Những bất hợp lý hiển hiện trước mắt người bí thư Chín Cần. Có người mẹ mang vài cân gạo cho con đang học trên Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị kiểm tra, tịch thu và ngâm gạo vào nước...

Bù giá vào lương: 'tư tưởng chính trị' bí thư Chín Cần

Những năm 1979, 1980, tỉnh Long An triển khai chủ trương cải tiến phân phối lưu thông - bù giá vào lương gây chấn động dư luận.

Đây là một quyết định "tày đình" vì đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế xã hội chủ nghĩa chính thống.

Nhiều nơi tung tin về chủ trương "phá rào" của Long An là hiện tượng: "Làm loạn giá", "Mới vào đến sân bay Tân Sơn Nhất đã ngửi thấy mùi Nam Tư" (ý nói kinh tế thị trường).

Tuy nhiên, bước đột phá đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại những thay đổi lớn cho tỉnh và đã lan truyền trong cả nước. "Người mở lối" cho hướng đi mới này là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần...

Cựu Bí thư Chín Cần (sau này ông là Bộ trưởng Bộ Lương thực và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) năm nay đã cận kề tuổi 90.

Trong ngôi nhà nằm khuất trong ngõ của đường Sư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, ông lặng lẽ nhìn tôi, không nói được gì.

Đại tá Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, con trai ông nói với tôi: "Sau đợt vào viện hồi đầu năm 2011, giờ ông đã yếu nhiều và không đủ tỉnh táo để tiếp chuyện được ai".

Tôi bắt xe ngược sang Long An, mảnh đất mà vị Bí thư này đã gây nên những cơn "địa chấn" 30 năm trước. Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhiệt tình cung cấp tư liệu và giới thiệu nhân chứng cho tôi.

Ông còn tiết lộ: "Tỉnh đã đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu Anh hùng cho bác Chín"...

Đột phá "bù giá vào lương"

Ông Chín Cần có hai lần nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An. Mỗi lần đều là những thử thách ngặt nghèo đối với ông. Lần trước, vào đầu thập niên 50 và lần sau ngay sau giải phóng.

Tái nhận chức người đứng đầu tỉnh, trong ông ngổn ngang những mối lo. Lúc này, sau những hân hoan của ngày đại thắng, Long An cũng như cả nước phải đối mặt với những khó khăn chồng chất về kinh tế xã hội khi những khuyết tật của mô hình kế hoạch hóa chỉ huy tập trung, hành chính cung cấp và bao cấp ngày càng bộc lộ gay gắt.

Rõ nét nhất là cơ chế giá cả. Sự áp đặt chủ quan, tùy tiện trong định giá đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của nhà nước.

Khoản chênh lệch ấy chính là miếng mồi béo bở cho các hoạt động bòn rút hàng từ tay nhà nước sang túi các cá nhân. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn.

Ông Mai Văn Chính đưa ra tài liệu mới được Tỉnh ủy tổng kết, trong đó có thống kê tiền lương của công nhân viên chức khi đó. Chỉ lấy ví dụ như năm 1979, lương của đối tượng này chỉ là 51,95 đ/tháng.

Trong khi đó, thu nhập bình quân của một lao động trong nông nghiệp là 105 đ/tháng, của một tiểu thương kinh doanh nhỏ là 573 đ/tháng, kinh doanh vừa 702 đ/tháng và kinh doanh lớn là 877đ/tháng. Lương quá thấp nên công nhân viên chức tìm mọi cách để lo toan cuộc sống gia đình.

Hàng ngàn công nhân, viên chức, giáo viên xin nghỉ hoặc tự bỏ việc để đi buôn, làm ruộng hoặc làm thuê kiếm sống.

Tổng bí thư Lê Duẩn đến nói chuyện với cán bộ tỉnh trong lần về thăm Long An tháng 3-1978 (Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần đi sau Tổng bí thư). Ảnh tư liệu.

Là người đứng đầu tỉnh, Bí thư Chín Cần rất đau lòng. Ông trăn trở và tìm cách để thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, khâu nóng bỏng nhất lúc bấy giờ.

Người được ông chọn để tham gia xây dựng đề án này là Phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hồ Đắc Hi. Ông Hi băn khoăn: Thay đổi là đụng chạm đến nguyên tắc, cơ chế đang hiện hành. Cơ sở nào để làm đề án?

- Cơ sở là từ thực tiễn. Giá cả, tiền lương phải dựa trên quy luật giá trị và cung cầu, cũng như các quy luật kinh tế hàng hóa khác, chứ không thể duy ý chí - Bí thư Chín Cần chỉ đạo.

- Nhưng phải bắt đầu từ đâu?

- Bắt đầu từ tôi. Anh hãy lấy thu nhập của Bí thư Tỉnh ủy để tính toán.

Ông Hi tính toán từ chính trường hợp của Bí thư và đề xuất phương án với ông Chín.

