Trong suốt khóa học, tôi không hề nhận được một câu nào kiểu “không, không, đừng làm thế”, không ai nói tôi “làm thế này là sai”.

Ấn tượng của bạn về trường học? Đối với không ít người, trong ấn tượng có thể đọng lại ít nhiều hình ảnh giáo viên mắng, các ngón tay chỉ và các đường gạch đỏ dưới các lỗi chính tả hoặc các phép tính sai.  

Người viết “may mắn” được đào tạo kiểu “gà nòi” nên thời học sinh chỉ một lần bị bắt… quỳ trên bục giảng. Những trải nghiệm ấu thơ chắc chưa đủ “đắng cay” để thấy sợ trường học.

Tuy nhiên, tiếp xúc với một số nền giáo dục cởi mở hơn, tôi sung sướng biết thêm những triết lý giáo dục rất khác những gì tôi từng quen thuộc.

Tăng khen, giảm chê

Dưới đây là một câu  chuyện được kể từ Đan Mạch:

Ngày đầu tiên con trai đến trường mầm non về nhà, tôi đã rất ngạc nhiên khi thằng bé đắc thắng ném cái cặp xuống sàn nhà và tuyên bố: "Đơn giản thế, con biết đọc, biết viết rồi". Tôi nói, chưa đâu mai con vẫn quay lại trường, con phải hiểu điều đó. "Con biết rồi, nhưng đi học cũng vui mà."- thằng bé sáu tuổi trả lời. “Bởi vì bọn con có một thứ ngôn ngữ mà người lớn cũng không hiểu".

Tôi đưa cho nó một tờ giấy và một cây bút: "Hãy nói bố biết đi!".

Thằng bé nhanh chóng vẽ các đường lộn xộn, chẳng có ý nghĩa gì. "Đọc to lên bố xem". Nó đọc một câu chuyện về hai người đang chơi bóng gian lận và một trong hai đá vào khung thành nhưng cuối cùng đi chệch.

Tôi băn khoăn không biết lý do và có cơ hội gặp giáo viên trong cuộc họp phụ huynh một tuần sau đó. Nguyên do là nhà trường có một “kế hoạch thử nghiệm” với con cái chúng tôi trong bảy năm sắp tới: "Thay vì việc chỉ ra các lỗi nào mà bọn trẻ hay mắc phải, chúng tôi sẽ cố gắng khen ngợi những gì các em làm tốt", cô giáo giải thích. "Chúng tôi sẽ gạch dưới các chỗ đúng bằng mực xanh thay vì gạch dưới các chỗ sai bằng mực đỏ, điều này sẽ trở nên quen thuộc với các thế hệ học sinh tiếp theo". Hàng loạt phụ huynh tròn mắt.

"Điều đó có nghĩa là thay vì hỏi Anders (tên cậu bé) xem cháu có thể đánh vần đúng từ NGỰA hay không, nếu cháu đánh vần thành NGỤA, cô sẽ vỗ vai và khen ngợi cháu đã có thể nghe rất tốt và viết đúng vần NG phải không? "Chính xác", cô giáo trả lời.

Một số phụ huynh nhăn nhó “xin hãy ngừng các cuộc thử nghiệm của mấy người trên con cái chúng tôi”. Nhưng các giáo viên tin tưởng và duy trì cách làm mới.

Và điều kỳ lạ đã xảy ra, tất cả lũ trẻ đều yêu trường học bởi chúng được khen ngợi vì từng điều nhỏ bé mà chúng làm được trong một quá trình. Các giáo viên yêu thích dạy học bởi lũ trẻ có động lực học tập.

Ba tháng sau, bọn trẻ đã biết đọc, nhanh hơn và tốt hơn bất kỳ lớp nào khác trong trường. Trong 5 năm sau đó, các kỳ thi quốc gia đã thể hiện rõ khả năng của lớp tốt hơn trong đọc, viết và làm toán so với mọi lớp học khác trong hạt (đơn vị hành chính ở Đan Mạch).

