Sức mạnh lan tỏa của truyền thông và các trang mạng xã hội, cùng với nhận thức ngày càng cao của người dân đã khiến cho cuộc chiến với thực phẩm bẩn đã tới cao trào.

Ngay sau kỳ nghỉ lễ, báo chí đưa tin người dân trở lại thành phố với lỉnh kỉnh các sản vật sạch "của nhà trồng được". Trên facebook, các chị em không ngừng chia sẻ cách tận dụng khoảng không chật hẹp của chung cư phố thị để trồng rau sạch….

Những chuyện tưởng như nhỏ nhặt này cũng đủ cho thấy câu chuyện thực phẩm an toàn đang cấp bách thế nào. Đây thực sự là một cuộc chiến cả xã hội đang dốc sức quét sạch vì mục tiêu sức khỏe giống nòi.

Để dành chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ này, đòi hỏi một sự đồng thuận và tham gia toàn diện cùng với các giải pháp đột phá và quyết liệt từ phía các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm, các cơ quan truyền thông báo chí và mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là đối với từng người dân, cũng là người tiêu dùng thực phẩm.

Về phía doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm: Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn hiện nay đang tạo ra cơ hội cho những nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm sạch những cơ hội lớn mà họ cần phải tận dụng, bắt đầu từ việc khôi phục và giành lấy lòng tin của người tiêu dùng.

Bởi vì doanh nghiệp thu được lợi nhuận chính từ sự hưởng ứng của người tiêu dùng, cho nên nếu đánh mất lòng tin của người tiêu dùng, họ sẽ phá sản.

Trách nhiệm cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân trong điều kiện hiện nay của doanh nghiệp cần phải gắn liền với trách nhiệm báo cáo, truyền thông đầy đủ và công khai đến người dân và các cơ quan quản lý các thông tin liên quan đến sản phẩm được sản xuất và phân phối về nguồn gốc và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm giải trình này được đặc biệt nhấn mạnh đối với các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm lớn, vì nếu họ sản xuất và kinh doanh đảm bảo quy trình thì chính việc công khai công bố các thông tin liên quan sản phẩm sẽ tạo ra sự an tâm cho người tiêu dùng và điều đó sẽ có lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.

{keywords}
Hiện tượng cá chết hàng loạt càng làm việc lựa chọn thực phẩm sạch thêm khó khăn. Ảnh: Xuân Lam/ Báo Tài nguyên & Môi trường
Trong lúc khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng cần phải tìm cách để có những chương trình trợ giá cho người tiêu dùng thu nhập thấp có thể tiếp cận được thực phẩm sạch (vốn thường có mức giá bán lẻ khá cao).

Về phía các cơ quan truyền thông báo chí và các trang mạng xã hội: Thời gian qua, chính những bài viết lên án và cảnh báo trên truyền thông đã hâm nóng và làm dấy lên sự quan tâm và phản ứng quyết liệt của người dân đối với thực phẩm bẩn. Truyền thông càng phải duy trì sự nhiệt tình và thái độ trách nhiệm cần thiết như vậy, tuy nhiên cũng cần phải chú ý trong việc đưa tin nhằm tránh tạo ra một cảm giác hoảng loạn, bất an trong xã hội.

Các trang tin có thể hình thành chuyên mục về tiêu dùng thực phẩm, trong đó cung cấp những thông tin đầy đủ về vấn đề tiêu dùng thực phẩm, biểu dương những tấm gương về cung cấp thực phẩm sạch cũng như là đưa tin những vụ án bị trừng phạt vì kinh doanh thực phẩm bẩn, hướng dẫn người tiêu dùng cách mua sắm và chế biến thực phẩm an toàn.

Bên cạnh việc đưa tin kịp thời về các vụ việc nghiêm trọng về thực phẩm bẩn, truyền thông cũng cần phải giám sát và đưa tin về quá trình xử lý các vụ việc đó của cơ quan chức năng nhằm răn đe và ngăn ngừa những trường hợp vi phạm tiếp theo, tạo ra lòng tin trong dư luận xã hội.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là tích cực phát hiện và trừng trị nghiêm minh những trường hợp vi phạm luật pháp về thực phẩm bẩn. Điều này rất quan trọng vì nếu cơ quan quản lý và thực thi luật pháp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình thì thực phẩm bẩn sẽ vẫn còn tung hoành.

Với “thượng phương bảo kiếm” là Điều 317 BLHS sẽ được áp dụng từ 01/07/2016, các cơ quan quản lý nhà nước đã có công cụ đủ mạnh trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Điều luật này cần phải được sử dụng thật hiệu quả nhằm trừng trị và xử lý nghiêm khắc, đồng thời răn đe mạnh mẽ những hành vi khinh nhờn vô trách nhiệm trước sức khỏe giống nòi.

Cần chú ý rằng trong thời gian qua sự bức xúc của dư luận vốn đang rất cao đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nhưng chỉ bị xử lý một cách đơn giản, vì thế khi điều luật này đi vào cuộc sống thì cũng sẽ giúp khôi phục lại lòng tin dư luận.

Bên cạnh việc thực thi điều luật này thì công tác truyền thông một cách rộng rãi đến các đối tượng liên quan, thể hiện quyết tâm thực thi điều luật cũng là điều cần làm để ngăn ngừa những hành vi tội phạm.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể xem xét hình thành các “đội đặc nhiệm” để nâng cao hơn khả năng tấn công tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo ra các đường dây nóng để tận dụng đầy đủ thông tin từ người dân nhằm phát hiện và xử lý triệt để các vụ việc vi phạm pháp luật.

Về phía người tiêu dùng: Đây chính là lực lượng quyết định thắng thua trong cuộc quyết đấu với thực phẩm bẩn.

Không thể phủ nhận, với tâm lý “khuất mắt trông coi” trong việc ăn uống cũng như là dựa vào cảm tính trong việc lựa chọn thực phẩm, thích hàng giá rẻ,… thời gian qua chính người tiêu dùng cũng đã tạo cơ hội cho những kẻ sản xuất và kinh doanh tham lam trục lợi.

Vì vậy, người tiêu dùng cần phải trở nên có trách nhiệm trước tiên đối với bản thân và gia đình mình.

Họ cần trang bị những kiến thức phổ thông về an toàn thực phẩm và cũng cần cân đối ngân sách chi tiêu của gia đình, chấp nhận những khoản chi lớn hơn cho thực phẩm sạch, bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng cho gia đình cũng còn là tạo điều kiện cho các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch có thể phát triển và tiếp tục phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó thì việc cảnh giác và mạnh dạn tố cáo những cơ sở sản xuất và kinh doanh vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ giúp họ bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Tóm lại, cần phải coi cuộc chiến với thực phẩm bẩn là một cuộc chiến trường kỳ đòi hỏi sự kiên trì để có những chuyển biến tích cực.

Đồng thời, cũng cần phải nhìn nhận đây không phải là cuộc chiến riêng lẻ của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi luật pháp hay chỉ là của các doanh nghiệp có thái độ trách nhiệm đối với xã hội. Nó là cuộc chiến của tất cả chúng ta, với sự vào cuộc của toàn bộ xã hội.

Chỉ khi ý thức tự trách nhiệm và sự đồng lòng, đồng bộ của tất cả các bên – doanh nghiệp, nhà nước, truyền thông và người dân hòa làm một, chúng ta mới có thể dẹp bỏ được vấn nạn nguy hiểm, kinh sợ này.

Lê Đức Tiến, nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Aston, Vương quốc Anh

XEM THÊM BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ TRÊN TUẦN VIỆT NAM