Theo đó, tổng tiền lương và 16 mặt hàng phân phối theo định lượng, tất cả quy ra giá thị trường thì lương Bí thư Tỉnh ủy xấp xỉ 600 đồng.

Tuy nhiên, do chất lượng hàng hóa thấp, tiêu chuẩn bị cắt xén, hàng được cấp không phù hợp nhu cầu... thì hiệu quả sử dụng của mức lương này chỉ đạt 50-70%.

Tốt nhất là đem hết số hàng phân phối của Bí thư ra chợ bán theo giá thị trường rồi về trả cho ông 600 đ/tháng. Bí thư cần gì ra đó mà mua. Nếu theo phương án này thì tỉnh nắm được hàng hóa, giá cả; còn người hưởng lương thoải mái lựa chọn hàng mua.

Vì thế, dân buôn, đầu cơ, nhân viên thương nghiệp... không còn cơ hội tiêu cực; Nhà nước còn tiết kiệm được khoản bù lỗ cho thương nghiệp, tem phiếu, thời gian...

Bí thư Chín Cần vỗ đùi cái đét, reo lên: "Đúng, trúng rồi đó!". Ông trao đổi thêm với các cán bộ chủ chốt tỉnh và cho làm thử nghiệm.

Sau khi lĩnh toàn bộ định mức hiện vật trong tháng về, mặt hàng xà bông được chọn để bán ra thị trường. Để tránh đầu cơ và đề phòng tình huống xấu bất ngờ, xà bông được chia để bán làm ba lần.


Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần

Giá bán cao gấp 10 lần giá phân phối và tương đương giá chợ. Lương của viên chức tháng đó đã được cộng thêm định mức của mặt hàng xà bông theo giá thị trường. Ai muốn mua xà bông thì ra chợ, thoải mái lựa chọn, không phải lo mua dự trữ.

Vì thế, giá xà bông đã giảm rất nhiều. Lần đầu tiên một mặt hàng không phân phối nhưng cũng không thiếu ngoài chợ hay cửa hàng quốc doanh. Bước thử nghiệm đã thành công.

Tiếp theo đó, trong 3 tháng cuối năm 1979, tất cả các mặt hàng phân phối (trừ gạo) đều được Long An bán ra thị trường.

Toàn bộ số hiện vật của cán bộ viên chức được quy ra tiền theo giá thị trường và cộng vào lương hằng tháng. Giải pháp "bù giá vào lương" đã gây một hiệu ứng tích cực. Thị trường sôi động, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, quỹ lương của tỉnh tăng lên gấp 7 lần...

Cơn "địa chấn" rung chuyển

Sau "bù giá vào lương", Bí thư Chín Cần tập trung vào tìm phương án cải tiến khâu phân phối, lưu thông một cách căn cơ, toàn diện. Có nhiều buổi ông giả dạng thường dân đi qua các trạm kiểm tra lưu thông trên Quốc lộ 1A.

Những bất hợp lý hiển hiện trước mắt người bí thư. Có người mẹ mang vài cân gạo cho con đang học trên Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị kiểm tra, tịch thu và ngâm gạo vào nước.

Trong mớ bòng bong của khâu phân phối lưu thông lúc ấy, Bí thư Chín Cần quyết định cải tiến phương thức về thu mua, phân phối lương thực, nông sản, thực phẩm ở địa phương.

Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 26-6-1980, ông khuyến khích một số ý kiến đề xuất phương thức mới theo hướng: Mua và bán hàng theo giá thỏa thuận. Đây là ý tưởng rất mới, táo bạo.

Và cũng dễ hiểu khi ý kiến này nêu ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của không ít người. Họ cho rằng, làm theo phương thức đó là không thực hiện được giá chỉ đạo của Nhà nước quy định, ta làm thế nào để tranh mua, tranh bán được với tư thương. Như vậy sẽ đẩy giá lên cao, gây căng thẳng thị trường...

Số phản đối còn đề nghị xem lại quan điểm, lập trường của những người đề xuất. Phải chăng phương thức này chỉ quan tâm đến người có tiền, những người giàu có? Cuộc sống của những người nghèo, người có công với cách mạng đã bị bỏ qua?...

Bí thư Chín Cần đứng bật dậy, khảng khái: "Chúng ta bàn và tìm phương thức mới là để tháo gỡ khó khăn, là vì cuộc sống và niềm tin của dân. Cho nên tôi đề nghị không được quy chụp động cơ đó với vấn đề quan điểm, tư tưởng chính trị. Cá nhân tôi ủng hộ phương thức mới là thu mua theo giá thỏa thuận. Vì đó là biện pháp hợp với thực tế, hợp với quy luật khách quan".

Sau cuộc họp này, ông Chín chỉ đạo tiến hành làm thử việc mua hàng theo giá thỏa thuận đối với hàng nông sản, thực phẩm và bán hàng theo giá thỏa thuận đối với hàng tiêu dùng.

Cung cách làm ăn mới này đã được người dân hồ hởi đón nhận, công nhân viên chức yên tâm, phấn khởi làm việc.

Những bước thử nghiệm ban đầu đã cho kết quả rất tích cực, Bí thư Chín Cần cùng ông Tư Giao, Giám đốc Thương nghiệp tỉnh hoàn chỉnh Đề án cải tiến phân phối lưu thông và thông qua Tỉnh ủy vào tháng 8-1980.

Đề án đặt vấn đề phải chủ động, sáng tạo, phải "dám nghĩ, dám làm, dám nói" trong lãnh đạo và quản lý kinh tế. Triển khai áp dụng với mua bán theo giá thỏa thuận, bù chênh lệch giá trên cơ sở tiêu chuẩn hàng thiết yếu được phân phối.

Với phương thức mới, người sản xuất trở lại làm chủ trong sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng trở lại làm chủ thu nhập của mình.

Người sản xuất có thể mua được vật tư, nguyên liệu cần thiết, người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu mà không phải trông chờ vào mạng lưới phân phối của nhà nước.

Việc cung ứng hàng hóa ngày càng sát hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Hàng hóa được lưu chuyển nhanh hơn với con đường ngắn nhất từ sản xuất đến tiêu dùng. Như vậy, cả ba mặt sản xuất, tiêu dùng và lưu thông đều được cải tiến, với những đột phá mới.

Đề án cải tiến phân phối lưu thông mà người chủ biên là Bí thư Tỉnh ủy Chín Cần khi được triển khai đã mang lại luồng sinh khí mới tràn ngập niềm tin và phấn khởi trong cán bộ và nhân dân.

Chỉ sau 2 tháng, hơn 300 công nhân, viên chức, giáo viên đã nghỉ, xin trở lại làm việc. Nông dân phấn khởi lao vào sản xuất...

Kết quả thực tế là phương thức ấy, việc lưu thông hàng hóa đã trở lại bình thường, kinh tế xã hội được phục hồi nhanh chóng, sản xuất tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện.

Năm năm liền (1980-1985) mặc dù có những năm gặp thiên tai nhưng nhìn chung sản xuất vẫn liên tục phát triển. Sản lượng lương thực từ 436 nghìn tấn năm 1980 lên 580 nghìn tấn năm 1985. Sản lượng vải từ 2,3 triệu mét năm 1980 lên 6,5 triệu mét năm 1985.

Trước năm 1980, chưa có năm nào tỉnh hoàn thành được kế hoạch thu mua, xuất khẩu hàng hóa. Nhưng từ năm 1980, hàng xuất khẩu liên tục tăng lên, hoàn thành kế hoạch trung ương giao, đạt và vượt cả kế hoạch của địa phương. Long An là một trong chưa đến 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có dư ngân sách để nộp cho Trung ương.

Những cải tiến trong phân phối, lưu thông ở Long An thực sự đã gây lên cơn "địa chấn" trong cả nước.

Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, hàng chục đoàn của các tỉnh, thành phố đã về Long An nghiên cứu, tìm hiểu. Một số phái đoàn quốc tế như đoàn giáo sư Liên Xô, đoàn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Nhật Bản... cũng về Long An để tìm hiểu.

Một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản đánh giá việc làm của Long An "không những là cách làm mới đối với Việt Nam mà còn là mới đối với cả phe xã hội chủ nghĩa".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính được gọi ra Hà Nội để giải thích tại sao việc "tày đình" như thế mà không báo cáo xin ý kiến trung ương?

Ông Chín Cần thẳng thắn đáp: "Nếu chúng tôi xin ý kiến thì bằng lý luận các anh sẽ bác. Chi bằng chúng tôi làm có kết quả rõ ràng, rồi báo cáo". Và kết quả thực tế đã thay mọi lời giải thích. Trung ương chấp nhận và cho Long An tiếp tục thực hiện.

Không lâu sau, các cải tiến này đã được áp dụng trong cả nước với những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI...

Rời Long An, tôi vẫn vấn vương lời Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm Mai Văn Chính nói lúc chia tay: "Bác Chín Cần không có điều kiện để học cao vì toàn bộ những năm tháng tuổi trẻ bác phải lăn lộn với các phong trào cách mạng ở địa phương và kháng chiến giải phóng dân tộc.

Bù lại, bác luôn sâu sát thực tiễn, gần dân, thương dân và luôn có đầu óc đổi mới. Bác tin tưởng và trọng dụng nhiều trí thức và chuyên gia giỏi như ông Hồ Đắc Hi, ông Tư Giao...

Bởi vậy, Long An mới có những đột phá thành công, gây xôn xao dư luận cả nước vào "đêm trước đổi mới" như thế"...

Hết

Theo Quân đội Nhân dân

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại