướng ngày càng nồng ấm trong mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hai cường quốc châu Á có chung đường biên giới 4.056 km và là hai nền kinh tế quan trọng của châu Á cũng như trong nhóm BRICS hay G-20. Việc Trung Quốc và Ấn Độ song hành và đặc biệt là sự nổi lên của hai nước này trên sân khấu địa chính trị và kinh tế thế giới đã trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu của lịch sử đối ngoại toàn cầu kể từ đầu thế kỷ này.    

Cũng với tinh thần tương tự, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngay sau đó một tháng cũng mang lại rất nhiều thành quả cho hai bên với những thỏa thuận hợp tác quân sự, công nghệ và điện hạt nhân, ba thành tố chính trong quan hệ Đối tác chiến lược Nga - Ấn.

Cụ thể, Nga sẽ lắp đặt ít nhất 10 lò phản ứng hạt nhân có tiêu chuẩn an toàn cao nhất thế giới cho các tổ hợp nhà máy điện hạt nhân mới ở Ấn Độ, bán máy bay Sukhoi Superjet-100 và máy bay chở khách MS-21 cho Ấn Độ, xúc tiến hợp tác chế tạo máy bay lên thẳng và xây dựng “thành phố thông minh” tại Ấn Độ theo công nghệ của Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng đồng ý bán kim cương thô cho Ấn Độ để nước này thành lập trung tâm mua bán kim cương tại thành phố Mumbai, đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng do Nga là nước có nguồn dầu khí hàng đầu thế giới, còn Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới.

Vậy là bất chấp những nghi ngại cho rằng chính phủ của ông Modi có ít người thân Nga hơn so với chính phủ tiền nhiệm, hai bên vẫn luôn coi nhau là đối tác hàng đầu, đặc biệt trong hợp tác quân sự. Hiện tại, Nga là nước duy nhất trên thế giới sẵn sàng chia sẻ những công nghệ chiến lược nhạy cảm cho Ấn Độ như giúp Ấn Độ chế tạo tàu ngầm năng lượng hạt nhân Arihant, mở cơ sở chế tạo máy bay lên thẳng hiện đại nhất và sản xuất thiết bị quốc phòng của Nga tại Ấn Độ. Tổng thống Putin từng khẳng định: “Hai bên đang có sự chuyển đổi dần dần từ hình thức nhà sản xuất - nhà tiêu dùng sang hình thức cùng phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại”.

Mặc dù trên thực tế Ấn Độ có thể mua vũ khí từ Mỹ và Israel, nhưng hai quốc gia này lại không sẵn sàng cùng hợp tác phát triển tàu ngầm hạt nhân với Ấn Độ và có nhiều chính sách đi ngược lại tinh thần “Made in India” do ông Modi khởi xướng. Vì thế, dễ hiểu vì sao cả Nga và Ấn Độ đều đang coi nhau là những đối tác hàng đầu. Hai nước cùng có nhu cầu phát triển kinh tế, định kỳ tiến hành các cuộc tập trận chung của cả 3 quân chủng vũ trang và đều dè chừng trước quốc gia láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và gia tăng mạnh tiềm lực quân sự.

Riêng đối với Nga, việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác và hợp tác thương mại với Ấn Độ còn giúp Mátxcơva bù đắp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra, nhất là khi hai nước còn tiềm năng rất lớn trong việc nâng kim ngạch thương mại song phương vốn mới chỉ dừng ở con số khiêm tốn là 10 tỷ USD, bằng 1% kim ngạch thương mại của mỗi nước.

Trước “cái bóng” quá lớn từ hai chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin, chuyển thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra từ ngày 25-27/1 vừa qua cũng “không hề kém cạnh”.

Ông Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên hai lần tới thăm Ấn Độ khi còn đương chức và cũng là tổng tống Mỹ đầu tiên được làm khách mời danh dự tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của “đất nước sông Hằng”. Sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có ý nghĩa quan trọng về chính trị và ngoại giao, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt sắc màu bang giao trong quan hệ Mỹ - Ấn kể từ khi ông Modi lên cầm quyền chính phủ Ấn Độ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã thông qua bế tắc về thỏa thuận hạt nhân dân sự sau 6 năm đình trệ, chính thức phá vỡ “thế độc quyền” của Nga trong hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập đường dây nóng ở cấp cao nhất và ký lại Hiệp định khung hợp tác quốc phòng 10 năm. Theo hiệp định này, lần đầu tiên Mỹ sẽ phối hợp cùng Ấn Độ sản xuất 4 loại sản phẩm quân sự hiện đại (gồm máy bay không người lái Raven thế hệ mới, hệ thống thiết bị thu thập thông tin tình báo “roll on, roll off”, thiết bị do thám máy bay C-130J Super Hercules và thiết bị bảo vệ binh sĩ trong chiến tranh sinh hóa học).

Về kinh tế, Mỹ cam kết đầu tư 4 tỷ USD xây dựng 3 “thành phố thông minh” cho Ấn Độ tại các bang Uttar Pradesh, Rajasthan và Allahabad Pradesh. Hai nước cũng cam kết tăng thương mại song phương lên gấp nhiều lần từ mức 100 tỷ USD/năm hiện tại.

Sâu chuỗi các chuyến thăm và những thành quả đạt được qua từng chuyến, có thể thấy rõ chủ trương chính trong chính đối ngoại của Thủ tướng Modi là nỗ lực đưa Ấn Độ “từ chỗ không liên kết trở thành đa liên kết”. Vậy nên sẽ là vô nghĩa khi “đất nước sông Hằng” từ bỏ liên kết, hay tỏ ra lạnh nhạt với bất kỳ cường quốc nào trong khu vực cũng như thế giới. New Delhi càng không vì những mâu thuẫn địa chính trị giữa các nước này với nhau để tự khép mình vào thế phải liên minh với nước nọ để chống lại nước kia, nhất là khi chưa nổi lên bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đối với các lợi ích cốt lõi của Ấn Độ. Nói theo cách khác, Ấn Độ sẽ “không để toàn bộ trứng vào một giỏ”, dù đó là Nga, Trung Quốc hay lớn mạnh và ở xa như Mỹ.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Ấn Độ cũng phải hết sức thận trọng trong việc điều tiết các mối quan hệ quốc tế để hạn chế tối đa những tác động không mong muốn từ sự đan xen và mâu thuẫn lợi ích chồng chéo giữa các quốc gia đối tác. Các bài học lịch sử cũng đã cho thấy các cường quốc đã nổi không thể dễ dàng nhường không gian cho những cường quốc mới nổi. Vì thế, chỉ bằng con đường hợp tác và ngoại giao “không phân biệt đối tác” mới giúp Ấn Độ tiến từng bước vững chắc trên con đường phát triển của mình.

Đức Vũ/ Theo Dân trí