Bỗng dưng tôi nhớ lại câu hát ấy khi một người quen thả lên tường facebook ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm đề xuất không nên tiếp tục dùng khái niệm “Trồng người”, “Tiên học lễ - hậu học văn”.

Vâng lời mới được khen ngoan

GS Thêm cho rằng đó là biểu hiện của tính thụ động trong giáo dục và kiềm chế sự sáng tạo của con người. Hàng trăm comment bên dưới cười cợt, phản đối, nhạo báng, thậm chí xúc phạm vị giáo sư. Có người dẫn lời Hồ Chủ tịch “có tài mà không có đức thì vô dụng” để đồng nhất lễ với đức.

Tôi không nhận ra mình kém cỏi cho đến khi bước vào giảng đường đại học. Tôi ngước lên các vị giáo sư, tiến sĩ trên bục giảng và cắm cúi ghi chép; tôi không thể nghĩ ra câu nào cho ra hồn để thắc mắc mỗi khi kết thúc tiết học. Giảng viên (chắc không trông đợi gì ở đám sinh viên mặt mũi nghền nghệt) hỏi một câu vô vọng “có ai thắc mắc gì không”?, với lũ học trò, hoặc không dám phản bác thầy, hoặc coi lời thầy là chân lý.

{keywords}
Thầy đọc - trò chép

Rồi ra trường, đi làm, dự những buổi học - thảo luận với giảng viên ngoại, tôi càng thấy mình cách xa họ vời vợi về khả năng tư duy độc lập, phản biện.

Mà không chỉ riêng mình, nhìn ra xung quanh, tôi thấy vô vàn những tương tự. Nhìn trên cao, trong những cuộc chất vấn tầm vóc nhà nước, có bao nhiêu ý kiến khác biệt với số đông, có bao nhiêu người tranh biện để bảo vệ quan điểm của mình? Nhìn tầm trung, ở nơi làm việc, có bao nhiêu người dám “cãi” sếp? Nhìn vào từng gia đình, đứa con nào vâng lời bố mẹ mới được khen ngoan.

Người nước ta, từ đời nọ qua đời kia, dạy nhau phải ngoan, phải thủ lễ trước hết: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mà cái lễ phải theo lẽ tôn ti trật tự: “Trứng đòi khôn hơn vịt”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”...

Người Việt có một từ rất hay là “cãi”. Ai có ý kiến không giống mình được liệt ngay vào dạng “cãi”. Mà đã “cãi”, tức là không ngoan. Và khái niệm ngoan thì đầy thiên kiến, thụ động: Gọi dạ bảo vâng! Ngoan ngoãn là một cái đích hướng tới của giáo dục.

Có tranh luận mới tìm ra chân lý

Tham khảo thêm
Hãy để trẻ đối thoại bắt đầu bằng câu 'Con nghĩ là...'

Hãy để trẻ đối thoại bắt đầu bằng câu 'Con nghĩ là...'

Tôi thích thú thi thoảng nghe được một trẻ đối thoại với người lớn hay thầy cô bắt đầu bằng câu “Con nghĩ là…” để thấy vai trò độc lập suy nghĩ trong môi trường tự do của công dân tương lai.

Một người viết khác cũng đang chịu vô vàn phỉ báng (chứ không phải tranh luận có lý lẽ) khi nêu quan điểm không nên bắt trẻ luyện chữ đẹp, trăm người bằng chằn chặn một vẻ như in.

Tôi lướt comment, hầu hết là: Nết chữ nết người, phải rèn chữ để rèn nết. Vậy, suy ra, mặc định trong suy nghĩ của số đông, cứ ai viết chữ đẹp là người tốt, chữ xấu là người không ra gì! Thật kỳ lạ.

Mỗi con người là một cá thể. Xã hội chỉ đa dạng, đa nguyên khi mỗi con người là một cá thể độc lập. Càng nhiều sự khác biệt càng thúc đẩy sự phát triển. Có tranh luận mới tìm ra chân lý.

Nhưng có vẻ như số đông chúng ta không đang tranh luận mà chỉ cãi nhau theo lối cảm tính, lấy số đông áp đảo số ít, đa số thắng thiểu số, không chút phân vân đi theo lối mòn đã được vạch sẵn và luôn thấy đó là con đường duy nhất đúng. Nên mới có những cuộc phỉ báng, ném đá tập thể những người không giống mình.

Cuộc gọt giũa từ gia đình - trường học - nơi làm việc - xã hội đã cho ra kết quả là những con người tròn trịa, “gọi dạ, bảo vâng”.

Khi học cấp 1, tôi viết bài văn kể chuyện một cậu bé bắt chim về nuôi, rồi con chim con tội nghiệp ấy lìa đời. Cô giáo rất cáu, và cô mất khá nhiều năng lượng để chỉ cho tôi thấy tôi đã sai ở điểm nào: Con chim ấy phải được thả về với bầu trời tự do, sau khi cậu bé nhận ra lỗi lầm của mình. Tôi, đứa học trò cấp một, đã học một cách sâu sắc bài học ấy.

Dù chúng ta có muốn tin hay không, có thừa nhận hay không, thì chúng ta đã và đang được “trồng” như thế đó, để không thành những con người độc lập, có khả năng tư duy độc lập, dám bước chệch ra khỏi lối mòn để tìm kiếm cái mới.

Có một lý thuyết được Thomas Harris, nhà văn nổi tiếng người Mỹ đúc kết bằng một câu rất phũ: “Sự im lặng của bầy cừu”.

Phương Hạ 

Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam

Hiến kế chấn hưng giáo dục Việt Nam

Việc chấn hưng nền giáo dục và đào tạo là tất yếu, nhưng trong ngổn ngang biết bao vấn đề thì cần đột phá vào đâu, thực hiện thế nào?