Đã tiếp khách thì phải gọi rượu ngoại, càng đắt tiền, càng lâu năm mới là sang. Có những chai rượu giá ngang cả tấn thóc, thậm chí vài tấn thóc.

Số “khủng” chớ vội mừng

Báo Dân trí mới đây đưa thông tin trích nguồn từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam VBA cho hay, năm 2015, sản lượng bia của VN đạt 3,4 tỷ lít, ước tính tăng 40,72% so với năm 2010; sản lượng rượu (SX công nghiệp) đạt 70 triệu lít.

Đó là con số của VBA còn chưa tính đến các thứ như bia "cỏ", rượu "quốc lủi", rượu làng Vân ở miền Bác; rượu Đế, rượu Bàu đá ở miền Nam và Trung; cùng với hàng ngàn lò rượu dân dã khác do dân tự nấu. Nếu tính đầy đủ như vậy con số đó lại càng "khủng". 

Cũng theo VBA, trong 5 năm qua, ngành này có tốc độ phát triển trung bình trên 7% / năm, và viễn cảnh đến 2020, sản lượng bia đạt 4 - 4,25 tỷ lít/năm, sản lượng rượu đạt từ 320 - 360 triệu lít.

Toàn ngành bia – rượu – nước giải khát nộp ngân sách 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách nhà nước. Thật là một nguồn thu rất đáng kể và không thể phủ nhận, xét ở góc độ kinh tế thuần tuý.

Tuy nhiên, nếu đặt con những con số tiêu thụ bia rượu trên tương quan dân số của nước ta khoảng 92 triệu người, lại thuộc diện nước nghèo của thế giới thì có lẽ không mấy vui. Và giá như lượng bia rượu nói trên được tiêu thụ chủ yếu ở nước ngoài thì lợi ích quốc gia mới cao.

Trước đó, giữa năm 2015, một báo cáo của VBA cũng cho thấy[1], Việt Nam xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tính về tổng thu nhập quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân/người (GDP/người) thì Việt Nam lại thua xa với các nước châu Á như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí, chỉ xếp thứ 8/10 trong cộng đồng các nước ASEAN.

Bộ Y tế từng ra thông báo, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Tỷ lệ tiêu thụ bia, rượu của Việt Nam hiện nằm trong Top 25 của thế giới. Được biết, lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua.

{keywords}
Báo cáo của VBA, tiêu thụ bia rượu Việt Nam xếp thứ 5 Châu Á. Ảnh: Dân trí

Tiếp khách rượu ngoại mới sang

Năm 2007, tôi được tham gia đoàn nhà báo Việt Nam đi thăm Cộng hoà Nam Phi theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước bạn, để viết bài giới thiệu về đất nước, con người họ đến bạn đọc VN trước khi Tổng thống Nam Phi sang thăm ta.

Khi gặp cơ quan Sứ quán bạn tại Hà Nội, chúng tôi được phổ biến, không úp mở: Trong thời gian ở Nam Phi, trừ một vài bữa tiệc chiêu đãi ra, các thành viên sẽ được ăn uống theo nhu cầu, nhưng riêng  đồ uống có cồn thì phải tự thanh toán.

Lúc đầu nghe thì có vẻ lạ tai và hơi... buồn. Nhưng rồi hiểu ra, bạn đón tiếp chúng tôi rất trọng thị, thậm chí bố trí chúng tôi nghỉ tại khách sạn được liệt vào 1 trong 5 khách sạn hàng đầu thế giới, phòng có giá thuê tới 5 ngàn đô la/ đêm. Họ đâu tiếc tiền đãi chúng tôi vài chai bia, chai rượu, nhưng đó chính là nguyên tắc giao tế nước họ. Cái nào cần chi là họ chi, cái nào thuộc nguyên tắc, họ tuân thủ.

Nghĩ lại chuyện giao tế nước mình, tôi thấy thật lạ.

Quy định cấm công chức uống rượu bia buổi trưa, thế mà không thiếu những chuyện khéo chỉ có ở Việt Nam: xã tạm ngừng làm việc để cán bộ đi nhậu như báo chí vừa mới phản ánh. "Hôm nay xã không làm việc vì buổi sáng tổng kết năm, chiều tổ chức liên hoan nên không có ai trực cả. Ai muốn thì sáng mai đến”. (Người Lao động dẫn theo CAND).

Cảnh "khách 3 chủ nhà 7" hết sức lãng phí đã không còn là chuyện hiếm  ở các cơ quan, bất kể là đơn vị hưởng ngân sách hay doanh nghiệp... Nhiều lúc, chủ nhà ép khách uống say mèm thì mới cho là "thiệt lòng hiếu khách"!

Mà đã tiếp khách thì phải gọi rượu ngoại, càng đắt tiền, càng lâu năm mới là sang. Nhiều khi tiền ăn chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/10 so với  tiền rượu. Có những chai rượu giá ngang cả tấn thóc, thậm chí vài tấn thóc. Và sau đó, người ta không thiếu cách để lách khoản chi tiếp khách đắt đỏ này, chẳng hạn tách hóa đơn để tránh vượt chi.

Bộ Tài chính đã có thông tư trong đó quy định chế độ chi tiêu tiếp khách của các cơ quan nhà nước phải thực hành tiết kiệm; việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức. Năm 2015, Chính phủ ra Nghị định 58/2015/NĐ-CP[2] trong đó nêu rõ mức phạt cho chi tiếp khách vượt mức là 1-2 triệu đồng.

Song để thực sự ngăn chặn tình trạng “vung tay” bia rượu tiếp khách trên thực tế, chắc chắn chúng ta sẽ còn cần những biện pháp mạnh, hiệu quả hơn nữa.

Quốc Phong

>> Xem thêm bài cùng chủ đề: 'Ở Hà Nội các bạn, chỗ dễ tìm nhất là quán bia’

Một anh bạn người nước ngoài từng đùa với tôi rằng, thứ dễ tìm nhất ở Hà Nội là quán bia. 


[1] Việt Nam "lọt" Top 5 châu Á về tiêu thụ bia rượu, Dân trí, 15/05/2015.

[2] Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.