'TPP nó làm dứt đi cái cấn cá còn lại về cải cách thể chế. Nó như con đường độc đạo mà Đông Á - Thái Bình Dương đang đi, và anh cần phải theo, nếu không muốn bị gạt ra bên lề sự phát triển của khu vực này'

Bài 1: Sự dịch chuyển kinh tế tinh quái và rủi ro

Bài 2: "Một cơ hội chưa từng có" cho Việt Nam

Sẽ không có "bữa đại tiệc" cho Việt Nam

Chưa nhìn nhận đúng về chính mình

Nhìn lại trải nghiệm của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO, và kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông thấy ấn tượng nào quan trọng nhất?

Chúng ta có hai sai lầm lớn, đều nằm ở chỗ chưa nhìn nhận đúng mình và chưa có sự chuẩn bị tốt.

Thứ nhất, chúng ta say sưa với tăng trưởng và dùng sự ổn định làm vật hy sinh cho tăng trưởng. Ít nhất là cho đến bây giờ chúng ta vẫn cảm nhận rõ điều đó, mặc dù từ 2011 ta đã quyết tâm chuyển nỗ lực sang ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng chưa thể nói là đã chắc chắn.

Thứ hai là công tác chuẩn bị. Chúng ta thấy nền kinh tế hội nhập lớn thì có nhiều cơ hội, ví dụ như thương mại, đầu tư... Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy hai điều mà không chuẩn bị tử tế thì chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng rất tiêu cực.

Một là chi phí điều chỉnh, cho việc cạnh tranh mạnh hơn, đối với các vấn đề xã hội, việc làm, thu nhập và ứng phó với các cú sốc bên ngoài.

Chẳng hạn như 2007 chúng ta ứng xử với các luồng vốn bên ngoài dồn dập vào Việt Nam là không tốt, đẩy cung tiền tăng quá cao, lạm phát bùng phát và dao động mạnh sau một thời gian dài ở mức thấp.

Thế rồi, nhìn vào sự điều hành của các năm tiếp theo, ta thấy nó "giật cục", và một lý do truyền thống là quá lo tăng trưởng thấp. Cách điều hành này dẫn tới việc chưa kịp ổn định vĩ mô, thì chúng ta lại nới lỏng chính sách, và gây ra bất ổn, và cả đầu cơ, ở mức độ cao hơn.

Tóm lại, cuộc chơi nào cũng có hai mặt: Không có hội nhập thì không phát triển, nhưng hội nhập chỉ là một trong những điều kiện cần chứ không phải là đủ. Nó phải gắn với cải cách trong nước, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

{keywords}
Ông Võ Trí Thành. Ảnh: Huỳnh Phan

Nhưng hội nhập cũng có những rủi ro, và hội nhập càng sâu thì rủi ro càng lớn?

Đúng. Nhất là dễ tổn thương hơn với các cú sốc bên ngoài. Vậy ta hãy trả lời là có nên hội nhập không?

Vẫn phải hội nhập, bởi rủi ro lớn nhất của không hội nhập là không thể phát triển được. Đó là kinh nghiệm của Việt Nam ta trong suốt gần 30 năm qua.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh hai vấn đề là cải cách và ổn định. Mặc dù chúng ta rất đồng cảm với thị trường, với doanh nghiệp, và chúng ta phải tìm chính sách linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, nhưng phải nằm trong ổn định và gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.

Lỗi do chính chúng ta

Năm nay là năm bản lề của kế hoạch 5 năm. Dường như theo những lý lẽ của ông thì việc đạt các chỉ tiêu đề ra cho 5 năm là có vẻ không được. Vậy việc này thực sự có ý nghĩa lớn không?

Phải khẳng định là chắc chắn mục tiêu tăng trưởng không đạt được rồi. Đó là cái giá chúng ta phải trả cho lỗi lầm: một phần là do tác động của bên ngoài, nhưng cái chính là do chúng ta.

Bây giờ có thể qui kết lỗi lầm không khó. Bởi do tư duy, một phần do chính sách, do điều hành, rồi do doanh nghiệp bản thân cũng mang tính ngắn hạn, đầu cơ, mà chưa tạo được nền tảng.

Nhưng hiện nay chúng ta đã thấy được sự chuyển dịch của thế giới, còn khó khăn và đầy thách thức, và dẫu trong ngắn hạn thì nhiều rủi ro, nhiều bất định. Hãy lấy đó làm bài học để chuẩn bị đón nhận thời cơ mà tôi đã nói ở trên. Qua khó khăn như thế này, lại sai lầm liên tục, chúng ta mới thấy chuyện tạo dựng lòng tin nó khó như thế nào.

Cách giải quyết duy nhất là kiên trì với hướng định làm để cho người ta thấy được những kết quả của cải cách, lúc đó niền tin mới quay lại. Có tin mới bỏ tiền, bỏ vốn, bỏ tâm sức ra để làm.

{keywords}
"TPP như con đường độc đạo mà Đông Á - Thái Bình Dương đang đi, và anh cần phải theo". Ảnh minh họa

Tức là như ông nói, ở phần trước, nguồn tài lực từ bên ngoài thì sẵn có, chỉ có điều nó không tìm được kênh và niềm tin để chuyển dịch vào Việt Nam?

Đúng. Nhưng ngay cả trong nước cũng vẫn có, mặc dù ngân sách bây giờ rất khó khăn, nhưng nguồn lực trong dân chắc chắn là có. Và khi có những sự bất ổn, thì nổi trội chỉ có đầu cơ và sự dịch chuyển về tài sản tài chính.

Hay ta nhìn một cách khác, tổng tín dụng của Việt Nam so với GDP có nhỏ không? Không nhỏ, khoảng 90% GDP, so với trước đây là khoảng 110%.

