Những câu hỏi chưa có câu trả lời liên quan đến Biển Đông khiến đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (SED) tiếp tục là một diễn đàn với vô số khác biệt, mâu thuẫn và chưa có giải pháp nào được đưa ra. 

Trên cương vị Tổng thống “châu Á Thái Bình Dương”, chính quyền Obama hy vọng có thể thấy Trung Quốc hội nhập vào các tổ chức toàn cầu, nơi có những cơ chế và nguyên tắc do Phương Tây mà đứng đầu là Mỹ lãnh đạo đảm bảo một khuôn khổ luật chơi nhất định.

Tại đó Trung Quốc vẫn có quyền theo đuổi các lợi ích quốc gia, bên cạnh việc bảo tồn hệ thống và luật chơi quốc tế. Đó chính là một trong những lý do quan trọng đằng sau những nỗ lực nhằm tạo ra một thỏa thuận “G-2” không chính thức trong suốt chuyến thăm đầu tiên của Obama tới Trung Quốc vào tháng 11/2009.

Nhưng G2 đã bị Trung Quốc từ chối, không chỉ vì những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về biến đổi khí hậu, hàng hải và an ninh mạng, mà quan trọng hơn là sự thiếu vắng niềm tin chiến lược giữa hai bên.

Sự hình thành của Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ Trung (SED) có thể xem như một cơ chế mềm hơn mang tính đối thoại, và đáp ứng những kỳ vọng nhất định của lãnh đạo hai quốc gia trong thời điểm đó. Trải qua 8 vòng, đây dần dần trở thành một cơ chế đối thoại song phương quan trọng bậc nhất để Bắc Kinh và Washington điều phối và quản lý mối quan hệ, dung hòa những bất đồng.

{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại SED 2016. Ảnh: Reuters

Tuy vậy, nhiều vấn đề được đề cập hơn không có nghĩa là nhiều vấn đề được giải quyết hơn. Cặp quan hệ song phương vô cùng phức tạp Mỹ - Trung chất chứa cả chiều dài lịch sử, sự nghi kỵ từ môi trường chiến lược, lẫn các chuyển động quốc nội mà lãnh đạo hai bên chưa chắc lường được hết.

Một mặt, SED chính là diễn đàn ghi dấu những bước tiến lịch sử trong quan hệ song phương hai nước, mặt khác nó cũng là chứng nhân cho những vấn đề ngày càng gia tăng mà hai bên gặp phải.

Tại SED năm 2016 (diễn ra ở Bắc Kinh), Biển Đông là một vấn đề được đặt ra. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông. Dù không phải là một quốc gia có yêu sách và không chọn bên tại Biển Đông, Mỹ có vai trò duy nhất là đảm bảo các bên không giải quyết bằng hành động đơn phương, mà giải quyết tranh chấp bằng luật pháp, ngoại giao và đàm phán, theo các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế.

Ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc nhìn vấn đề theo một hướng khác. Ông đặt vấn đề Biển Đông với các cam kết và nỗ lực của Trung Quốc trong tiến trình phát triển hòa bình của nước này. Một trong những quan chức trọng yếu nhất của ngoại giao Trung Quốc viện dẫn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) kêu gọi các nước đàm phán vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Bên cạnh đó, ông đồng thời tuyên bố rằng các quốc gia đã đạt được khá nhiều cách hiểu chung về các thành tố của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Trong phần kết ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời khuyến khích hai nước nên làm việc để giải quyết các bất đồng, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hai bài phát biểu tưởng như chứa đựng một thông điệp về một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định, nhưng có điểm khác biệt lớn nằm trong cách tiếp cận. Phía Mỹ không phải là một bên tranh chấp cố gắng kêu gọi các bên giữ vững môi trường thượng tôn của Luật quốc tế, còn phía Trung Quốc không chỉ nói về những tuyên bố và cam kết mà họ trực tiếp ký kết, nhiều lần kêu gọi các bên cần tuyệt đối tuân thủ, hứa hẹn sẽ xúc tiến, nhưng đồng thời họ cũng nhiều lần vi phạm và không tuân thủ.

Biển Đông liệu có bị xé lẻ bởi những khác biệt về lợi ích, lẫn chiến lược giữa hai thế lực chính trị, ngoại giao và kinh tế - một bên là cường quốc đang lên Trung Quốc, bên kia là cường quốc giữ nguyên trạng Mỹ. Hai nước lớn này không những khác nhau về văn hóa, thể chế, con người mà còn bị tác động bởi những toan tính chiến lược trong cuộc chạy đua trở thành số một thế giới. Biển Đông vì thế là một “đấu trường sinh tử”.

Sự lo lắng luôn là nền tảng để thúc đẩy các hợp tác. Nếu không hợp tác, không cùng ngồi xuống thì tranh chấp sẽ có nguy cơ trở thành xung đột. Lúc này có phải là thời điểm để tư duy rằng xung đột và đối đầu cần nhường chỗ cho hợp tác, phát triển chung và cùng có lợi như trong lời phát biểu mở màn SED 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?

Nhưng nếu hợp tác, hai bên có cùng thắng, có cùng hưởng công bằng như nhau không?

Những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời, và chúng khiến SED tiếp tục là một diễn đàn với vô số khác biệt và mâu thuẫn, được lãnh đạo cả hai tiếp tục ghi nhận bởi vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra. 

Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thiết lập đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung (SED). Đây là một diễn đàn để các quan chức cấp cao giữa hai nước thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị và địa chiến lược quan trọng. Các cuộc đối thoại 2009 tập trung vào hồi phục kinh tế toàn cầu, tăng cường ổn định Đông Bắc Á, nối lại Đàm phán 6 bên, chống chủ nghĩa cực đoan và làm giàu vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Afghanistan, Pakistan và Trung Đông.

SED phát triển những năm sau đó, cùng với cả kỳ vọng và thất vọng. Chẳng hạn SED 2011 phát triển nhiều bước đột phá với 7 nội dung chính: (i) thúc đẩy trao đổi cấp cao; (ii) thúc đẩy tham vấn và đối thoại song phương với hàng loạt chương trình nghị sự; (iii) giải quyết các thách thức khu vực và thế giới như tại Triều Tiên, Nam Sudan, Dafur; (iv) tăng cường hợp tác song phương trong chống tham nhũng, an ninh hàng hải, buôn lậu, hạt nhân, thương mại và an ninh chuỗi cung ứng,…; (v) hợp tác trong biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường; (vi) ký kết mới hoặc thay mới các thỏa thuận trước đó; (vii) các phiên về quản lý dữ liệu và gặp mặt song phương.

Hai năm sau sự thay đổi lớn về cơ cấu là điểm nhấn của SED 2013. 8 nội dung chính bao gồm: (i) thúc đẩy hợp tác song phương và các đối thoại trên nhiều lĩnh vực như không gian ảo, quan hệ quân sự, nhân quyền, pháp lý, hạt nhân, an ninh, chống khủng bố, ngư nghiệp chung, an ninh hàng hải, an ninh chuỗi cung ứng; (ii) giải quyết các thách thức khu vực và thế giới, bao gồm: các vấn đề khu vực và toàn cầu, vấn đề bán đảo Triều Tiên, Iran, Syria, Afghanistan, Sudan, châu Á – Thái Bình Dương; Trung Đông, các vấn đề Luật biển và vùng cực (Law of the Sea and Polar Issues), biến đổi khí hậu, phát triển toàn cầu, chống tiêu chảy và gìn giữ hòa bình; (iii) hợp tác giữa các cá thể xuyên quốc gia, xây dựng các mối quan hệ giữa địa phương với nhau về môi trường hay thành phố môi sinh; (iv) hợp tác về năng lượng; (v) hợp tác về bảo vệ môi trường ; (vi) hợp tác khoa học, công nghệ và nông nghiệp; (vii) hợp tác về sức khỏe; (viii) các đối thoại song phương về năng lượng, môi trường, khoa học và công nghệ.

Công Tâm (từ Washington D.C, Mỹ)

>> XEM THÊM: