LTS: Những tác động tiêu cực tới người dân như thiếu đói, thất nghiệp đã không thể tránh khỏi khi dịch bệnh bùng phát và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng.

Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ nội khoa Phan Xuân Trung (Trung tâm Y khoa Medic Hoà Hảo, TP.HCM) về câu chuyện an dân trong chống dịch. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Dân đói phải ăn. Dân bệnh phải được chữa trị. Dân lo sợ phải được trấn an. Và hiện nay, ở các địa phương đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tất cả những điều đó đã và đang xảy ra: đói, bệnh và sợ hãi. Hậu quả của những điều này là rất lớn.

Tôi không có ý định đi ngược dòng với các giải pháp chống dịch của Nhà nước nhưng qua những gì đã được chứng kiến và cọ xát, tôi đề nghị cần thay đổi các giải pháp cấp bách để kết quả tốt hơn.

Giải pháp cứu đói:

Những ngày gần đây, các yêu cầu trợ giúp trong nhóm Giúp nhau mùa dịch trên mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là các gia đình lao động có con nhỏ. Nạn thiếu đói đã rộ lên hiện hữu. Tôi đề nghị chính quyền các quận huyện hãy huy động các lò bánh mì hoạt động hết công suất và phát chẩn bánh mì miễn phí cho người thiếu, đói.

{keywords}
Một nhóm từ thiện tặng cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM trước ngày giãn cách

Trong khi chờ đợi chính quyền phê duyệt, xin các nhà hảo tâm hãy liên hệ mua bánh mì để phát chẩn cho dân nghèo.

- Hãy để dân sinh hoạt, buôn bán, làm ăn trở lại mới có thu nhập tự lo cho bản thân và gia đình.

- Hãy cung cấp lương thực, thực phẩm cho người đang đói kém như bánh mì, mì gói, khoai, gạo...

Giải pháp cứu bệnh:

- Không tập trung tất cả nguồn lực y tế cho Covid-19. Covid-19 chỉ là một bệnh trong vô số các bệnh hiện nay. Chúng ta còn rất nhiều căn bệnh khác gây tử vong cao hơn, đáng can thiệp hơn.

- Hãy để các nguồn lực y tế hoạt động lại bình thường. Chỉ tập trung một số chuyên gia hồi sức cấp cứu cho việc cứu chữa các ca nhiễm Covid-19 nặng. Người đã nhiễm mà không có triệu chứng gì thì không cần can thiệp y tế.

- Cần chấp nhận một tỷ lệ tử vong do Covid-19 như đối với các loại bệnh khác. Cần hiểu rằng nhiễm Covid-19 là một yếu tố tham gia làm tử vong nhanh cho các ca bệnh nặng sẵn có.

Giải pháp an dân:

- Cân nhắc việc dồn dân (các F1) vào một khu tập trung. Các khu cách ly tập trung để dành cho người vô gia cư. Từng bước không phong tỏa cứng, chỉ thông báo trong vùng nào đó có người bị nhiễm, dân chúng cần cảnh giác, là đủ.

- Con số phát hiện F0 tăng nhanh chỉ nói đến thuộc tính lây lan nhanh, không nói lên được sự nguy hiểm của Covid-19. Vì thế, chúng ta không nên quá nhạy cảm với số mắc mới.

- Nhà nước cần giải thích rõ cho người dân biết 4 điểm:

Thứ nhất: Covid-19 là bệnh quan trọng đối với người cao tuổi, có bệnh nền. Nhiễm Covid-19 xem như một yếu tố góp phần tử vong trên bệnh nhân yếu.

Thứ hai: Covid-19 lây nhanh nhưng ít nguy hiểm cho người trẻ khỏe.

Thứ ba: Người dân cần tự chịu trách nhiệm về hành vi không tự bảo vệ chính mình.

Thứ 4: Hướng dẫn cho người dân cách phòng chống lây nhiễm để bảo vệ bản thân và gia đình.

Nên tái lập hoạt động xã hội bình thường để dưỡng sức dân.

Ngay lúc này, những việc đơn giản mà người dân có thể làm là bật quạt máy để giải tán không khí ô nhiễm, mở cửa nhà cho thông thoáng gió, rửa mũi họng bằng nước muối thường xuyên, hãy áp dụng những bài thuốc dân gian khi bị có dấu hiệu, hãy biết bảo vệ người cao tuổi trong nhà. Nếu chính quyền gọi đi chích ngừa vắc xin, hãy ưu tiên cho các cụ. Hãy hạn chế tiếp xúc gần với các cụ già để tránh trở thành nguồn lây virus cho các cụ.

Bác sĩ Phan Xuân Trung

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Các bài viết trao đổi ý kiến gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Chống dịch trong tình huống quá tải F0

Chống dịch trong tình huống quá tải F0

Không chỉ ngành y tế đang cố tìm ra cách chống dịch Covid hiệu quả nhất. Người dân bình thường cũng đang tham gia vào các biện pháp mà Chính phủ, chính quyền sở tại triển khai.