Ngày càng cho thấy đây chỉ là cuộc khẩu chiến mà thôi, một cách làm được Kim Jong Un thường sử dụng. Có thể Kim Jong Un muốn tạo không khí chiến tranh, siết chặt hàng ngũ binh sĩ và củng cố vai trò kiểm soát dân chúng của mình.

Không khí chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng hơn với những tuyên bố đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ tấn công Mỹ và Hàn Quốc mấy ngày trước và hôm 30-3 lại tuyên bố "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc.

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA khẳng định như một tuyên cáo rằng: "Các mối quan hệ liên Triều được đặt trong tình trạng chiến tranh và tất cả các vấn đề giữa hai miền Triều Tiên sẽ được xử lý theo nguyên tắc tương ứng của chiến tranh".

Thái độ của Bình Nhưỡng không có gì mới so với các diễn biến gần đây nhưng cũng khiến cho Washington và Seoul không thể xem thường về mối đe dọa chiến tranh hai miền Nam - Bắc Triều.

Không biết các nhà chiến lược có tin rằng Triều Tiên dám khai hỏa chiến không, nhưng phần lớn dư luận quốc tế xem đây chỉ là những lời khiêu chiến có tính cường điệu. Một dẫn chứng cho tình hình này là ngay thời điểm Triều Tiên tuyên bố chiến tranh, hàng trăm nhân viên Hàn Quốc vẫn qua biên giới làm việc trong khu công nghiệp liên doanh nằm bên phần đất miền Bắc mà không có vấn đề gì.

Phản ứng của Hàn Quốc như thế nào? Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok phát biểu hôm 8-3 rằng: "Nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân, chế độ của Kim Jong Un sẽ biến mất khỏi trái đất theo nguyện vọng của nhân loại".

{keywords}

Kim Jong Un trong chuyến thị sát tới đơn vị pháo binh tầm xa ở đảo Baengnyeong, biên giới phía tây của Hàn Quốc

Ngày càng cho thấy đây chỉ là cuộc khẩu chiến mà thôi, một cách làm được Kim Jong Un thường sử dụng. Có thể Kim Jong Un muốn tạo không khí chiến tranh, siết chặt hàng ngũ binh sĩ và củng cố vai trò kiểm soát dân chúng của mình.

Hiểu được vậy nhưng Seoul cũng phải đặt mình trong tư thế sẵn sàng đáp trả. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố quân đội miền Nam sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích, đồng thời theo dõi sát sao mọi biến động của quân đội miền Bắc. Hiện tại Seoul cho biết không có nghi ngờ nào được phát hiện.

Hoa Kỳ, đồng minh của Hàn Quốc, đã ra thông cáo cho biết không thể xem thường những đe dọa của Bắc Triều Tiên đồng thời khẳng định lại "mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc".

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle thì kêu gọi Triều Tiên sớm chấm dứt điều mà ông gọi là "trò đùa với lửa".

Cho dù những hình ảnh được công bố và lời nói đến từ Bình Nhưỡng là vu vơ, nhưng vẫn làm cho các cường quốc phải quan tâm.

Trong một thông cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nêu rõ: "Pháp vô cùng quan ngại trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khẩn thiết yêu cầu nước này không được có thêm động thái khiêu khích nào, tuân thủ nghĩa vụ của quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các nghị quyết xác đáng của Liên Hiệp Quốc đồng thời nhanh chóng nối lại con đường đối thoại".

Nga cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt đối với tình hình tại bán đảo Triều Tiên.Trong một thông cáo ngoại giao hôm cuối tuần qua, Moscow kêu gọi hai miền Triều Tiên và Hoa Kỳ hãy chứng tỏ thái độ "trách nhiệm và kiềm chế tối đa". Ông Grigori Logvinov, một quan chức ngoại giao Nga đặc trách hồ sơ Triều Tiên, cho biết Nga không thể thờ ơ khi căng thẳng đang leo thang từng ngày ở cửa ngõ biên giới phía đông của mình.

