Là một giáo viên lâu năm trong nghề, tôi cũng không phải là ngoại lệ và xin mạo muội gởi đến tân Bộ trưởng 3 đề xuất như sau:

Cải cách sách giáo khoa

Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa; thoáng nhìn qua thì thấy hay và nhiều người ủng hộ nhưng khi tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy lại thấy “sạn”.

Để không bị “sạn”, tôi đề xuất bậc tiểu học và THCS chỉ một bộ sách giáo khoa giảng dạy trên toàn quốc và do Bộ giáo dục chủ trì biên soạn. Đối với bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp thì có thể có nhiều bộ sách.

{keywords}
Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ phận biên soạn sách giáo khoa cần có tâm, có tầm và nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn những kiến thức đưa vào sách giáo khoa phải thỏa mãn là mới ở hiện tại và không lạc hậu trong tương lai; tuổi đời của sách giáo khoa phải dài, còn không thì tốn tiền nhiều lắm.

Sách giáo khoa gọi là phù hợp với từng đối tượng học sinh thì mỗi bài học cần chia ra 2 phần. Phần 1 là kiến thức cần đạt được, phần 2 là kiến thức mở rộng; những học sinh trung bình và yếu chúng ta chỉ dạy phần 1, những học sinh khá giỏi ngoài phần 1 ta dạy thêm phần 2. Khi đó, dư luận xã hội không thể lên án là quá tải hay non tải và mỗi học sinh cũng thấy rõ chỗ đứng của mình trong sách giáo khoa.

Riêng bậc tiểu học, với phương châm mỗi ngày đến trường là một niềm vui, chỉ cần trang bị những kiến thức đơn giản; cái quan trọng là dạy học làm người; nêu những gương người tốt, việc tốt trong đời sống hàng ngày nhằm hướng thiện cho các cháu; giáo dục kỹ năng sống cho các cháu.

Học ngoại ngữ

Ai cũng biết môn ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh được đưa vào giảng dạy ở phổ thông từ rất lâu, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1992 đã áp dụng cho toàn quốc, gần 30 năm đưa vào thi tốt nghiệp nhưng kết quả rất thấp và phần đông học sinh chúng ta không nói được tiếng Anh.

Không nói được tiếng Anh làm sao chúng ta hội nhập với thế giới và làm sao đáp ứng được thời đại 4.0? Những học sinh nói được tiếng Anh phần đông là do bố mẹ các cháu gởi vào các trung tâm để học; còn ở trường chủ yếu học ngữ pháp để phục vụ thi cử.   

Lần cải cách này, tôi đề xuất cắt giảm số tiết học một số môn học khác để tăng số tiết học tiếng Anh ngay từ lớp 6. Số tiết tăng lên chủ yếu rèn kỹ năng nghe và nói, để khi hoàn thành chương trình phổ thông học sinh phải nói và viết thành thạo tiếng Anh.

Nếu làm được như vậy thì trong vòng 10 năm chúng ta có một xã hội nói tiếng Anh như các nước trong khu vực. Điều đó có nghĩa là chúng ta trao cho các em chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tri thức nhân loại; không nói được tiếng Anh thì có giỏi mấy cũng quay về “ta tắm ao ta" mà thôi.

Đối thoại với giáo viên

Xung quanh Bộ trưởng có cả hệ một thống tham mưu giúp ông hoạch định đường lối phát triển giáo dục. Tuy nhiên, theo tôi, Bộ trưởng còn thiếu một kênh thông tin, đó là đối thoại với giáo viên.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc đối thoại với giáo viên là rất dễ mà không cần Bộ trưởng phải vi hành như thời xưa. Tôi đề xuất một năm có ít nhất một lần đối thoại với giáo viên; khi đối thoại, Bộ trưởng nhận nhiều câu hỏi rất hay từ giáo viên, giúp ông có cách nhìn tổng quan về dạy và học ở phổ thông.

Các chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ; các cuộc thi đối với giáo viên và học sinh; các loại hồ sơ sổ sách và các đề án nếu được đối thoại thì không thể tồn tại lâu vậy đâu.

Cá nhân tôi nếu được đối thoại thì có 2 mong muốn với Bộ trưởng. Thứ nhất là tham mưu với Thủ tướng và Bộ Quốc phòng cho tất cả học sinh sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông phải vào quân đội 3 tháng để huấn luyện; chỉ có môi trường quân đội mới tôi luyện con người trưởng thành về mọi mặt; vì số lượng học sinh đông nên địa phương nào huấn luyện ở địa phương đó. Sau khi rời quân ngũ, các em tiếp tục đi học đại học, đi học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất.

Mong muốn thứ hai là cắt giảm số cán bộ quản lý ở trường phổ thông; mỗi trường hiện nay có 1 hiệu trưởng và từ 2 đến 3 hiệu phó. Cán bộ quản lý nhiều nhưng chẳng có nhiều việc để làm mà lại hưởng lương lãnh đạo, thời đại công nghệ thông tin không cần nhiều cán bộ quản lý như vậy đâu. Tôi đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu và cho định biên mỗi trường chỉ 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó là đủ.

Kết thúc bài viết, kính gởi tặng tân Bộ trưởng hai câu thơ:

Kỳ vọng Bộ trưởng Kim Sơn

Giáo dục phát triển, Giang Sơn hùng cường

ThS Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Kỳ vọng nơi Chính phủ mới

Kỳ vọng nơi Chính phủ mới

Tân Thủ tướng đã được Quốc hội bầu ra. Chặng đường 5 năm tới của Chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu.