- Diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 6 của của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cử tri kì vọng cơ quan quyền lực cao nhất do dân bầu ra sẽ có nhiều quyết sách quan trọng và để lại dấu ấn, đặc biệt trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay.

Lập hiến và lập pháp

Cảm giác chung của nhiều người là các vấn đề được đặt ra từ Nghị quyết 4 và sau Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng vừa qua vẫn còn nóng bỏng, đòi hỏi Quốc hội phải đi thẳng vào các vấn đề cốt lõi của dân tộc, đất nước.
Thảo luận kĩ, sâu về Hiến pháp sửa đổi năm 1992, cử tri mong Quốc hội làm rõ, để đảm bảo đảm bảo quyền dân chủ thực sự, quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp. Điều không kém quan trọng là dám mạnh dạn gạt bỏ những quan điểm đã lỗi thời, phần nhiều mang tính tuyên truyền, và tăng thêm những quyền và cơ chế thực hiện quyền của dân mang tính thực chất.

Quốc hội kì này cũng đứng trước nhiều vấn đề về xây dựng luật pháp để đảm bảo luật có tính khả thi, các nội dung có tính hệ thống.

Đơn cử, với Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều người cho rằng, có những nội dung trên thực tế đã nuôi dưỡng những nhóm lợi ích hưởng nhiều đặc quyền, dẫn đến tình trạng bất công và tham nhũng lan tràn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Chính sách đất đai đề ra, trước hết phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, không tạo ra kẽ hở để người có quyền và người có tiền thông đồng trục lợi trên lưng người dân như lâu nay vẫn xảy ra.

Ảnh: Lê Nhung

Về công tác giám sát đối với hoạt động của cơ quan hành pháp , nhân dân mong mỏi Quốc hội phải cụ thể và triệt để (truy đến cùng các vụ thất thoát, các câu kết ngầm giữa các nhóm lợi ích; chỉ mặt gọi tên như Vinashin, Vinalines,...). Quốc hội cần hoàn thiện cơ chế và bộ công cụ giám sát, với những quy định hợp lý, có tính khả thi về việc bỏ phiếu tín nhiệm, điều tra các vụ việc và tăng cường hiệu quả, hiệu lực giám sát. Có lẽ, không nên chỉ dừng ở hình thức thăm dò tín nhiệm, mà các đại biểu Quốc hội có quyền và cần phải bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp đối với những người lãnh đạo được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, một khi những người này không còn xứng đáng với cương vị được giao.

Cử tri mong muốn Quốc hội chủ động xác định các chủ đề giám sát chung có ý nghĩa thiết thực, cấp bách đối với đời sống của người dân, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ví dụ: Giám sát về hoạt động của ngân hàng, về cơ cấu lại kinh tế nhà nước, về chấn chỉnh đầu tư công, thiết thực phòng, chống tham nhũng, hoạt động ngoại giao, quốc phòng gắn với phát huy sức mạnh của lòng dân và sự ủng hộ quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát các công trình thuộc lĩnh vực mình phụ trách; Ví dụ như dự án khai thác bauxite, khai thác khoáng sản nói chung, việc xây dựng và hoạt động của các nhà máy thủy điện, dự án điện hạt nhân, tu bổ di sản văn hóa…; Việc giám sát thực hiện quyền công dân cũng như tình trạng vi phạm quyền công dân trong các mặt đời sống cũng cần đảm bảo.

Trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội cân nhắc kỹ mỗi khi quyết định các dự án về kinh tế có vốn đầu tư lớn và tác động lớn đến an sinh, xã hội và môi trường.

Trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội cần có nhiều hình thức sử dụng và phát huy đội ngũ chuyên gia mạnh, lành nghề có tư duy độc lập, đồng thời thực hiện cơ chế minh bạch, công khai để khơi dậy khả năng đóng góp ý kiến và tham gia giám sát của nhân dân.

Phản biện xã hội cũng cần được Quốc hội sớm thể chế hóa, coi đó là công cụ bắt buộc, thân thiện và hữu hiệu, không trộn lẫn nó với những khái niệm mù mờ, vượt lên tâm lí sợ lợi dụng, sợ chống phá,… Thực tế, phần lớn các trường hợp phản biện đều trên tinh thần xây dựng và hợp tác, thể hiện thiện chí của những người quan tâm đến phát triển đất nước.

Bài toán về kinh tế

Tình hình kinh tế hiện nay đang rất khó khăn về mọi mặt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Nhiều chuyên gia có thiện chí, muốn hiến kế cho Nhà nước nhưng đành chịu bó tay bởi thiếu nguồn thông tin số liệu tin cậy để phân tích, đánh giá.

Các Tập đoàn kinh tế độc quyền không công bố thông tin ngay cả đó là đòi hỏi của luật định. Công cụ giám sát của chủ sở hữu Nhà nước, trong khi đó hầu hết là dựa vào báo cáo của chính các đối tượng được giám sát, thường là không đầy đủ, kịp thời; chưa kể tính trung thực của báo cáo thường là khó kiểm chứng.

Nổi cộm bài toán kinh tế là vấn đề ngân hàng “qua mặt” luật tín dụng, vấn đề nợ xấu ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Nếu các chuyên gia có uy tín và chuyên môn không vào cuộc, xem xét lại toàn bộ luật lệ về tín dụng, chứng khoán, để nhanh chóng sửa đổi thì các vụ bê bối khác có thể tiếp tục nổ ra. Không thể bàn giải pháp nếu không có số liệu cụ thể.

Thảm họa quốc gia về giao thông vận tải

Một trong các vấn đề nhức nhối nhất của xã hội ta hiện nay là thảm họa quốc gia về giao thông vận tài, với mỗi năm trên 10.000 người chết và bị thương, thiệt hại kinh tế khoảng 1 tỷ USD. Người dân Việt Nam không chết vì đói, vì rét mà chết vì tai nạn giao thông như một cuộc chiến tranh là một điều phi lý nhất.

Khi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cử tri mong Quốc hội đặc biệt quan tâm đến tình trang lãng phí quá lớn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải với nhiều siêu dự án, tốn kém hàng chục tỷ USD. Vinashin – Vinaline đua nhau xây dựng cảng biển một cách tràn làn, không hiệu quả, thua lỗ triền miên. Ngay dự án cảng Lạch Huyện (đầu tư cả tỷ đô la) còn nhiều bất cập cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường, chưa được Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà nước xem xét, đánh giá, nhưng đã cho bán 2 gói thầu để làm chuyện đã rồi. Hàng không thì đua nhau xây sân bay kể cả sân bay quốc tế, trong khi thua lỗ, phải giật gấu, vá vai.

Hệ thống đường sắt, trong khi đó, cũ kĩ, lạc lậu, lại đầu tư hàng tỷ đôla để kiên cố hóa đường sắt khổ hẹp (vốn không còn dùng nhiều trên thế giới). Nguy cơ lãng phí nhãn tiền! Đấy là chưa kể trong lúc ngân khố cạn kiệt, không ít người vẫn say sưa với kế hoạch đường sắt cao tốc tốn kém.

Cử tri mong muốn Quốc hội cần có giám sát đặc biệt để ngăn chặn lãng phí đầu tư công trong giao thông vận tải. Cần đột phá vào ngành đường sắt, hàng không để giảm thiểu mật độ lưu thông trên đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Bộ Giao thông vận tải phải đưa ra được giải pháp, lộ trình cụ thể trình Quốc hội để giải bài toán giao thông cho Việt Nam.

Thay cho lời kết

Đảng đã họp xong, đến phiên của Quốc hội. Có 2 việc hệ trọng nhất Đảng đã kết luận rồi. Thứ nhất là sửa Hiến pháp phải trong khuôn khổ Cương lĩnh của Đảng và không có tam quyền phân lập; Thứ hai là Luất đất đai thì Đảng cũng đã quyết ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân do Đảng và Nhà nước đại diện.

Người dân mong muốn và yêu cầu Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật.

Tô Văn Trường

Không thể tái cơ cấu nếu vẫn 'rải mành mành'
Nếu tiếp tục phân bổ vốn không có tập trung, vẫn "rải mành mành" cho các địa phương, các ngành, các tập đoàn, tổng công ty như trước, thì kết cục sẽ không có bất cứ cuộc tái cơ cấu nào cả.