Công tư lẫn lộn không phải là chuyện mới. Thời gian gần đây, rất nhiều vụ việc xảy ra mang những yếu tố công, tư có phần lệch lạc khiến dư luận bức xúc. Từ chuyện hoa hậu đại gia cho đến gian lận tàu vỏ thép theo nghị định 67. Từ chuyện nhà cửa quan chức cho đến bổ nhiệm con em trong nhà thiếu minh bạch. Từ chuyện nhà báo tống tiền cho đến thứ trưởng kê khai thu nhập thiếu trung thực.

Tất cả đều có liên quan đến việc công, tư thiếu rõ ràng sòng phẳng. Nó không còn là sai lầm nhất thời do trình độ nữa mà bộc lộ một điều khác nguy hiểm hơn nhiều. Đó là người ta đã bắt đầu cố tình luồn lách để thay đổi, đánh tráo hai khái niệm này. Có những sự việc tưởng như hoàn toàn là việc công thì ẩn đằng sau nó lại là những tính toán riêng tư vụ lợi.

Nếu như báo chí không vào cuộc thì người Hà Nội đã tưởng như cái biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông Hoàng Văn Nghiên đòi mua sau khi về hưu được thành phố giải quyết xong từ lâu rồi. Nó là nhà công vụ dĩ nhiên chủ sở hữu là thành phố. Nó suýt biến thành nhà riêng nếu như cựu Chủ tịch thành phố không trả lại sau nhiều năm sử dụng không đúng với tiêu chuẩn của mình. Nhưng đáng buồn lại là chuyện khác. Từ khi nó trở về với đúng nghĩa nhà công thì bỗng dưng như trở thành nhà vô chủ. Cây cỏ mọc đầy vào bậc thềm. Cổng sắt hàng rào han rỉ mục nát. Nó khác hẳn khi còn là tài sản trong tay tư nhân. Tài sản công nếu đều được chăm sóc như ngôi biệt thự này hẳn là chẳng mấy chốc mà biến mất. Điều đó cho thấy sự rạch ròi công, tư là đúng nhưng không phải lúc nào cũng hay.

Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa

Hoa hậu là người của công chúng thì đương nhiên chẳng cần nói ai cũng biết nhan sắc ấy là do khán giả và một hội đồng giám khảo bầu ra. Thế nhưng rất khó để phân định rạch ròi công, tư trong chuyện này. Bởi vì hội đồng giám khảo ấy chưa chắc đã là của công chúng. Họ có thể được một tư nhân nào đó thuê làm giám khảo chẳng hạn. Ngay cả khán giả tưởng chừng như vô tư nhất cũng không hẳn. Trong số ấy biết đâu chẳng có đến hai phần ba là fan cuồng của hoa hậu? Đã từng có fan cuồng của Vịnh Hạ Long tuổi vừa tròn 9 tháng gửi đến Hội đồng giám khảo UNESCO 200 tin nhắn bình bầu Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngay bản thân hoa hậu được bình chọn tưởng rằng hoàn toàn là việc riêng tư của cô ấy mà cũng không hẳn. Rất có thể cô ấy cũng chỉ là diễn viên của một cộng đồng không chỉ hâm mộ mà còn có nhiều tính toán với nhan sắc của mình.

Đại gia thường được hiểu như những người giàu có do tự thân làm ăn buôn bán và đầu óc hơn người. Hoàn toàn là việc tư. Cho nên họ có nhiều chân dài và biệt phủ vây quanh là điều chỉ khiến ta thèm muốn mà không thể thắc mắc. Thế nhưng khái niệm này bỗng chốc lung lay nghiêm trọng trong vài năm nay. Nhiều đại gia chẳng giấu diếm gì chuyện mình thân quen với quan chức. Họ có những hành xử coi thường cả pháp luật bởi nếu vi phạm đều có thể nhờ vả bằng tiền. Thỉnh thoảng thua nhưng phần lớn thắng. Quan trường mới là nơi có những thay đổi đáng kể. Nhiều quan chức đương nhiên tự cho mình đứng trong hàng ngũ đại gia. Cũng chân dài chân ngắn nháo nhác vây quanh. Cũng dinh thự, trang trại, xe cộ khoa trương rầm rộ. Chẳng còn tí tẹo nào dấu ấn công bộc của dân khi mình xa hoa như vậy trong lúc những "ông chủ" phải còng lưng nhận gạo cứu trợ hàng năm.

“Công tư vẹn cả đôi đàng” là tục ngữ chẳng biết ra đời từ bao giờ và ở đâu. Những tục ngữ nửa Hán nửa Việt như vậy không nhiều lắm trong kho tàng tục ngữ Việt Nam. Khó lòng biết được nó ra đời khi nào bởi khái niệm công, tư đã có từ thời nô lệ và phong kiến. Nó kéo dài sang giai đoạn của chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và chưa ai biết nó sẽ kết thúc vào lúc nào. Câu tục ngữ vì thế sẽ còn đúng đến lâu dài. Nó nhắc con người ta về một nguyên tắc sống bền vững với cộng đồng.

Đỗ Phấn