Quy định mới về phân loại phim theo độ tuổi đã chính thức được áp dụng tại Việt Nam vào hôm qua (1-1); tuy nhiên, việc kiểm soát độ tuổi của người xem như thế nào lại phụ thuộc vào từng rạp chiếu.

Bảng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Theo đó, bảng tiêu chí này đưa ra bốn mức phân loại phim: phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng (P); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi (C13); phim cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi (C16); phim cấm phố biến đến khán giả dưới 18 tuổi (C18). Cách phân loại phim được dựa trên chủ đề, nội dung; ngôn ngữ; mức độ cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục, sử dụng ma tuý và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh…

So với bảng phân loại phim trước đây (chỉ dán nhãn phim ở hai mức: phim được phổ biến rộng rãi và phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi), cách phân loại mới này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng như đơn vị sản xuất, nhà phát hành. Quy định phân loại phim chi tiết, rõ ràng nhưng việc áp dụng quy định như thế nào lại tùy thuộc vào mỗi rạp chiếu.

Tại nhiều cụm rạp ở TPHCM, từ hôm qua đến nay, khán giả mua vé các phim cấm khán giả dưới 16 tuổi đang được chiếu như Liên minh sát thủ, Sát thủ bóng đêm, Thế giới ngầm - trận chiến đẫm máu…  vẫn không cần phải chứng minh đủ tuổi xem phim.

Nhân viên của một rạp chiếu giải thích, do hầu hết những phim này được phát hành trước ngày 1-1, tức phim được phân loại theo tiêu chí cũ; khi nào phim được phân loại theo tiêu chí mới phát hành, rạp sẽ siết chặt kiểm soát độ tuổi khán giả.

Riêng ở cụm rạp CGV, trang Facebook của CGV đăng thông báo từ ngày 1-1, khán giả khi xem phim dán nhãn C13, C16, C18 sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc hình ảnh của giấy tờ tùy thân có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh.

Ông Vương Thế Phong, Quản lý khu vực phía Nam của cụm rạp CGV cho biết, việc kiểm tra độ tuổi sẽ được thực hiện ở khâu bán vé. Riêng đối với những khách hàng mua vé trực tuyến (online), hoạt động kiểm tra sẽ diễn ra ở cửa soát vé.

Theo ông Phong, trước khi quy định này có hiệu lực, nhân viên bán vé, kiểm soát vé và bộ phận marketing của toàn cụm rạp CGV được tập huấn để hướng dẫn quy định mới đến khán giả nhưng cũng không tránh khỏi một số trường hợp khán giả phàn nàn vì rạp áp dụng quy định gắt gao.

“Không ít khán giả đã chuyển sang các rạp khác để mua vé dễ dàng hơn, không cần phải chứng minh độ tuổi. Rạp chiếu phim là nơi trực tiếp làm việc, tiếp xúc với khán giả nên việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để mỗi rạp tự đưa ra cách kiểm soát độ tuổi để phù hợp với quy định là hợp lý. Nhưng bên cạnh quy định, bộ cũng cần phải đưa ra hình thức xử phạt với những trường hợp vi phạm, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho những rạp tuân thủ đúng quy định”, ông Phong nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo nhiều nhà phát hành phim, việc kiểm tra độ tuổi với khán giả từ 16 tuổi trở xuống còn nhiều trở ngại, do ở độ tuổi này, hầu hết khán giả đều không có chứng minh nhân dân để chứng minh.

“Không thể căn cứ vào hình thể để suy ra độ tuổi, vì thực tế các em bây giờ phát triển rất sớm. Nhiều em 13 tuổi mà cao lớn như 16 tuổi nên có thể quản lý ở một số rạp vẫn để lọt trẻ em vào xem”, ông Lê Quang Lộc, đại diện phòng Truyền thông BHD cho biết.

Đồng ý quan điểm trên, ông Phong cho hay, hầu hết khán giả ở lứa tuổi dưới 16 là học sinh nhưng không phải trường nào cũng cấp thẻ học sinh, thẻ bảo hiểm y tế học đường lại không có ảnh của người sở hữu.

Theo ông Phong, rất khó để trông chờ vào ý thức văn minh của khán giả, nhiều phụ huynh đưa con đi xem cùng vẫn không quan tâm đến quy định độ tuổi. Khi khán giả hoặc người thân đi kèm không trưng ra được giấy tờ, nhân viên CGV phải kiểm tra bằng hình thức đặt những câu hỏi mang tính chất cá nhân.

"Biện pháp này vừa phiền, vừa mất thời gian cho cả chúng tôi lẫn khách hàng, nhất là vào ngày lễ, cuối tuần đông khách; nhưng để tuân theo quy định thì không còn cách nào khác", ông Phong nói.

Theo Thanh Uyên/TBKTSG

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.