Chống chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng là một vấn đề vô cùng quan trọng, là quan điểm nhất quán xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

>> Tình nghĩa láng giềng không bao giờ phai nhạt

>> Mối quan hệ xây bằng xương máu nhiều thế hệ

Có thể thấy rất rõ điều này qua bài báo nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Bác với bút danh T.L đăng trên tờ Báo Nhân Dân, số ra ngày 3/2/1969. Tác phẩm chỉ có 686 từ nhưng có logic rất chặt chẽ, dưới dạng tổng kết lý luận - thực tiễn.

Căn bệnh nguy hiểm

Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân từ năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Người chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, địa phương, óc lãnh tụ.  

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy chủ nghĩa cá nhân ngày càng tinh vi, phức tạp. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người phê phán tư tưởng “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy” của chủ nghĩa cá nhân.  

Đến bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” thì diện mạo của chủ nghĩa cá nhân được Bác chỉ ra tương đối toàn diện và cụ thể.

Trước hết, chủ nghĩa cá nhân là sự tham lam (tiền tài, của cải, quyền lực, thậm chí là sắc đẹp). Đã tham là “bất liêm”. Đã “bất liêm” thì không là đạo đức. Chính vì lòng tham đó, trong những trường hợp nhất định, cá nhân thường sinh ra mù quáng về vật chất, tham quyền cố vị, rất dễ phản bội lại Đảng và nhân dân.

Ngay từ kháng chiến chống Pháp, trong bài viết "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu” (năm 1952), Bác đã phân tích và đưa ra ví dụ rất cụ thể, sâu sắc về các vấn đề này. Theo Bác, tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng", "giặc nội xâm”.  

Những người theo chủ nghĩa cá nhân thường nuôi dưỡng tâm lý khao khát tham vọng địa vị, quyền lực, sùng bái tiền của, chỉ thích làm “thầy” không muốn làm “thợ”, thích học vị, chức quyền cao nhưng lại lười học. Đó chính là biểu hiện thứ hai của chủ nghĩa cá nhân: Sự lười biếng.

Sự lười biếng khiến người ta không chịu làm việc, thấy khó khăn gian khổ là từ chối, thấy béo bở, lợi lộc là lao vào. Sự lười biếng còn là sự lười suy nghĩ, làm việc theo thói quen, kinh nghiệm, không tìm tòi, không đổi mới, thậm chí nhờ người khác suy nghĩ. Hậu quả là không có sự đổi mới trong lãnh đạo, trong quản lý, không thể đưa cách mạng tiến lên.

{keywords}

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ văn khai mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng 05/09/1960

Biểu hiện thứ ba của chủ nghĩa cá nhân là bệnh quan liêu trong lãnh đạo, quản lý: trong công việc thì trọng hình thức mà không xem xét toàn diện, không vào sâu vấn đề, không sát với công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Vì thế mọi quyết định được đưa ra từ bàn giấy, không có tính thực tiễn, dẫn đến sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách. Như Bác đã từng chỉ ra trước đó là “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ ” hay “đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”.  

Kiêu ngạo là biểu hiện thứ tư của chủ nghĩa cá nhân mà Bác đã nêu ra trong bài báo. Sau khi giành được chính quyền, tức là sau khi đã lãnh đạo nhân dân giành được một số thắng lợi nhất định, một số cán bộ đảng viên tỏ ra kiêu ngạo, cho rằng cái gì họ cũng biết, cũng làm được, dẫn đến coi thường tổ chức, coi khinh quần chúng, coi thường những cán bộ ngoài Đảng.

Tiếp đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng do cá nhân chủ nghĩa mà cán bộ, đảng viên thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, không tuân thủ điều lệ của Đảng, pháp luật Nhà nước.  

Cùng với tính vô tổ chức, vô kỷ luật, một số cán bộ đảng viên còn biểu hiện lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào cấp trên, đùn đẩy né tránh những việc khó, tính kỷ cương trách nhiệm và cộng đồng yếu. Hậu quả là "cha chung không ai khóc", lãng phí "tiền chùa" không ai xót, việc dân đang bức xúc nhưng cán bộ phụ trách lại dửng dưng. Nhất là khi có sai phạm thì không ai chịu trách nhiệm chính, dẫn đến rất khó sửa chữa, khắc phục.

Một biểu hiện nữa chính là tính địa phương cục bộ. Người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn gắn với địa phương mình, với một lĩnh vực nào đó, chỉ chú ý đến lợi ích của mình, coi nhẹ lợi ích của cả nước, của những địa phương khác. Điều này nếu không được khắc phục rất dễ sinh ra những tiêu cực nghiêm trọng đến vấn đề xây dựng Đảng nói chung và vấn đề đoàn kết nói riêng, nhất là đối với việc đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ.  

Kéo bè, kéo cánh cũng một biểu hiện khác của chủ nghĩa cá nhân. Đó là việc không dùng những người có tài mà chỉ dùng những người bảo vệ lợi ích của mình (dù không có tài). Đó là lòng ham dùng người bà con, anh em quen biết, bè bạn, xuất phát từ quan niệm sai lệch “vào Đảng là để thăng quan tiến chức” dẫn đến tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”. Đó cũng là lòng ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực, ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình (hiện tượng “cánh hẩu”).

Với những biểu hiện hết sức cụ thể, xuyên suốt vào các quan hệ, kể cả quan hệ đời tư, quan hệ lãnh đạo, quản lý và kể cả quan hệ giữa cán bộ đảng viên với quần chúng, chủ nghĩa cá nhân thật sự là thứ vi trùng rất nguy hiểm, đe dọa sự lãnh đạo của Đảng.

Những biện pháp sống còn

Phần nói về các biện pháp nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong bài báo chỉ gồm hai đoạn ngắn với tổng cộng 10 câu văn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng 10 từ "phải". Phải ở đây là bắt buộc, vì thế, các biện pháp mà Bác chỉ ra trở thành những vấn đề có tính sống còn.

Bác quy lại thành hai nhóm biện pháp chính: Nhóm 1: gồm bốn biện pháp cụ thể, có liên quan về phía Đảng, tổ chức Đảng. Theo đó, để “nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trước hết, Đảng phải “tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Việc giáo dục ở đây liên quan đến lý tưởng cách mạng, đến nền móng tư tưởng lý luận của Đảng nên phải có phương pháp, nội dung và cách thức tổ chức giáo dục đúng đắn.

{keywords}

Tiếp theo là phải “thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”. Bác cho rằng tự phê bình và phê bình ở đây là quy luật phát triển của Đảng. Bác đặt “tự phê bình” trước “phê  bình” không phải là điều ngẫu nhiên mà có dụng ý rõ ràng. Tức là mỗi cán bộ đảng viên trước khi phê bình người khác, phê bình tổ chức Đảng thì phải soi lại mình, tự phê bình mình, điều mình làm được, không làm được.

Không chỉ có vậy, Bác nhấn mạnh, Đảng cần phải “hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên” để cán bộ đảng viên hoàn thiện nhân cách của mình. Đảng phải quan tâm đến dư luận xã hội vì sự đánh giá của quần chúng nhân dân, cơ quan, đơn vị và nơi cư trú sẽ góp phần hoàn thiện tư cách, nhân cách đạo đức của cán bộ đảng viên.

Biện pháp tiếp theo, là phải “giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật Đảng”. Kỷ luật của Đảng, trước hết là buộc mọi cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước, sau đó là quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Đảng viên tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật.

Luôn đi liền với kỷ luật Đảng là công tác kiểm tra. Phương pháp kiểm tra phải được thực hiện từ trên xuống dưới, đặc biệt là phải kiểm tra từ dưới lên thông qua cán bộ, đảng viên, từng cấp tổ chức Đảng. Theo Bác, để thực hiện biện pháp kiểm tra, cần phải có 2 điều kiện: Một là, cần làm có hệ thống, thường xuyên, là công việc thường nhật của Đảng chứ không phải khi cần mới kiểm tra. Hai là, người đi kiểm tra phải là người có nhân cách đạo đức, có uy tín.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra 4 biện pháp có liên quan đến sự tự ý thức của mỗi cán bộ đảng viên.  

Trước hết, mỗi cán bộ đảng viên cần giải quyết một cách rất rành mạch, rõ ràng trong nhận thức tư tưởng vấn đề phải “đặt lợi ích của cách mạng của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết”. Điều này thể hiện tinh thần "trung với nước", "hiếu với dân", ý chí và quyết tâm cao cả dám hy sinh quên mình phấn đấu theo lẽ sống cao đẹp...

Tiếp theo, Bác yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”. Cán bộ đảng viên phải có thái độ kiên quyết rõ ràng để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, không được có thái độ “lừng chừng”.

Biện pháp thứ ba đó là cán bộ đảng viên phải “đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Nghĩa là phải nắm được “dân tình”; hiểu thấu “dân tâm”; có điều kiện để cải thiện dân sinh và nâng cao dân trí.

Biện pháp cuối cùng, Bác yêu cầu cán bộ đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao trình độ hiểu biết để ra sức phục vụ tốt hơn cho Đảng, cho cách mạng.

Rõ ràng chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn trái với đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Nó đang cản trở việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Do vậy, phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện thấm nhuần và nâng cao đạo đức cách mạng. Tính lôgíc, chất cách mạng, sức chiến đấu và giá trị thực tiễn của bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghía cá nhân” là như vậy.

-ThS. Vũ Thị Kim Yến

* Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch