Làm công tác tổ chức một thời gian khá dài nên tôi thấy rằng càng đến các kỳ Đại hội, chuyện nhân sự càng nóng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.  

Suốt giai đoạn diễn ra ĐH Đảng các cấp cũng chính là quãng thời gian mà dư luận quan tâm và đồn thổi nhiều nhất về chuyện nhân sự. Nào là ai vào ai ra, ai lên ai xuống. Nào là dị nghị về chuyện "phe nhóm", "con ông cháu cha", "con vua thì được làm vua"…

Công tác tổ chức cán bộ luôn là tâm điểm của dư luận. Vào kỳ ĐH Đảng lại càng sôi động hơn. Cứ kỳ ĐH sau  thì dư luận  lại "phong phú" hơn kỳ ĐH trước với nhiều "thực tiễn sinh động".

Người viết vào Đảng lúc 18 tuổi (1963) và phục vụ công tác tổ chức Đảng ở địa phương một thời gian khá dài nên cho rằng thông tin từ phía dư luận xã hội là chuyện luôn xuất hiện. Càng ở trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa thì chủ đề bàn tán càng thêm sôi nổi.

Vì sao vấn đề nhân sự lại được quan tâm như vậy? Bởi thực chất, bộ máy nhân sự có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện nhiệm vụ toàn khóa của Ban chấp hành. Nhìn rộng cả nước, nó sẽ chi phối đến định hướng, đường lối phát triển. Còn xét từ phương diện cá nhân, đó lại là con đường thăng tiến của từng người (5 năm một lần).

{keywords}
Ảnh: K.V

Quen với công tác tổ chức cán bộ lâu dài, nên điều tôi quan sát thấy đó là các thông tin về cán bộ tuy sai đúng và động cơ có khác nhau nhưng nhìn chung là người dân quan tâm nhất đến quy trình tuyển chọn. Làm sao để dân chủ, công bằng. Nói cách khác, dân quan tâm đến cái "khuôn" - quy trình, hơn là quan tâm đến cái bánh.

Nói theo ngôn ngữ "hàn lâm" thì phương pháp nào kết quả nấy, không lệ thuộc ý chí. Chế độ quân chủ chuyên chế cha truyền con nối thì quyền lực nhà nước là của vua, nhưng chế độ quân chủ lập hiến thì vua chỉ là biểu tượng. Việc truyền ngôi là do Hội đồng ngôi vua, nhưng điều quan trọng là quyền lực lại ở trong tay nhân dân (Quốc hội) như ở Anh, Nhật, Thái Lan, Campuchia... hiện nay.

Rõ là chế độ quân chủ độc tài và quân chủ lập hiến đều có vua, nhưng vua quân chủ toàn trị phần nhiều sinh ra hôn quân còn vua dưới chế độ quân chủ lập hiến thì do minh quân trị vì. Đó là do hai phương pháp hay gọi là hai thể chế khác nhau về chất nhưng có cùng hình thức và có "sản phẩm" được gọi tên giống nhau là "cha truyền con nối", là tạo ra vua nhưng "chất lượng" hoàn toàn khác nhau.

Trở lại với thực tế hiện nay, chúng ta đang làm qui hoạch, đưa ra qui trình chọn và đào tạo cán bộ qua nhiều kỳ đại hội nhưng chưa thoát ra được qui trình cấp ủy cũ "bầu" cấp ủy mới. Nói vắn tắt là nếu không được Ban chấp hành cũ nhất trí, nghị quyết để đưa ra đại hội thì không "hợp lệ".  Và đặc biệt càng ít trường hợp tự ứng cử.

Việc chọn và đề bạt cán bộ cũng bắt đầu chọn từ đảng viên, mà đảng viên thì có tỷ trọng hơn 3 triệu trong hơn 90 triệu dân, nhưng đảng viên đang công tác ở các chi bộ khóm, ấp, xã phường thì tỷ lệ rất ít so đảng viên hưu, có nơi tỷ lệ ấy là trên dưới 10%. Thiểu số của thiểu số!

Vậy rõ là cái khuôn ấy chúng ta sử dụng kể từ khi có Đảng nhưng càng lúc càng khép bớt khuôn, nhất là bằng "qui trình chọn lựa", "qui chế bầu cử" hoặc ở khía cạnh "lý lịch", "quan hệ chính trị"... nghĩa là những cái tự "vận dụng" ngoài Điều lệ Đảng và Hiến pháp Nhà nước, rất trừu tượng, rất dễ gán ghép cho nhau để loại trừ nhau vì động cơ riêng.

Mặt trái của cách làm này là càng về sau cán bộ có tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ, hư hỏng nhiều hơn nên từ đó nảy sinh sự nghi kỵ cách làm. Tức là từ cái bánh người ta truy lại cái khuôn là đúng.

Khoa học kỹ thuật thế giới tiến bộ như vũ bão. Công tác cán bộ là vấn đề quan trọng nhất vì nó có tính nhạy cảm nhất, quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đảng cầm quyền. Nhìn vào các nước văn minh, các đảng cầm quyền ở đó họ giải quyết vấn đề này nhìn từ hành động và kết quả công việc của bộ máy cũng theo tốc độ ánh sáng thời đại nên được lòng đa số cử tri, xã hội không ngừng phát triển so các nước khác chứ không so với chính họ. Ta nên tham khảo.

Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)