Nhưng điều quan trọng là dòng tiền đó không quay. Nó quay có thể do hứng khởi ngắn hạn, nhưng quan trọng hơn là do lòng tin.

Thế còn nguồn lực bên ngoài, nhất là trong khu vực thì rất lớn rồi. Có nhiều nước tiết kiệm lớn hơn đầu tư rất nhiều, và dòng tiền đó đang chờ những điều kiện cụ thể, chẳng hạn thông qua kết nối về hạ tầng và cải cách, hội nhập, để vào Việt Nam. Và nguồn lực này không chỉ là vốn, quan trọng hơn nó gắn với công nghệ và kỹ năng quản lý có chất lượng.

Khủng hoảng lần này so với khủng hoảng Đông Á cuối thế kỷ 20 có những điểm gì giống nhau?

Điểm chung là có vấn đề về nền tảng kinh tế vĩ mô, và chính sách kinh tế vĩ mô, nhưng chưa đủ.

Điểm chung nữa liên quan đến phát triển và giám sát khu vực tài chính, giám sát các dòng vốn và các mối quan hệ của khu vực tài chính này giữa các điểm khác nhau trên thế giới, với bất động sản, và với sự phát triển tinh xảo của các công cụ tài chính.

Hai điểm này người ta càng ngày càng thấy có mối quan hệ với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống giám sát tài chính hiện nay cần phải nắm bắt và giám sát dựa trên sự tương tác giữa những vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách kinh tế vĩ mô và những thông số phản ánh mức độ an toàn, rủi ro của hệ thống tài chính.

Việt Nam ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trước là vì hồi đó mình hội nhập ở mức thấp, còn với lần này mình lại hội nhập sâu và rộng quá, lại vừa vào WTO xong, kỳ vọng của bên ngoài về Việt Nam quá lớn...

Đúng thế. Nhưng bên cạnh những tác động tiêu cực, những cú sốc, vẫn có những cái rất tích cực.

Đó là những sai lầm về tư duy, về mục tiêu phát triển, nhất là trong ngắn hạn bị bộc lộ ra hoàn toàn. Rồi những bất cập, thậm chí sai lầm, trong công tác chuẩn bi, nhất là tạo dựng một nền tảng kinh tế vĩ mô có khả năng chống đỡ tốt trước các cú sốc...

Tôi đã nói vui nhân kỷ niệm 5 năm gia nhập WTO là năng lực đầu cơ của con người trong ngắn hạn bao giờ cũng nổi trội hơn năng lực phát triển bền vững, về dài hạn. Vì vậy, nói một cách ngắn gọn, bài học rút ra sau cuộc khủng hoảng này là năng lực khắc chế cái năng lực đầu cơ.

Con đường độc đạo

Ông đánh giá thế nào về TPP đối vớiViệt Nam? Nó có phải là cái phao cứu sinh không, khi dòng vốn bên ngoài dường như bị nghẽn khi muốn vào Việt Nam?

Tôi cho là tốt. Tôi vẫn cho cái tốt nhất của nó là gắn với cải cách thể chế bên trong của Việt Nam. Tham gia vào TPP nó làm dứt đi cái cấn cá còn lại về cải cách thể chế. Nó như con đường độc đạo mà Đông Á - Thái Bình Dương đang đi, và anh cần phải theo, nếu không muốn bị gạt ra bên lề sự phát triển của khu vực này.

Mặc dù, về điểm nọ điểm kia, nó có thể là quá cao để Việt Nam có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn. Nhưng về tổng thể TPP là sự bổ sung cho quá trình cải cách mà Việt Nam đang muốn đẩy lên một cách mạnh mẽ.

Đó là ý nghĩa lớn nhất, bên cạnh những điều như những ngành nọ ngành kia có thể phát triển hơn, bên cạnh việc Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư, như anh đã nói, hay chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ năng quản lý...

TPP liên quan đến rất nhiều chính sách sau đường biên giới, như doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, những tiêu chuẩn về môi trường, và đặc biệt là tiêu chuẩn về lao động...

Theo ông, những cái đó liệu Việt Nam có vượt qua được không?

Cá nhân tôi mà nói, không có gì là không thể. Tất nhiên quá trình đàm phán, nếu thành công giúp anh ít nhiều giảm thiểu chi phí điều chỉnh, áp lực cạnh tranh. Điều này phụ thuộc vào tính linh hoạt của quá trình mặc cả dẫn đến cam kết. Có những cái quá cao thì nếu được thay đổi trong 2-3 năm chảng hạn, thì tốt hơn làm trong 1 năm chứ.

Nhưng ngoài mặt hỗ trợ cho quá trình cải cách, bởi nó như một chuẩn mực để anh cảm thấy khoảng cách còn bao xa để cố gắng, nó còn tạo ra sức ép, bởi cam kết của anh.

Xin cám ơn ông!

Huỳnh Phan (Thực hiện)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam 

Bài cùng tác giả:

Hàn Quốc đã thành công, ta vẫn loay hoay

"Cùng một xuất phát điểm mà Hàn Quốc đã thành công. Còn ta, trong cùng một khoảng thời gian đó, vẫn loay hoay giải quyết những yếu tố cơ bản của kinh tế thị trường"- PGS-TS Trần Đình Thiên.

Sau khi trả giá đắt, mới nhớ ra... bài học

"Chúng ta quên mất rằng, trong thời đại toàn cầu hoá và kinh tế tri thức, tốc độ là thuộc tính cơ bản của phát triển" - PGS-TS Trần Đình Thiên.

Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra

Việt Nam lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục các nước công nhận mình là nền kinh tế thị trường.