Cuộc gặp mặt giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama đã tô đậm trang hiện tại của câu chuyện này.

LTS: Trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả James Borton (Đại học Coastal Carolina University, cựu nhà báo) đăng tải trên tờ Washington Times (Mỹ), với tiêu đề “A New Era in U.S.-Vietnam Relations Emerges: Arrival of Party Chief Signals Importance of Partnership”. Bản mềm bài viết do tác giả gửi cho Tuần Việt Nam.

Việt Nam đang viết nên một câu chuyện mới. Đó không còn là những nỗi buồn của chiến tranh, mà là tương lai xán lạn của đất nước. Chương mới nhất của câu chuyện đặt nước CHXHCN Việt Nam vào quỹ đạo nổi bật trong một khu vực châu Á – Thái Bình Dương thay đổi nhanh chóng và năng động. Cuộc gặp mặt giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama đã tô đậm trang hiện tại của câu chuyện này.

Bất kể quá khứ đau thương và các khác biệt về ý thức hệ, Việt Nam -  một nước từng là cựu thù của Mỹ - giờ lại là một đối tác gần gũi, sẵn sàng bắt tay với Washington trong một mối quan hệ đối tác toàn diện mở rộng.

{keywords}

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Washington, hôm 7/7/2015. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ đối tác mới mẻ và rộng mở này thúc đẩy các sáng kiến củng cố quan hệ Mỹ - Việt và có thể nhấn mạnh thêm chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á – TBD. Quan hệ đối tác tiến triển mang lại một cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, các vấn đề di sản chiến tranh để lại, quốc phòng và an ninh.

Hai mươi năm trước, khi Việt Nam và Mỹ nối lại quan hệ song phương, thương mại chỉ đạt 450 triệu USD. Năm ngoái, con số này đã tăng lên gần 39 tỉ USD. Trong cùng giai đoạn đó, thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên 6 lần, từ mức 560 USD năm 1988 nay đã lên gần 3.354 USD, quy mô tầng lớp trung lưu đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Hơn nữa, 17.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ đang củng cố việc  hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng ngàn việc làm tại Việt Nam và Mỹ. Mặc dù bức tranh kinh tế đang rất hứa hẹn nhưng Việt Nam hiểu rằng tương lai của họ khởi nguồn sâu xa từ trong truyền thống và lịch sử.

Với dân số 90 triệu người mà 1/3 trong đó dưới độ tuổi 20, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội với tỉ lệ trung bình hàng năm ở mức 7% trong vòng 25 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là một trong số các thị trường hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam và Mỹ đang thương thảo về hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để thiết lập khu vực tự do thương mại chiếm tới 40% GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới. Thỏa thuận này sẽ giúp tạo ra nhiều công việc có chất lượng và thúc đà tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, Việt Nam và các quốc gia khác trong TPP.

Mối quan hệ đang mở ra này được coi là một trong những quan hệ song phương quan trọng tại châu Á – TBD. Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington rằng: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Nhưng chúng ta có thể thay đổi tương lai khi làm việc cùng nhau”.

Nghiên cứu gần đây do Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) thực hiện trên 2.000 người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực thành thị cho thấy đây là quốc gia có tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu nhanh nhất tại Đông Nam Á. Một đất nước Việt Nam mới mẻ giờ đây đang sản xuất giày cho hãng Nike, con chip điện tử cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, và điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng của họ đang mở rộng.

Trong năm qua đã có sự chủ động trong ngoại giao từ phía Hà Nội với Washington, thể hiện qua chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu chính thức trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Mùa xuân vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có hội đàm song phương với các quan chức Mỹ để mở rộng các vấn đề an ninh.

Toàn cầu hóa và Hội nhập với phương Tây

Sự kiện ‘Đổi Mới’ năm 1986 trong nền kinh tế kế hoạch nhà nước tại Việt Nam đã thành công trong việc thúc đẩy các quyền của các hộ gia đình nông thôn, giảm dần quyền pháp lý của các hợp tác xã và thiết lập định hướng nền kinh tế thị trường. Giai đoạn chuyển đổi trọng yếu này lại được tiếp lửa thêm từ việc thông qua Luật Doanh nghiệp năm 1999, mở ra một tinh thần doanh nhân đổi mới giữa những quân đội từng giao chiến ác liệt, một bước đột phá trong cải cách thể chế và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

{keywords}

Ảnh bài viết trên tờ Washington Times. Ảnh: Tác giả cung cấp

Năm 2002, các lợi ích chiến lược và kinh tế giao thoa đã giúp Mỹ và Việt Nam cải thiện quan hệ trên một loạt vẫn đề rộng lớn. Những năm vừa qua, hai bên cũng đã ký kết một thỏa thuận mới về hợp tác hạt nhân dân vì mục đích dân sự, và đã tăng cường hợp tác trong ngăn phổ biến hạt nhân.

Thấu hiểu di sản đau thương từ chiến tranh, Việt Nam tiếp tục tiến hành các tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ trong danh sách mất tích trên chiến trường. Hợp tác chặt chẽ giữa quân đội hai nước cũng được cho thấy qua việc Việt Nam quyết định cho phép Hải quân Mỹ và các tàu Tuần tra Duyên hải (Mỹ) neo đậu để sửa chữa và bảo trì tại cảng Vịnh Cam Ranh theo văn bản ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung trong Hợp tác Quốc phòng.

Thỏa thuận tự do thương mại khu vực TPP sẽ mở ra thêm nhiều thị trường giữa các quốc gia, nâng tiêu chuẩn lao động, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ở cả các bên tại Thái Bình Dương. Lãnh đạo chính trị tại Việt Nam ủng hộ việc thông qua TPP và tin tưởng rằng thỏa thuận này đóng vai trò là một lộ trình hoàn hảo cho tương lai của đất nước, vì sẽ buộc thị trường của VN phải năng động và hiệu quả hơn.

Theo quan hệ đối tác toàn diện này, có ba lĩnh vực đặc biệt quan trọng mà hai chính phủ nỗ lực để đạt được sự hợp tác chặt chẽ hơn. Trước tiên, vấn đề nhân quyền sẽ được thúc đẩy trong bối cảnh Việt Nam tham gia đàm phán thỏa thuận thương mại TPP. Chính quyền Việt Nam hiểu rõ các mối ưu tư trong Quốc hội Mỹ về báo cáo nhân quyền và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn lao động và nhân quyền. Hai bên đã tổ chức đối thoại vòng thứ 19 về nhân quyền. Việt Nam cũng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ 2014-2016 với tỉ lệ số phiếu bầu cao nhất.

Trong chuyến thăm năm ngoái, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói rằng chính phủ của ông đang có những “nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy nhân quyền như là một phần trong tiến trình cải cách của Việt Nam”. Trong bản Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 cũng dành riêng một chương về nhân quyền.

Một trọng tâm trong tiến trình đối thoại bao gồm các trao đổi đang diễn ra giữa các cơ quan hữu quan của chính quyền Mỹ và Bộ Công an Việt Nam về nhân quyền.

Sau nhiều năm cô lập kinh tế, Việt Nam đã mở cửa với phương Tây và từ năm 1990-2010; VN ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng GNP cao nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam còn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Sự tham dự của Việt Nam vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN – dự kiến hiện thực hóa hoàn tất vào cuối năm nay – là một nhân tố then chốt khác để lôi kéo các nhà đầu tư, khi mà quốc gia này chuẩn bị đảm bảo tiếp cận phi thuế quan cho toàn khu vực ASEAN.

Một số điểm nổi bật trong mức độ hợp tác hiện tại trong trao đổi đối tác Mỹ - Việt:

- Mỹ hiện đang dẫn đầu nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

- Năm 2014, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất trong khu vực 10 quốc gia của ASEAN với khối lượng xuất khẩu lên tới 30,6 tỉ USD.

- Các trao đổi ngoại giao cấp cao giờ đã là tiêu chuẩn.

- Về vấn đề an ninh, các tàu Hải quân Mỹ đã tiến hành hơn 15 chuyến cập cảng Việt Nam kể từ năm 2003, và thực hiện tập trận hải quân chung phi chiến sự với Hải quân Việt Nam năm 2010.

- Cả Mỹ và Việt Nam đều tiếp tục cùng nhau làm việc để giải quyết các di sản của cuộc chiến tranh – mà trong đó nỗi ám ảnh lớn nhất là các ảnh hưởng của chất độc da cam và rà soát, tháo gỡ bom mìn còn sót lại trên đất Việt Nam.

- Hợp tác giữa các lực lượng tuần tra ven biển hai nước sẽ là mốc son cho hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt.

- Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về Tổ chức Hòa bình Mỹ, trong đó bao gồm cả việc cho phép các tình nguyện viên của chương trình này dạy tiếng Anh tại nông thôn Việt Nam.

- Mặc dù các trọng tâm trong quan hệ Mỹ - Việt có thể được thấu đạt về mặt chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế, những điều đó cũng không nói lên được hết tổng thể câu chuyện về các mối ràng buộc gắn kết giữa hai quốc gia. Câu chuyện đó vẫn đang được viết nên trong trái tim và khối óc của thế hệ kế tiếp.

Lê Thu (dịch)

Trên trang Council on Foreign Relations (CFR - Hội đồng Quan hệ Quốc tế), nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á Joshua Kurlantzick nhận định, sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joseph Biden, quan hệ Mỹ - Việt Nam dường như đã đạt được một tầm cao mới. “Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam đang trên đà trở thành đối tác chiến lược mật thiết nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore”.

Joshua Kurlantzick viết:

“Cho tới cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ - Việt sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn theo nhiều cách. Dù là quốc gia có nền kinh tế đuối và khép kín hơn cả, Việt Nam sẵn sàng gia nhập TPP. Điều đó cho thấy tín hiệu quan trọng là Hà Nội cam kết cải tổ kinh tế. Mặc dù Việt Nam vốn đã là một điểm đến quan trọng cho đầu tư của Mỹ, việc gia nhập TPP cũng mang lại dòng vốn đầu tư mới từ các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản.”

“Tổng thống Obama có thể sẽ có chuyến công du tới Việt Nam vào mùa thu này – ông nói với ông Trọng rằng ông sẽ sớm tới thăm, nhưng có thể sẽ cùng lúc với chuyến công du tới châu Á đã lên lịch trước. Chuyến công du của Tổng thống Obama sẽ làm nổi bật sự mật thiết trong quan hệ Hà Nội – Washington”.