Sự giàu mạnh, văn minh của Nhật Bản có được là nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện đổi lịch.

Cảm thức về thời gian của người Việt và người Nhật

Công việc đọc những gì người Nhật viết về Việt Nam và những gì người Việt viết về Nhật Bản rất thú vị. Ở đó, ta sẽ bắt gặp những giao điểm và cả những đường thẳng… song song.  

Chẳng hạn, nhiều người Việt nhìn vào nước Nhật và cảm thấy choáng ngợp, ngưỡng mộ nhịp điệu sinh hoạt, sản xuất nhanh, chính xác, năng suất của người Nhật. Nhưng ngược lại, có không ít người Nhật sau khi đến Việt Nam du lịch, sống và làm việc lại có ấn tượng đặc biệt với nhịp điệu cuộc sống chậm rãi ở đây.  

{keywords}
Hoa đào, loài hoa báo hiệu Tết Ta. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhiều người Nhật tỏ ý phê phán lối sinh hoạt tùy tiện về giờ giấc, đặc biệt là thói quen không đúng giờ của người Việt, nhưng cũng có những người cảm thấy dễ chịu với nhịp điệu đời sống ở Việt Nam. Họ có cảm giác được thả lỏng và tìm lại được nước Nhật của ngày xưa. Họ là những người đã già, từng nếm trải giai đoạn đầy khó khăn của nước Nhật thời hậu chiến và là những người đã gây dựng nên nước Nhật hiện đại ngày nay.  

Đó là sự khác nhau về cảm thức thời gian, được tạo ra từ rất nhiều yếu tố trong đó cơ cấu tổ chức, vận hành của xã hội và những thói quen sinh hoạt được tạo thành trong một thời gian dài.

Người Nhật trước kia từng bị những người phương Tây đến Nhật nhận xét là không biết đến khái niệm thời gian và hành động đầy chậm chạp. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản cận đại hóa thành công và đặc biệt khi trở thành cường quốc kinh tế sau thời hậu chiến, mọi chuyện đã khác. 

Giàu mạnh, văn minh nhờ bỏ lịch Âm dùng lịch Dương? 

Khi suy ngẫm về cảm thức thời gian của người Nhật và người Việt, tôi liên tưởng đến cuộc tranh luận về chuyện “gộp Tết ta vào với Tết tây” diễn ra sôi nổi ở nước ta trong khoảng 10 năm qua. Nếu soi kĩ trong lập luận của cả hai phe ủng hộ và phản đối đều có những điều bất ổn.  

Chẳng hạn, một trong những lập luận mà“phe” ủng hộ đưa ra là viện dẫn Nhật Bản nhờ bỏ Âm lịch dùng Dương lịch, theo đó đón Tết cùng phương Tây mà trở nên giàu mạnh, văn minh.  

Nhật Bản bắt đầu chuyển sang dùng Dương lịch từ năm 1873 dưới thời Minh Trị. Tuy nhiên, sẽ rất khó để chứng minh rằng việc đổi lịch này tạo ra sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản. Mặt khác, giả sử công nhận nó đi nữa, thì cách nhìn nhận lịch sử Nhật Bản từ thời Minh Trị cho đến nay là một đường thẳng đi lên đầy tươi sáng là một sai lầm.  

Trên thực tế, chỉ có khoảng 10-15 năm đầu thời Minh Trị, trào lưu khai sáng văn minh ở Nhật đóng vai trò chủ đạo và là nơi “gặp gỡ” giữa chính phủ, trí thức và quốc dân. Sau đó, xu hướng tập quyền và độc đoán ở chính quyền Minh Trị ngày càng mạnh lên, đặc biệt từ khi Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ra đời (1889). Nước Nhật đã dần dần đi vào con đường quân phiệt hóa và xâm chiếm thuộc địa với vô số các cuộc chiến tranh đẫm máu đặc biệt trong giai đoạn 1931-1945. Sau này khi được hưởng cuộc sống hòa bình, dân chủ người Nhật cho rằng đó là giai đoạn “Không được sống cuộc sống thật sự là người”.  

{keywords}

Người dân Nhật Bản thả bóng chào năm mới 2017 tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters.

Sự giàu mạnh, văn minh của Nhật Bản có được là nhờ tác dụng cộng hưởng của nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện đổi lịch. Đó là nền tảng khai sáng đầu thời Minh Trị với tư tưởng thực nghiệp, quốc dân độc lập cùng bộ máy quản trị cận đại, là sự phát triển của phong trào tự do dân quyền và phong trào dân chủ thời Taisho để thiết lập quốc hội, chính đảng và nền tảng xã hội khác. 

Quan trọng hơn nữa và trực tiếp hơn nữa là cuộc cải cách thời hậu chiến sau 1945, khi Nhật Bản bại trận, đã tạo ra nước Nhật dân chủ, hòa bình và tôn trọng con người dựa trên bản Hiến pháp mới. Nước Nhật ấy đã tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng các yếu tố thuận lợi khách quan và phát huy tối đa nội lực để tạo ra nước Nhật giàu mạnh hiện nay.  

Hơn nữa đừng quên rằng để tiến hành một biện pháp có tính chất kĩ thuật là đổi từ lịch âm sang dùng lịch dương, nước Nhật trước đó đã thành công trong một cuộc chuyển hóa vĩ đại-cuộc Minh Trị duy tân. Sự chuyển hóa đó có tác động lớn lao đến tâm tưởng của quốc dân về thời cuộc và hướng đi của Nhật Bản từ ấy về sau.  

Trước khi việc đổi lịch diễn ra, Nhật Bản đã tiến hành nhiều công việc quan trọng khác tác động vào cảm thức thời gian của quốc dân, ví dụ như xây dựng bộ máy nhà nước cận đại, bãi bỏ các phiên và lập ra các tỉnh (1872), ban bố học chế xác lập hệ thống trường học quốc dân (1872)... Hơn nữa, cũng có thuyết cho rằng chính phủ Nhật Bản quyết định việc đổi lịch khi đó là tránh việc phải trả thêm tháng lương thứ 13 cho toàn bộ nhân viên công vụ vì năm đó theo lịch cũ là năm nhuận.

(Còn tiếp

Nguyễn Quốc Vương

>> Xem tiếp phần sau: Từ câu chuyện đổi lịch của Nhật Bản có điều gì soi tỏ cho cuộc tranh luận về “tết Tây, tết Ta” hiện nay của Việt Nam không?