“Lời hứa là món nợ theo suốt cuộc đời” - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật VŨ ĐỨC KHIỂN đã chia sẻ như thế về lời hứa của ông khi ứng cử ĐBQH Khóa IX, X, XI. Ông cũng nhắn nhủ người ứng cử ĐBQH Khóa XIV, không có công thức chung cho việc trở thành một ĐBQH tốt, hãy cứ đặt mình vào hoàn cảnh, vào vị trí của người dân, lắng nghe và thực sự thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của dân; sống với niềm vui, nỗi buồn và cả những đau khổ của người dân, đại biểu sẽ biết mình phải làm gì.

Trước nhân dân, đâu thể “nói bừa, hứa đại”

- Ngày bầu cử ĐBQH Khóa XIV đang đến rất gần. Với những người đã từng là ĐBQH, nhất lại là đại biểu kỳ cựu đến 3 nhiệm kỳ như ông, chắc hẳn, khoảng thời gian này gợi nhắc nhiều kỷ niệm?

- Bầu cử ĐBQH là sự kiện lớn lắm, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là ngày hội của toàn dân. 3 nhiệm kỳ QH Khóa IX, X, XI, tôi được giới thiệu ứng cử ở TP Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lạng Sơn. Thực ra, khi lần đầu ứng cử ĐBQH ở TP Hà Nội, tôi không tin là mình sẽ trúng cử đâu. Vì lúc đó, đơn vị bầu cử có 3 người để bầu 2 ĐBQH gồm ông Vũ Đình Cự, bà Trần Thị Bình là Giám đốc một công ty của Hà Nội là nữ và tôi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ chắc là cử tri sẽ bầu ông Cự và bà Bình vì chỉ có 1 nữ, mà tôi và ông Cự đều là người Thái Bình. Khi đi vận động bầu cử, tôi chỉ nói với cử tri ở khu Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy là, nếu trúng cử, tôi sẽ cố gắng thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của một người ĐBQH. Tôi vẫn nhớ, khi tôi nói như vậy, một cử tri là ông Khuê đã thẳng thắn nói với tôi: “Ông hứa như vậy thì phải giữ lời hứa đấy nhé! Chúng tôi sẽ bầu ông làm ĐBQH nhưng ông hãy nhớ rằng, lời hứa của ông là món nợ, chúng tôi sẽ đòi nợ ông trong suốt cả nhiệm kỳ đấy”.

{keywords}

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển. Ảnh: Lê Nhung/ VNN

Nhiệm kỳ Khóa X, được giới thiệu ứng cử ở Bà Rịa  - Vũng Tàu, tôi được phân công về đơn vị bầu cử gồm các huyện nông thôn và Côn Đảo. Khi đến đó, tôi thấy người dân mình còn nghèo quá. Nhất là ở Côn Đảo, lần đầu tiên tôi đến vùng đất lịch sử này, ra thắp hương ở nghĩa trang Hàng Dương rồi mới vào hội trường gặp người dân. Đứng trên bục, tôi ứa nước mắt. Bên cạnh nghĩa trang với hàng ngàn bia mộ của các anh hùng liệt sĩ, tôi thấy mình nói gì cũng không xứng với sự hy sinh đó. Vì thế, mặc dù đã chuẩn bị chương trình hành động rất kỹ lưỡng nhưng tôi đã không nhắc đến những kế hoạch, những công việc mà mình dự định sẽ làm mà chỉ dám nói với bà con rằng: “Tôi nhận thức được trách nhiệm của mình lớn lắm, trước bà con tôi thấy mình nhỏ bé lắm. Ở một địa danh lịch sử như thế này, tôi không biết mình có làm được gì để đền ơn đáp nghĩa hay không. Tôi chỉ xin ghi nhận ý kiến của bà con và cố gắng, trong phần trách nhiệm của mình, làm được việc gì tôi sẽ làm hết sức”. Trước nhân dân ở một địa danh lịch sử như thế, mình đâu thể nói “bừa”, hứa “đại” được?

Trong cuộc đời làm ĐBQH của mình, bên cạnh những việc theo đúng chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tôi thấy phải cố gắng giải quyết được càng nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân càng tốt. Tôi theo dõi thì thấy, vừa qua, ở một số địa phương, tình trạng hình sự hóa các vụ việc dân sự vẫn diễn ra. Cơ quan chức năng giải thích là do nhận thức pháp luật còn hạn chế. Sao có thể nói như vậy được? Người có chức năng thực thi và bảo vệ pháp luật mà vẫn nói là “nhận thức pháp luật còn hạn chế” thì dân phải làm thế nào? Vì thế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dân là hành động thiết thực nhất mà mỗi ĐBQH nên làm và cần phải làm. 15 năm làm ĐBQH, người dân mang đơn đến nhà, gửi đơn đến cơ quan, tôi đều nhận và cố gắng giải quyết nhiều nhất theo chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Tất nhiên, có việc giải quyết được, cũng có việc chưa. Nhưng nội dung vụ việc và tên từng người gửi đơn, đến giờ tôi còn lưu giữ.

 Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển

Đến Khóa XI, được giới thiệu ứng cử ở Lạng Sơn, tôi cũng được bố trí về ứng cử ở những huyện khó khăn nhất, nghèo nhất như Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Hữu Lũng, Lộc Bình… Đi xe lộc cộc vào, bụi mù đường, bà con quẩy bó khoai, bó sắn đi chợ, thấy ô tô đến thì đứng nép vào vệ đường để tránh bụi. Vào phòng tiếp xúc cử tri thì liêu xiêu bàn ghế, điện đóm chưa có. Các ông, bà cử tri ngồi cả ngoài hiên, quạt, nón phe phẩy chống nóng. Chương trình hành động đã chuẩn bị, tôi cũng gác lại, chỉ dám nói với bà con rằng: “lúc còn là học sinh, tôi thuộc rất kỹ bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu sáng tác cách đây hơn 40 năm, trong đó có đoạn: Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng/ Phố đông, còn nhớ bản làng/ Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng/ Mình đi ta hỏi thăm chừng/ Bao giờ Việt Bắc tưng bừng đông vui… Làm thế nào để đồng bào miền núi sánh vai cùng đồng bào miền xuôi, tiến kịp miền xuôi. Tôi nghĩ, đó cũng là món nợ của chúng tôi ngày hôm nay với nhân dân Việt Bắc. Món nợ ấy khó trả lắm nhưng tôi sẽ cố gắng, làm được việc gì, tôi sẽ làm hết sức”.

Buồn, vui với dân, đại biểu sẽ biết phải làm gì

- Ông có tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của người ứng cử ĐBQH Khóa XIV không? Và, với tư cách là 1 cử tri, ông có suy nghĩ như thế nào về chương trình hành động của họ?

- Tôi theo dõi chương trình hành động của một số người ứng cử thì thấy, nội dung chủ yếu tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống thực phẩm bẩn, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm khoảng cách giàu - nghèo… Đó là những vấn đề đang rất nóng, được đông đảo cử tri quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi, có một sứ mệnh hết sức quan trọng của QH trong nhiệm kỳ tới là phải thúc đẩy việc đổi mới hệ thống chính trị cho tương xứng với những đổi mới về KT - XH mà chúng ta đã đạt được trong 30 năm qua. Khi một vụ việc xảy ra, ví dụ, cá chết hàng loạt ở miền Trung, tôi thấy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở rất mờ nhạt, không thấy ai lên tiếng. Trong khi chúng ta rất tốn kém để duy trì hệ thống ấy nhưng có việc gì xảy ra chẳng thấy đoàn thể, tổ chức nào vào cuộc cứu dân.

Phải chuyển được tư duy của cán bộ công chức, cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi công vụ từ quản lý sang phục vụ. Vừa rồi, tôi thấy Chính phủ nói rất mạnh vấn đề này. Quan điểm như vậy là rất đúng. Đổi mới từ cơ quan quản lý nhà nước để triển khai ra cả hệ thống chính trị. Hiện nay, tư duy của cán bộ nhà nước vẫn là: cái gì không quản được thì cấm. Thế là hỏng rồi. Cuộc sống đa dạng, phong phú lắm. Quản lý nhà nước phải hướng những vấn đề thiên hình, vạn trạng đó của cuộc sống vào trật tự, kỷ cương có lợi cho mọi người, cho xã hội chứ không phải cứ thấy cái gì có mặt trái, không quản lý được là cấm hết.

- Ông có nhắn nhủ gì với những người ứng cử ĐBQH Khóa XIV không?

- Tôi nhớ GS.TS. Trần Ngọc Đường có nói đại ý là, để được bầu làm ĐBQH thì cực khó nhưng làm ĐBQH thì rất dễ vì chẳng có ai đánh giá, xem xét xem đại biểu đó đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa. Thực tế, có đại biểu cả 11 kỳ họp không phát biểu một lần, khi biểu quyết thì bấm nút “không biểu quyết”. Vậy nên nói thế cũng có phần đúng.

Luật quy định ĐBQH phải gắn bó mật thiết với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân và phải phản ánh trung thực ý kiến của dân đến QH, các cơ quan nhà nước. Nhưng luật lại cũng quy định, khi biểu quyết thì ĐBQH có thể biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biết quyết. Tại sao ĐBQH lại không biểu quyết? Vấn đề đã đặt lên bàn nghị sự của QH rồi thì ĐBQH phải quyết định hoặc đồng ý hoặc không đồng ý. Nếu đại biểu chưa có đủ thông tin để quyết định thì phải yêu cầu cơ quan hữu quan cung cấp đầy đủ thông tin, giải thích rõ ràng, cặn kẽ, để trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của cử tri đưa ra quyết định đồng ý hay không đồng ý chứ. Cả một nhiệm kỳ ngồi im, không phát biểu gì, đến lúc biểu quyết lại cũng không biểu quyết thì có phải là đại biểu của dân hay không?

Với 3 khóa làm đại biểu của dân, nếu có điều gì muốn nhắn gửi đến các ĐBQH Khóa XIV thì tôi nghĩ, đó là, hãy sống với niềm vui, nỗi buồn và cả những đau khổ của người dân. Không có công thức chung cho việc đánh giá, nhận xét một ĐBQH tốt. Hãy cứ đặt mình vào hoàn cảnh, vào vị trí của người dân, lắng nghe và thực sự thấu hiểu mong muốn, nguyện vọng của dân thì đại biểu sẽ biết mình phải làm gì và cử tri sẽ cho điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Theo An Nhiên/ Đại biểu Nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt