Trước kỳ họp Quốc hội, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thông điệp “rát” nhất chuyển đến Quốc hội qua các đại biểu là Luật BHXH và BHYT. 

“Kỳ họp Quốc hội khóa 13 là kỳ họp tập trung xây dựng pháp luật, trong 36 ngày phải xây dựng 11 dự án Luật và một số Nghị quyết, thảo luận 14 dự án Luật chuẩn bị thông qua kỳ tới. Một con số rất lớn”. Đây là thông tin được ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 17/5/2015 ở Q.4, TP.HCM.  

Chính từ đây khiến cho nhiều cử tri ở TP.HCM vừa mừng, vừa băn khoăn và lo lắng. Mừng vì những vấn đề luật pháp thiết thân với người dân sẽ được đem ra bàn thảo, nhưng tiếng nói của dân sẽ được phản ánh thế nào trong đó. 

Bài viết dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tuần Việt Nam qua một cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cùng một số tâm tư của người dân tại thành phố mang tên Bác gửi đến Quốc hội. 

Trong cuộc tiếp xúc, ông Hồ Thái Hùng, cử tri phường 15, Q.4, TP.HCM đặt vấn đề với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Chúng ta đã có nhiều luật, nhưng chưa đánh giá tác động đúng mức của từng đạo luật vào cuộc sống như thế nào”.  

Ông nêu ví dụ: “Chẳng hạn, ta đã có Luật phòng chống tham nhũng nhưng kể từ khi có Luật tới nay tình hình tham nhũng ra sao. Chúng ta đã có Luật bảo vệ rừng, nhưng dường như rừng càng ngày càng suy giảm vì không được bảo vệ tốt, buôn lậu gỗ tràn lan? Về an toàn giao thông, chúng ta cũng đã có Luật nhưng tai nạn giao thông (TNGT) vẫn báo động. Tại sao?” 

Ngoài ra, cử tri cũng lo lắng khi trong các lĩnh vực sát với đời sống thường nhật của người dân, như an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, Luật đều có song nạn hàng gian hàng giả, thuốc giả, rượu giả v.v… vẫn chưa có cách gì ngăn chặn triệt để, gây lo lắng cho xã hội. Tại sao? 

{keywords}
Cử tri Hồ Thái Hùng. Ảnh: Đình Tuấn

“Thương” và “lo” cũng phải đúng!  

Trước kỳ họp Quốc hội, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, thông điệp “rát” nhất chuyển đến Quốc hội qua các đại biểu là Luật BHXH và BHYT. Các nhà soạn luật, các cơ quan chức năng xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện truyền thông để chứng minh rằng tinh thần của các luật này là “lo” và “đảm bảo quyền lợi” cho người lao động, cho nhân dân. Song, vẫn còn nhiều sự không đồng tình với cách lo này.  

Chẳng hạn, theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia kinh tế, cử tri ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM: “Người lao động trong các khu công nghiệp, nhất là các DN có vốn FDI chỉ đủ sức lao việc giỏi lắm là 10 – 12 năm. Cường độ lao động ở những nơi đó rất cao, thời gian lao động hàng ngày 10 – 12 tiếng. Sau 10 – 12 năm, khoảng 40 tuổi họ không còn đủ sức nữa phải lui về quê với mong muốn có số vốn nho nhỏ để buôn bán kinh doanh gì đó kiếm sống là rất chính đáng. Họ không thể đủ sức làm tới 20 – 25 năm để hưởng lương hưu từ BHXH. 

Mặc khác, chính giới chủ lao động cũng luôn muốn tuyển công nhân mới, trẻ, có sức khỏe hơn vì chi phí đào tạo thấp, nên chỉ cần sau 10 năm làm việc, người lao động rất dễ bị “thải ra” để thay thế số lao động trẻ hơn. Chính điều này là áp lực khiến người lao động từ các vùng nông thôn ra các khu công nghiệp mong muốn phải có chút vốn lận lưng khi đã “hết thời”. 

Ý kiến bức xúc của cử tri về Luật BHYT còn “nóng” hơn. Các nhà soạn luật, ngành Y tế cho rằng việc thực hiện lộ trình bảo hiểm toàn dân theo Luật BHYT sửa đổi là bắt buộc để tăng số người tham gia là hết sức nhân đạo. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực hiện Luật, số người tham gia đã giảm trên 1,2 triệu người! Nguyên nhân chín là những thủ tục “đánh đố”, oái oăm khiến người dân không thể tiếp cận được. 

Bà Bùi Thị Nhàn ở phường 9, Q.4, TP.HCM phản ánh với tổ ĐBQH số 1 nỗi bức xúc: “Hộ khẩu nhà tôi có 17 khẩu, nhưng 17 khẩu gồm 5 gia đình, 5 bếp ăn riêng. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, có gia đình chồng đi làm ăn xa, lâu lâu mới về chứ không ở thường xuyên. Nay cán bộ bán bảo hiểm đòi phải mua cả 17 người chẳng khác chi làm khó chúng tôi”.  

Với những người đi làm ăn xa, hộ khẩu ở quê, càng khó hơn nữa. Đáng buồn, khi dư luận lên tiếng phản ứng, có cán bộ BHYT Trung ương phát biểu trên truyền hình rằng: “Chỉ cần kèm theo đăng ký tạm trú là được!”. Câu giải thích tưởng như rất nhẹ nhàng, giản đơn, nhưng với người dân thì không nhẹ chút nào. Vì không lẽ người lao động tự do đi đâu cũng phải kè kè giấy đăng ký tạm trú để khi ốm đau còn sử dụng được?    

Cũng theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, ở các khu công nghiệp, công nhân may trong các nhà máy có “thâm niên” cao nhất thường từ 6 – 9 tháng. Do đặc thù công việc, người lao động “nhảy” liên tục từ công ty này qua các công ty khác, địa bàn này tới địa bàn khác. Trong khi đó BHYT luôn kèm chặt điều kiện hộ khẩu, đăng ký tạm trú chẳng khác đánh đố người dân.  

Mong luật tràn đầy hơi thở cuộc sống 

Theo ông Hồ Thái Hùng, Q.4, TP.HCM, nguyên cán bộ về hưu, có 2 nguyên nhân dẫn đến có tình trạng có những quy định của luật chưa đi vào cuộc sống, “trên trời rơi xuống” là do tính khả thi chưa cao. Mặt khác, do quá trình đánh giá tình hình còn thiếu tính thực tế, thiếu sâu sát nên đưa ra những điều kiện, vấn đề không phù hợp. 

PGS.TS Vũ Trọng Khải lý giải sâu hơn. Ông cho rằng: “Sâu xa là những nhà soạn luật, quy định là công chức Nhà nước vẫn còn nặng quan liêu, thiếu tầm nên không thực sự biết, cảm nhận, thông hiểu đời sống xã hội như thế nào, người dân lao động ra sao”.  

Ông đưa ví dụ, với Luật BHXH, người làm luật tưởng rằng người lao động là công nhân ở các công ty, liên doanh, khu công nghiệp cũng luôn được “ổn định” như công chức Nhà nước nên mới nghĩ rằng người lao động nên dồn lại cuối đời về hưu để có lương hưu. Họ không thấu hiểu rằng thực tế người lao động khó mà duy trì nổi đóng bảo hiểm 20 năm. Nhiều người vì kiệt sức không đủ sống để hưởng lương bảo hiểm, v.v…  

LS. Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, đã đến lúc phải có nghiên cứu, đánh giá tác động của luật để có quy trình đưa luật vào cuộc sống phù hợp, được nhân dân và xã hội chấp nhận. Có như vậy thì các đạo luật mới có tác dụng. 

Ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc, băn khoăn của cử tri và các đóng góp của các đoàn thể, ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chân thành nhìn nhận: “Chúng tôi lắng nghe tất cả. Đây là hành trang đi họp của chúng tôi”.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khẳng định: “Những đóng góp quý báu của bà con cử tri sẽ giúp cho QH của chúng ta gần gũi, sát với cuộc sống của nhân dân và của đất nước hơn”. 

Chắc chắn rằng, cùng với niềm tin vào QH, cử tri và nhân dân TP.HCM cũng như cả nước kỳ vọng nhiều hơn tới kỳ họp lần thứ 13. Đó là chất lượng của từng đạo luật phải xuất phát từ cuộc sống thực tiễn, từ nhân dân, từ hơi thở thời đại…   

Duy Chiến