{keywords}

Các binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc tập trận

Những hành động của Triều Tiên giống như đổ thêm dầu vào lửa, đến nỗi Hàn Quốc và Mỹ vừa tuyên bố ký một thỏa thuận để cùng có kế hoạch đối phó nếu Bình Nhưỡng biến những lời đe dọa thành sự thực.

Việc ký kết thỏa thuận nói trên diễn ra khi Mỹ và Hàn Quốc đã và đang có những cuộc tập trận chung, trong đó có cả sự tham gia của các máy bay ném bom B-52 và B-2. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, George Little, cho hay các chuyến bay của pháo đài bay B-52 là nhằm đảm bảo lực lượng hỗn hợp Mỹ - Hàn được huấn luyện chiến đấu đầy đủ nhằm đối phó với hành động gây hấn.

Các chiến lược gia quân sự của Hàn Quốc rõ ràng đang chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, và dường như người dân nước này cũng đang sẵn sàng cho một cuộc xung đột có thể đến bất cứ lúc nào.

Tuy rằng một cuộc tấn công của Triều Tiên theo kiểu những năm 50 của thế kỷ trước rõ ràng là không thể xảy ra, nhưng người dân Hàn Quốc vẫn cảnh giác về những nguy cơ bùng nổ mồi lửa xung đột giữa hai miền Nam - Bắc.

Tháng trước, một vị tướng cấp cao của Hàn Quốc trình bày trước Quốc hội các kế hoạch về những cuộc tấn công phòng ngừa nếu tình báo phát hiện những sự chuẩn bị tấn công hạt nhân từ Triều Tiên. Ông nói rằng: "Một khi chúng ta phát hiện pháo hoặc tên lửa tầm xa đang được Triều Tiên chuẩn bị, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công".

Hàn Quốc lo xa cũng dễ hiểu bởi với sơ đồ chiến lược bố trí quân sự như hiện nay, một máy bay Triều Tiên chỉ cần ba phút để tới Seoul và một quả đạn pháo của Bình Nhưỡng chỉ cần một phút để bay sang phía bên kia biên giới.

{keywords}

Dòng xe trở về Hàn Quốc sau một ngày làm việc ở khu công nghiệp Kaesong trên phần đất Triều Tiên hôm 30-3

Thêm một lý do nữa, quân đội của Triều Tiên gồm 1,2 triệu binh sĩ, nhiều gấp đôi con số 640.000 binh sĩ của quân đội Hàn Quốc và 28.000 lính Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên. Về tổng thể, quân đội Triều Tiên được cho là già cỗi, thiếu thốn nhiên liệu, các thiết bị lạc hậu, nhưng họ sở hữu hai mối đe dọa khôn lường là lực lượng đặc nhiệm và pháo binh.

Trong một báo cáo hồi tháng 3-2012, Tướng James Thurman, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc ở Hàn Quốc, đã cảnh báo rằng Triều Tiên đang tiếp tục cải thiện khả năng của lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới, với các binh sĩ được huấn luyện đặc biệt trong những nhiệm vụ nguy hiểm và khác thường. Theo tướng Thurman, Bình Nhưỡng có 60.000 binh sĩ trong đơn vị đặc nhiệm và hơn 13.000 khẩu pháo, phần lớn được bố trí dọc theo khu phi quân sự DMZ và hướng về Seoul, thủ đô đông đúc của Hàn Quốc và chỉ cách biên giới hai miền 48km.

Các lính đặc nhiệm là mũi nhọn của quân đội Triều Tiên, xâm nhập bằng đường không, đường biển và có lẽ là cả bằng vỏ bọc dân sự, để tấn công vào các công trình hạ tầng của Hàn Quốc và các căn cứ Mỹ. Sự hỗn loạn có thể càng tăng cao bởi các cuộc gây nhiễu điện tử và tấn công mạng.

Ngoài ra, với số lượng quân chính quy và hỏa lực mạnh, quân đội Triều Tiên có thể tập trung các đơn vị với quân số lớn, củng cố phòng thủ ở DMZ, chọc thủng nấc thang hàng rào bảo vệ thứ hai của Hàn Quốc và tiến vào khu vực Seoul cũng như các vùng quanh đó, nơi có khoảng 24 triệu dân sinh sống.