Trên đây là câu chuyện của tác giả cuốn Tin tức xây dựng, Giám đốc Bộ phận Tin tức, Hãng Phát thanh Truyền hình Quốc gia Đan Mạch. Nó làm tôi nhớ những gì xảy ra với mình ở trường khi còn là học sinh.

Tôi bèn “xin” một vài ví dụ từ người bạn đang làm giáo viên ở trong nước. Và hình ảnh mà tôi có được vào năm 2015 là những nét gạch bút đỏ như sau:

{keywords}
Bài tập viết chính tả với những lỗi sai bị gạch bút đỏ

Làm tốt lắm, tiếp tục đi!

Ba mươi tuổi tôi mới có cơ hội đi học bơi, vì trong trường học có bể bơi, không phải di chuyển đi xa. Buổi sáng đến lớp nhìn thấy “bạn học lít nhít” chỉ năm sáu tuổi mà thấy cái bộ bikini của mình nó mới vô duyên làm sao. Không nói về những bối rối của người trưởng thành đi học các kỹ năng sinh tồn mà nhẽ ra nên được học ở tuổi ấu thơ, tôi muốn nhấn mạnh tới cách các huấn luyện viên giúp tôi vượt qua nỗi sợ khi “ngâm mình trong nước”.  

Việc học bơi lội sẽ càng khó khăn hơn khi bạn càng cao tuổi, cơ thể ngày càng kém mềm dẻo và linh hoạt, đặc biệt “ám thị sợ nước” lại cao hơn trẻ em. Nhưng trong suốt khóa học, tôi không hề nhận được một câu nào kiểu “không, không, đừng làm thế”, không ai nói tôi “làm thế này là sai”. Các huấn luyện viên đều khen ngợi những gì tôi làm được “làm tốt lắm”, “thở như thế là đúng rồi”, và “cần tập trung thêm vào đạp nước nữa” hoặc “cần phải thư giãn hơn”.

Luôn là những lời khen ngợi và động viên, kèm theo những hướng dẫn. Do vậy, tôi làm theo cái đúng, mà không cần phải tập trung vào những thứ mình chưa đúng. Sau mười buổi, với rất nhiều nỗ lực của cả huấn luyện viên và bản thân, tôi cũng bơi được một đoạn ngăn ngắn, nhưng điều đáng kể nhất là trải nghiệm của tôi khi ở trong nước. Tôi không sợ, và tôi được động viên liên tục để tiếp tục.

Học tập theo UNESCO là nhằm bốn động lực chính: học để biết, học để làm việc, học để cùng chung sống và học để khẳng định bản thân (learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be).  

Nền giáo dục Việt Nam đang có những cải cách đáng mừng khi không còn chấm điểm học sinh ở hệ tiểu học, nhưng triết lý giáo dục vẫn tập trung nhiều phần vào “nhồi” kiến thức và nếu không được thì… phạt.  

Từ những trải nghiệm của mình, tôi cảm thấy một nền giáo dục ở đó người học được động viên để học tập suốt đời, mà không chán nản, sợ hãi và được động viên để vượt qua những rào cản nội tâm là nỗi sợ hãi và chán nản, mới thực sự là điều một nền giáo dục nhân văn cần hướng tới.  

Nhung Nguyễn (từ Manila)

Bài cùng tác giả:

Đổi mới ngay từ… cái ghế

Nếu có thể, nên để hàng triệu bộ bàn ghế trong các nhà trường trong cả nước, thành thứ công cụ tốt nhất, gần nhất và sẵn có nhất cho dạy và học sáng tạo.

Cấp độ tàn độc mới của IS và những câu hỏi

Hơn một tỉ người đạo Hồi và cả nhân loại vẫn cần nhận thức một cách toàn diện hơn nữa về nhau.

Táo ngoại nhiễm khuẩn và ‘ăng-ten sợ hãi’

Có lẽ do rào cản ngôn ngữ hoặc có lẽ do thói quen “rút tít” của báo chí, mà táo nhiễm khuẩn là sự cố của chỉ 4 công ty đã bị gán cho danh từ chung “Táo Mỹ” ở Việt Nam.