Hợp tác Hàn Quốc với EU ban đầu mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nước này. Nhưng sau 5 năm, theo thống kê, Hàn Quốc chịu lỗ rất nhiều.

Phát biểu tại một diễn đàn cách đây ít ngày[1], Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) “không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á trong tương lai”.

“Nếu thực hiện được tầm nhìn này, chúng ta coi như đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên cho đến lúc này, trước làng sóng hội nhập của nhiều hiệp định thương mại tự do mà nông nghiệp đang là trọng tâm, ĐBSCL vẫn phải chịu áp lực kép.

Áp lực đầu tiên đến từ những khó khăn truyền thống đã được đề cập và phân tích khá nhiều. Việc gia nhập cộng đồng thương mại thế giới, gần đây nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Châu Á-Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra hai cánh cửa song song cho nông sản Việt Nam. Một cánh cửa hứa hẹn, mở ra thị trường lẫn giá cả, tất nhiên cạnh tranh khốc liệt.

Cánh còn lại dành cho phân khúc thị trường thấp, thậm chí rất thấp với viễn cảnh bán nông sản không đủ vốn chứ chưa bàn đến chuyện có lời. Thực tế cho thấy nông sản Việt nghiêng về cánh cửa thứ hai nhiều hơn.

{keywords}

Đồng ruộng khô cháy vì hạn hán tại ĐBSCL. Ảnh: Đinh Tuấn

Áp lực lớn thứ hai đến từ làn sóng FTA

Tiến sỹ Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT nhận xét rằng, xu hướng kỳ vọng trước khi ký kết các FTAs như TPP hay Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam nay dường như đã trầm hơn vì tính thực tế của hiệu quả nhận được.

Trong tình trạng có nhiều xu hướng diễn ra cùng lúc, như hợp tác song phương, đa phương, khu vực,… thì sẽ xuất hiện “hiệu ứng bát phở”. Một là, 1 doanh nghiệp của một nước muốn thành công thì phải tìm hiểu kỹ các Hiệp định, và phải lựa chọn được hình thức có lợi từ từng Hiệp định riêng rẽ. Hai là, sẽ xảy ra sự trung hòa lẫn nhau giữa các Hiệp định, vì lợi ích giữa các Hiệp định đó là không rõ ràng.

Theo lý thuyết, khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại, các sản phẩm sẽ được giảm thuế, làm hàng hóa có lợi về mặt giá cả, đặc biệt là hàng nông sản. Nhưng trên thực tế, sự chuyển hướng thương mại chuyển biến rất nhanh, ví dụ như EU liên tục đàm phán với các nước khác để so sánh những khoản lợi hơn.  

Chẳng hạn, cũng theo TS. Thắng, hợp tác Hàn Quốc với EU ban đầu mang lại rất nhiều lợi nhuận cho nước này, nhưng sau 5 năm, theo thống kê, Hàn Quốc chịu lỗ rất nhiều, do mặt hàng xuất khẩu sang EU của Hàn Quốc chỉ tập trung vào một vài ngành chủ lực, trong khi EU rơi vào bất ổn vì khủng hoảng nợ công, và các vấn đề về kinh tế. Đây cũng là một sự cảnh báo với Việt Nam.

Cốt yếu là định hình thương hiệu tầm quốc tế

Thực tế là EU rất bảo thủ về nông sản, nhưng mặt khác, EU sẽ có những chính sách bảo hộ nông sản và có trợ cấp khi cần thiết. Vì vậy, để có thể thâm nhập vào thị trường EU, Việt Nam cần phải thay đổi các tiêu chuẩn cho phù hợp, thậm chí phải biến các cam kết của mình thành luật pháp.

Việc ký kết nhiều hiệp định kinh tế như TPP, FTA EU cho thấy Việt Nam có thể tạo được bước đột phá về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, tính ưu thế của nông sản Việt Nam trên thực tế không được như trong lý thuyết đặt ra khi kí kết nhiều hiệp định kinh tế.

Để hưởng lợi tối đa, TS. Trần Toàn Thắng đã nêu một số gợi ý. Đó là các doanh nghiệp cần tôn trọng quy tắc xuất xứ và hàm lượng nội địa hóa, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, cải thiện năng lực thể chế, hỗ trợ các thương hiệu quốc gia, có khả năng xuất khẩu và phân phối.

Nhà nước cần cải cách cơ chế, quyền sở hữu và tích lũy ruộng đất, tín dụng nông thôn đầy đủ, chuyển giao kỹ thuật – đào tạo nông dân, kiểm định chất lượng vật tư nông nghiệp, kiểm định chất lượng và sự an toàn thực phẩm, điều tiết sự cạnh tranh và tự do mậu dịch.

Trần Thắng

------

[1] Diễn đàn “Vì Đồng bằng Sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với khí hậu”, QDND.vn, 27/06.