Khi phim Hàn, K-pop phủ sóng toàn cầu

{keywords}
 Squid Game (Trò chơi con mực) của Hàn Quốc đang là bộ phim phổ biến nhất trên nền tảng trực tuyến toàn thế giới

Lần này, 'hallyu' (làn sóng Hàn Quốc), 'K-drama' (series phim truyền hình Hàn Quốc), 'mukbang' (chỉ người 'ăn thùng uống vại' rồi quay video hoặc livestream cho người xem trên các nền tảng mạng xã hội), 'manhwa' (hoạt hình, truyện tranh Hàn), 'Hanbok' (trang phục truyền thống của Hàn Quốc)... đều được cập nhật vào từ điển Oxford bởi chúng được những người nói tiếng Anh sử dụng phổ biến.

Với sự thành công của những Squid Game (Trò chơi con mực - series phim đang dẫn đầu nền tảng Netflix tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ), Parasite (Ký sinh trùng - phim Hàn đầu tiên thắng Oscar cho Phim hay nhất), BTS (nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng và thành công nhất thế giới), không có gì lạ khi văn hóa đại chúng Hàn Quốc lại được biết đến rộng rãi đến như vậy.

Trước đó, ngày 21/9, BTS đã trở thành tâm điểm chú ý khi xuất hiện tại hội nghị 'SDG Moment' (Chương trình thúc đẩy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững), thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76, diễn ra ở New York (Mỹ). 7 thành viên của nhóm đã có bài phát biểu với tư cách là "Đặc phái viên của Tổng thống Hàn về thế hệ tương lai và văn hóa", truyền tải những suy nghĩ về thế giới trước và sau đại dịch Covid-19, đồng thời lan tỏa tiếng nói của thế hệ tương lai đến thế giới.

{keywords}
BTS phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76

Dù tất cả đều có thể nói tiếng Anh nhưng các thành viên BTS phát biểu bằng tiếng Hàn. Trong phiên khai mạc, BTS cũng giới thiệu video trình diễn đặc biệt của ca khúc 'Permission to Dance' với ý nghĩa chào đón những thay đổi của thế giới trong thời gian tới. Sân khấu được ghi hình ở trụ sở Liên hợp quốc, phát sóng trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và livestream trên toàn thế giới.

Thành lập từ năm 2010, ra mắt năm 2013, BTS nhanh chóng trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới. Với tư cách đại sứ du lịch năm 2017, BTS đã giúp hồi phục ngành du lịch, mỗi năm thu hút trung bình khoảng 790 nghìn du khách đến Hàn Quốc. Tháng 12/2018, viện nghiên cứu Hyundai ước tính nhóm nhạc này mang về hơn 3,67 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm, thống kê cứ 13 du khách đến xứ sở kim chi thì có 1 người là fan của BTS.

Tính đến tháng 6/2019, nhóm đóng góp vào nền kinh tế Hàn Quốc khoảng 5,5 nghìn tỷ won (4,65 tỷ USD), tương đương 0,7% GDP. Nói như vậy để thấy lợi ích mà pop culture đã mang lại cho Hàn Quốc lớn đến mức nào.

"Đã hơn 10 năm kể từ thành công đầu tiên của K-pop, rất nhiều nhà sản xuất văn hóa Hàn Quốc đã mang tư duy toàn cầu. Phim Hàn rõ ràng là mang tính giải trí nhưng luôn chứa đựng điều gì đó độc đáo, khác biệt và nói ngôn ngữ chung của mọi người trên thế giới. Nó luôn chứa đựng sự phê phán xã hội mà gần như bất cứ ai cũng có liên quan thông qua các góc nhìn của các nhân vật", TS Hye-Kyung Lee - nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật đến từ trường King's College London (Anh) nói về sự phát triển của âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc.

TS Lee nhận định nền giải trí Hàn Quốc đã bắt kịp các nước phương Tây và sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. "Xét ở khía cạnh công nghệ và tài năng thì họ thừa sức sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao".

Người đứng sau làn sóng Hàn Quốc

{keywords}
Năm 2012, Psy gây chấn động thế giới với MV 'Gangnam Style'. Đến nay ca khúc này đã đạt 4,2 tỷ lượt xem trên YouTube, trở thành ca khúc tiêu biểu nhất của làn sóng Hàn Quốc

Sức hút của văn hóa Hàn Quốc, từ ngôn ngữ, phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực... đã làm thay đổi mọi định nghĩa về văn hóa đại chúng. Trong hơn 2 thập kỷ qua, nền giải trí đã tạo nên một đế chế rộng khắp thu hút hàng triệu fan trên toàn thế giới, mang về hàng tỉ USD cho xứ sở kim chi.

Âm nhạc và phim ảnh giống như một quyền lực mềm lợi hại gia tăng thương hiệu cho quốc gia chỉ có hơn 50 triệu dân nhưng lại có sức ảnh hưởng trên toàn châu Á cũng như thế giới. Tuy nhiên, không có thành công nào là tự nhiên và dễ dàng. Ngoài nỗ lực của chính người Hàn thì vai trò của nhà nước chính là đòn bẩy cho nền giải trí Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ như ngày nay. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 diễn ra như mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của cả nền kinh tế cũng như sự ra đời của làn sóng Hàn Quốc (hallyu). Nó buộc các ngành công nghiệp Hàn Quốc, trong đó có cả lĩnh vực giải trí phải nghĩ cách kiếm ra tiền cho đất nước. Xây dựng ngành công nghiệp pop culture từ con số 0 trong thời kỳ khủng hoảng để xuất khẩu tưởng điên rồ nhưng lại có lý bởi pop culture không cần nhiều hạ tầng cơ sở mà chỉ cần thời gian và tài năng.

Cố Tổng thống Kim Dae-jung khi đó đã thúc đẩy công nghệ thông tin, cho phát triển Internet và trợ giá cho người nghèo. Tất nhiên ông cũng để mắt đến văn hoá đại chúng. Hàn Quốc hy vọng pop culture sẽ mang lại lợi nhuận, đoàn kết nhân dân và tạo ra một sản phẩm giúp truyền bá văn hóa Hàn Quốc ra khắp thế giới. Choi Bokeun, quan chức Bộ VHTTDL khi đó ngỡ ngàng trước số tiền Mỹ thu được từ phim và Anh từ nhạc kịch sân khấu. Ông quyết định lấy 2 nước này làm chuẩn mực để kiến tạo ngành công nghiệp pop culture (văn hóa đại chúng) cho Hàn Quốc. 

{keywords}
Các nhóm nhạc Hàn Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu 

Cựu Tổng thống Park Geun-hye cũng ưu tiên pop culture tới mức chỉ vài tháng sau khi nhậm chức đầu năm 2013, bà đã thành lập Cục công nghiệp Pop Culture, thiết lập cả một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD nuôi dưỡng nó. Sau đó, bà đã cho ra mắt bộ hoàn toàn mới có tên ban đầu là Bộ Kiến tạo tương lai và khoa học.

Bộ Văn hóa thú vị nhất thế giới

Lần đầu trong lịch sử Hàn Quốc và có lẽ là bất cứ quốc gia nào, Chính phủ bỏ ra những nguồn tài chính và chính trị lớn cho những thứ "vô hình" như "khám phá". Không hướng dẫn, không bản đồ, chỉ có tiền và niềm tin. Chính phủ Hàn Quốc, các công ty giải trí, công nghệ thông tin và cả các tập đoàn không liên quan đến ngành giải trí hiểu rằng họ phải hợp tác để Hallyu thống trị thế giới.

Bộ Văn hóa Hàn Quốc có lẽ là Bộ Văn hóa thú vị nhất thế giới khi những quan chức cấp cao nhất của chính phủ nghiên cứu về thực tế ảo và công nghệ hình ảnh ba chiều siêu thực (hologram) để tạo ra những buổi diễn ngoài sức tưởng tượng. Họ quan niệm hologram có ý nghĩa rất lớn với nghệ thuật biểu diễn còn ảnh ba chiều giúp tạo hiệu ứng cho các buổi trình diễn. Các quan chức của Bộ tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ văn hóa cực kỳ tiên tiến bởi Hallyu phụ thuộc cả vào đó và chính phủ đầu tư rất nhiều vào đây. 

{keywords}
Parasite (Ký sinh trùng) thắng 4 giải Oscar 2020, trong đó có Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất

Phim ảnh cũng là lĩnh vực được chính phủ đầu tư về mặt văn hóa và thu về vô số. Bằng việc thông qua một số luật mới và bỏ tiền nuôi dưỡng những lĩnh vực phù hợp, họ đã thúc đẩy sự sáng tạo bùng nổ và cả một thời kỳ phục hưng phim ảnh. Năm 1995, Tổng thống Kim Young-sam đã ban hành một sắc lệnh để đạo luật xúc tiến thương mại cho ngành công nghiệp điện ảnh chính thức có hiệu lực. Một rạp phim không chiếu phim Hàn ít nhất 146 ngày một năm sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Điện ảnh bắt đầu thay đổi rõ rệt một phần vì nhiều đạo diễn và nhà sản xuất Hàn Quốc bắt đầu học nghề tại Mỹ và các nước châu Âu. Thêm vào đó, sau 2 thập kỷ, chính phủ bắt đầu gỡ bỏ dần việc kiểm duyệt. Thay vì cấm phim thì các phim được trình chiếu với giới hạn độ tuổi tương tự như hệ thống phân loại của Mỹ. Tự do mới đã giúp các nhà làm phim Hàn Quốc có cơ hội sáng tạo không giới hạn.

Từ một quốc gia "không có gì để xem", Hàn Quốc dần trở thành một trong những cường quốc phim ảnh trên thế giới, thống trị gần như hoàn toàn lĩnh vực phim truyền hình cũng như nền tảng trực tuyến hiện nay. Phim Hàn thành công cũng do sự hỗ trợ tài chính trực tiếp của chính phủ tới các nhà làm phim.

{keywords}
Tại Oscar 2021, nữ diễn viên 74 tuổi Youn Yuh Jung trở thành người đầu tiên ở xứ sở kim chi nhận giải diễn xuất cho vai diễn trong phim 'Minari'

Ngoài phim ảnh và âm nhạc, Hàn Quốc thường xuyên phát hành những cuốn sách hướng dẫn thâm nhập thị trường thế giới tương tự như binh pháp tôn tử để truyền bá văn hóa. 

"Sau khi đưa đất nước tiến lên hàng đầu về công nghệ tiên tiến và pop culture, chính phủ hiện có những bước đi quyết đoán và tốn kém để đảm bảo rằng thế kỷ 21 sẽ được biết đến với cái tên Thế kỷ Hàn Quốc", trích cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu

Mỹ Anh

Hàn Quốc: Nguồn lợi nhuận khổng lồ, con đường gia tăng 'sức mạnh mềm'

Hàn Quốc: Nguồn lợi nhuận khổng lồ, con đường gia tăng 'sức mạnh mềm'

Có thể nói Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới. Đây cũng là cách để xứ kim chi phát triển “sức mạnh mềm”.