Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp có lẽ đã không hiểu rõ thế nào là “quy chế phát ngôn”, khi ông ra thông báo đòi xử lý cán bộ của trường phát biểu ý kiến liên quan tới vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 25/2013/QĐ-TTg Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, dù không phải cơ quan hành chính nhà nước, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp cũng ra Quyết định số 926/QĐ-ĐHLN-TCCB ngày 5-9-2013 về việc Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của Trường.

Gần đây, khi vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội gây xôn xao dư luận, báo chí trong quá trình tìm hiểu về các loại cây được trồng thay thế là mỡ hay vàng tâm đã tìm đến những chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng, trong đó có các giáo viên trường ĐH Lâm nghiệp.

Lập tức, Hiệu trưởng Trần Văn Chứ ra thông báo số 373 ngày 25-3-2015, viện dẫn hai quyết định nêu trên, và cho rằng một số cán bộ viên chức của nhà trường trả lời phỏng vấn báo chí “với chức danh đang công tác tại trường ĐH Lâm nghiệp” là không đúng với Quy chế và sẽ bị xử lý.

Không nói lại những sai sót trong nội dung thông báo 373 liên quan tới PA 83 (Công an TP Hà Nội) mà nhà trường đã thừa nhận là do “lỗi đánh máy”, nhưng cần phải hiểu rõ “quy chế phát ngôn là gì, tại sao phải có nó, ai là đối tượng điều chỉnh của quy chế này?.

Ông Nguyễn Vũ Lâm, Trưởng phòng hành chính tổng hợp – “người phát ngôn” của Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng nếu các cá nhân khi phát biểu ý kiến mà gắn với tên đơn vị công tác thì phải được sự đồng ý của nhà trường. Nghĩa là bất kỳ ai khi cung cấp thông tin về bất cứ vấn đề gì mà xưng danh cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường thì đều phải được nhà trường cho phép.

Ông dẫn chứng cụ thể trong vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, nếu báo chí chỉ nói Tiến sĩ Đặng Văn Hà, chuyên gia về kiến trúc cảnh quan thì được, nhưng không được nói Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất ĐH Lâm nghiệp. Hay không được ghi thầy Vũ Quang Nam là Trưởng khoa Thực vật rừng của ĐH Lâm nghiệp....

Với cách lý giải như trên thì trường ĐH Lâm Nghiệp đã can thiệp quá sâu vào quyền tự do phát ngôn của công dân. Không rõ trường ĐH Lâm nghiệp đã cố tình hiểu sai hay thực sự không hiểu cái gọi là “Quy chế phát ngôn”.

Quy chế phát ngôn được Thủ tướng chính phủ ban hành dựa trên quyền được tiếp cận thông tin - một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước sẽ cử ra một người gọi là người phát ngôn để cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất cho báo chí về các vấn đề liên quan đến hoạt động của mình.

Chức năng quan trọng nhất của người phát ngôn là được nhân danh cơ quan khi phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Những cá nhân khác, nếu không phải là người phát ngôn vẫn có thể trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng họ không được nhân danh cơ quan, những thông tin này chỉ mang tính chất cá nhân, và họ phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin mà mình cung cấp.

Việc “nhân danh cơ quan” khác hẳn với công bố chức danh và nơi công tác. Ví dụ người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể thay mặt Bộ nêu ý kiến về một vấn đề liên quan đến chức năng quản lý, công việc chuyên môn của Bộ. Phát biểu của người phát ngôn cũng là quan điểm chính thức của Bộ về vấn đề đó.

Nhưng một Vụ trưởng, Vụ Phó, hay chuyên viên của Bộ (không phải người phát ngôn) vẫn có thể đưa ra quan điểm riêng của mình, và quan điểm đó không phải ý kiến chính thức của Bộ. Những người này không cần phải che giấu chức vụ và nơi công tác của mình khi phát biểu, bởi đương nhiên đó được hiểu là ý kiến cá nhân, không đại diện cho quan điểm của Bộ.

Từ đó có thể thấy, trường Đại học Lâm Nghiệp đã rất khiên cưỡng khi đòi xử lý các cán bộ giáo viên của mình, chỉ vì họ đưa ra những phát biểu hoàn toàn chỉ liên quan đến chuyên môn. Việc nêu chức danh và nơi công tác không thể đánh đồng với nhân danh nhà trường.

Minh Đức/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn