Điều gì sẽ đến khi một biểu tượng đấu tranh dân chủ như bà Aung San Suu Kyi thực thi nghĩa vụ của một chính trị gia?

Người hùng thầm lặng của Myanmar

Hôm sau ngày mất của Nelson Mandela, 6/12/2013, Aung San Suu Kyi phát biểu trước 400 phụ nữ Myanmar, những người lần đầu được hội họp nhân Diễn đàn phụ nữ tại Yangon: “Mandela đã làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

Là người thừa kế hoàn hảo con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và hòa giải của Nelson Mandela, người đàn bà được người dân Myanmar yêu mến gọi là “Dì Suu” cũng đang tiến rất gần đến lộ trình ngày nào của Mandela: nắm giữ quyền lực.

Bất chấp tốc độ kiểm phiếu nhỏ giọt và sự lo lắng về một điều bất trắc vẫn đang rập rờn, Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn dân chủ quốc gia (NLD) của bà được coi như đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau 1/4 thế kỷ trên đất nước Myanmar.

{keywords}
Những người ủng hộ NLD trước trụ sở đảng ngày 9/11. Ảnh: AP

Nhưng, nếu muốn thay đổi thế giới, hay chí ít là thay đổi đất nước Myanmar, con đường của Aung San Suu Kyi không thể dừng tại đó. Bước tiếp theo của thắng cử phải là nắm giữ quyền lực và thực thi cải cách.

Aung San Suu Kyi không phải người mơ mộng. Bà là người thực tế. Bà muốn nắm quyền và được điều hành đất nước.

Khi Aung San Suu Kyi đến Australia năm 2013, một nhà báo hỏi bà về việc chuyển từ vai trò biểu tượng sang nghĩa vụ của một chính trị gia, Aung San Suu Kyi rất không hài lòng. “Tôi luôn luôn là một chính trị gia. Tôi chưa bao giờ tự xem mình như một biểu tượng. Tôi đã lập ra một đảng chính trị và nếu không phải chính trị gia, tôi không bao giờ có thể tồn tại sau bấy nhiêu năm”.

Có những khác biệt ghê gớm giữa việc là một biểu tượng và việc là một chính trị gia. Biểu tượng hay được hiểu như thiêng liêng và không tì vết. Nhưng chính trị gia thì phải sẵn sàng hứng chịu mọi lời chỉ trích.

Khó khăn cho Aung San Suu Kyi là bà đang phải sống giữa hai thế giới. Một thời gian dài, cái tên Aung San Suu Kyi xuất hiện trên báo chí với toàn lời lẽ tốt đẹp, nhưng vài năm gần đây, sự chỉ trích đã bắt đầu xuất hiện.

Ngoài nước, bà bị chỉ trích là đã quá im lặng trước sự đàn áp từ chính quyền Myanmar đối với các sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Rohingya ở bang Kachin và người Hồi giáo. Trong nước, bà bị chính các đồng sự trong đảng NLD phản đối vì bị cho là có quá nhiều thỏa hiệp với giới quân sự và các cronies – những tài phiệt làm giàu nhờ quan hệ với các tướng lĩnh.

Aung San Suu Kyi giải thích cho lựa chọn thái độ của mình. “Tôi luôn bảo vệ những người mà quyền của họ bị xâm phạm. Nhưng vấn đề là họ không muốn tôi chỉ bảo vệ, họ muốn tôi lên án. Mà tôi thì nghĩ rằng lên án không phải là cách làm hiệu quả. Điều tôi muốn là sự hòa giải quốc gia”.

Đứng ở thế chông chênh đó rất khó khăn. Su Su Lwin, một nghị sĩ đảng NLD và thân cận với Aung San Suu Kyi nhận xét rằng người Myanmar đã nửa thế kỷ qua không được thực hành chính trị nên với họ, một biểu tượng luôn “rõ ràng, ngay thẳng” là điều dễ chấp nhận hơn là một chính trị gia biết khi nào cần thỏa hiệp. Aung San Suu Kyi, vì thế, khá cô đơn. Bà vừa phải giữ hình ảnh tranh đấu đã được truyền thông hóa cao độ của mình vừa phải kín đáo thực hiện những dàn xếp nơi hậu trường để chuẩn bị cho một sự tiếp quản quyền lực.

Cách mà Aung San Suu Kyi đang theo đuổi là một điển hình của realpolitik – chính sách thực dụng. Bà đề nghị gặp gỡ rất nhiều với giới quân sự và crony để đạt được các thỏa hiệp. Thậm chí, hồi đầu năm nay, bà còn mời những người này đến nhà ăn tối (dù bị từ chối). Việc làm này khiến nhiều người khó chịu.

Tháng 3/2015, khi đi thăm một mỏ đồng vốn bị dân cư phản đối gay gắt, bà bị đám đông la ó và hét lên vào mặt “chúng tôi không thể tin bà nữa” vì trước đó bà tuyên bố, với tư cách nghị sỹ, rằng sẽ không yêu cầu đóng cửa khu mỏ vốn là nơi diễn ra các cuộc đàn áp khốc liệt của cảnh sát. “Đôi khi, chính trị gia phải đưa ra các quyết định không vừa lòng dân chúng” – Suu Kyi nói.

Điều này không mới. Tháng 1, khi bà phát biểu trên BBC rằng mình “yêu quân đội Myanmar”, nhiều người coi đó là phát ngôn đi quá giới hạn. Bo Kyi, một cựu tù chính trị nhận xét: “Tôi hiểu là bà ấy cần mềm dẻo vì những lí do chính trị, nhưng bà ấy không được nói những điều như thế”.

Hay khi Aung San Suu Kyi bày tỏ “cần phải duy trì luật pháp và trật tự” lúc nói về các vụ cảnh sát đàn áp bạo lực với người Hồi giáo, tờ báo Irrawady thất vọng “Nếu người phụ nữ mà chúng ta đặt tất cả hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn lại không lên tiếng về những điều xấu xa đang đe dọa đất nước thì Myanmar sẽ trở thành, không gì khác hơn, là một phiên bản ít đàn áp hơn của lớp độc tài cũ”. Đáp lại là một câu gọn lỏn của Aung San Suu Kyi trước các cử tri: “Đừng bao giờ kỳ vọng người nào đó sẽ là cứu tinh của bạn”.

Những người tiếp xúc nhiều với Aung San Suu Kyi đều biết rằng bà nhiều tham vọng và đang nóng lòng nắm quyền để thực thi cải cách.

Thời gian thực ra không còn nhiều cho Aung San Suu Kyi. Hai năm qua, tiến trình dân chủ ở Myanmar gần như bị đóng băng và các dấu hiệu bất an đang quay trở lại. 4 nhà báo vừa bị bỏ tù nhiều năm vì viết bài điều tra một cơ sở sản xuất vũ khí hóa học của quân đội và cảnh sát Myanmar thì thẳng tay đàn áp cuộc tuần hành đầu năm của sinh viên. Bất chấp lực đẩy từ cuộc bầu cử, nếu không sớm có những cải cách mạnh mẽ, tiến trình dân chủ của Myanmar rất có thể sẽ lại rơi vào ngõ cụt.

Với cá nhân Aung San Suu Kyi và đảng NLD, thời gian còn là cả câu chuyện về tuổi tác và kinh nghiệm. Ở tuổi 70, không chắc Aung San Suu Kyi có thể chờ đợi để làm được điều mình muốn khi mà bản Hiến pháp 2008 vẫn tồn tại như một rào cản khổng lồ và bản thân NLD chưa phải là một chính đảng thực thụ có kỹ năng quản trị để có thể tin tưởng sẽ gánh vác tốt trọng trách.

Toàn bộ những điều này nằm trong nhận thức của Aung San Suu Kyi và có thể thấy là bà đã chuẩn bị kỹ cho việc đó, từ bỏ biểu tượng để làm chính trị gia. Nhanh như một cái chớp mắt - như nhận xét của một nhà ngoại giao phương Tây tại Yangon.

Quang Dũng