Cho dù các lời đe dọa qua lại giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên ngày càng đằng đằng sát khí, giới quan sát nhận định một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa hai nước khó xảy ra vào lúc này.

  • Theo Viết Đỉnh/ DNSG cuối tuần

Các sự kiện đáng chú ý về an ninh, quân sự của Triều Tiên

Tháng 3-2012

Triều Tiên đưa một tên lửa tầm xa lên bệ phóng và cho biết sẽ phóng tên lửa vào giữa tháng 4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, người khai sinh ra đất nước.

Tháng 4-2012

Bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều nước khác, Bình Nhưỡng vẫn thực hiện kế hoạch.Tuy nhiên tên lửa tầm xa này nhanh chóng vỡ làm nhiều mảnh và rơi xuống biển.

Tháng 8-2012

Kim Jong Un tới thăm đơn vị quân sự được cho là đứng đằng sau vụ tấn công vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và yêu cầu các binh sĩ sẵn sàng cho "cuộc chiến đấu thiêng liêng" chống lại Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra đe dọa này ngay trước cuộc tập trận thường niên của Hàn Quốc và Mỹ trên bán đảo Triều Tiên mà Kim Jong Un gọi là hành động "diễn tập chiến tranh xâm lược".

Tháng 1-2012

Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được tên lửa có tầm bắn tới lục địa Mỹ.

Tháng 12-2012

Kim Jong Un công bố kế hoạch sẽ phóng một tên lửa tầm xa khác để phóng vệ tinh lên vũ trụ. Hai ngày sau khi chính phủ Triều Tiên tuyên bố phải dỡ tên lửa khỏi bệ phóng vì lý do kỹ thuật thì tên lửa được bắn đi từ bờ biển phía tây Triều Tiên. Nước này tuyên bố phóng thành công tên lửa.

Tháng 1-2013

Hai ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh trừng phạt đối với vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa, gọi đây là giai đoạn mới trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Tháng 2-2013

Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất hôm 12-2.Vụ thử được tiến hành nhằm "bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước trong khi phải đối mặt với những hành động thù địch tàn ác của Mỹ". Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do Mỹ khởi xướng và nhấn mạnh "Vụ thử hạt nhân là biện pháp đầu tiên, thể hiện sự chịu đựng lớn nhất của chúng tôi... Nếu Mỹ tiếp tục thái độ thù địch và làm phức tạp tình hình, thì sẽ không thể tránh được việc tiến hành biện pháp thứ hai hoặc thứ ba mạnh mẽ hơn".

Tháng 3-2013

Tức giận với những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau vụ thử hạt nhân, Triều Tiên lần đầu đe dọa sẽ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.

Mặc dù chính quyền Hoa Kỳ không tin rằng Triều Tiên có khả năng để tấn công Mỹ vào thời điểm này nhưng cũng đã đáp trả những lời đe dọa bằng việc công bố kế hoạch triển khai thêm tên lửa đánh chặn trên mặt đất tại bờ Tây nước Mỹ.

Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời đặt quân đội ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tiếp đó, Mỹ tiếp tục cử oanh tạc cơ tàng hình B-2 đến Hàn Quốc, một diễn biến được quân đội Mỹ mô tả là "nhiệm vụ phòng ngừa". Ngay lập tức nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh chuẩn bị để các tên lửa chiến lược nhằm vào lục địa và các căn cứ quân sự của Mỹở Thái Bình Dương để đáp trả.

Các tin liên quan

Pháo đài bay B-52 "vờn" trên bán đảo Triều Tiên

Vì sao TQ không ra mặt giúp Triều Tiên chống Mỹ?

Hàn Quốc tính mua tên lửa xuyên boongke đối phó Triều Tiên

Điểm mặt vũ khí tối tân Mỹ dùng trấn áp Triều Tiên

Triều Tiên với nỗi ám ảnh bóng ma chiến tranh

Cận cảnh hệ thống phòng không của Triều Tiên