Sự thiếu vắng các thỏa thuận về hợp tác nghề cá tại Vịnh Thái Lan đã dẫn đến hệ quả là tình trạng đánh cá bất hợp pháp xảy ra ngày càng nhiều tại khu vực này, dẫn đến nhiều căng thẳng giữa các nước có liên quan và trở thành một hiểm họa an ninh phi truyền thống.

LTS: Sự việc sáu tàu cá Việt Nam bị Lực lượng Cảnh sát biển Thái Lan tấn công khi đang đánh bắt trên khu vực biển có tranh chấp giữa Malaysia – Thái Lan – Việt Nam tại Vịnh Thái Lan hồi tháng 9 vừa qua khiến một ngư dân thiệt mạng, một ngư dân khác trọng thương và bốn chiếc tàu bị hư hỏng nặng. Vụ việc đã khiến dư luận dấy lên lo lắng về an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt xa bờ.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Đỗ Việt Cường, gợi mở về các mô hình hợp tác nghề cá như một giải pháp cho sự phát triển bền vững của hoạt động nghề cá trên Vịnh Thái Lan.

Vịnh Thái Lan và các khu vực biển chồng lấn

Vịnh Thái Lan là vùng biển nửa kín nằm ở Biển Đông, được giới hạn bởi bờ biển của bốn nước Đông Nam Á là Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia. Vịnh Thái Lan tuy khá dài (khoảng 400 hải lý), nhưng lại có diện tích nhỏ, với chiều rộng trung bình chỉ vào khoảng 208 hải lý nên điều này tất yếu tạo ra sự chồng lấn trong yêu sách các vùng biển mà các nước xung quanh Vịnh đưa ra, đặc biệt là sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Cho đến nay, mới chỉ có ba thỏa thuận về phân định biển được ký kết trong khu vực Vịnh Thái Lan, bao gồm:

- Hiệp định giữa Thái Lan và Malaysia liên quan đến việc phân định lãnh hải của hai nước ký ngày 24/10/1979;

- Bản ghi nhớ giữa Thái Lan và Malaysia về phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai nước tại Vịnh Thái Lan ký ngày 24/10/1979;

- Hiệp định về biên giới biển Việt Nam - Thái Lan ký ngày 09/8/1997.

Như vậy, trên thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều những vùng chồng lấn tại Vịnh Thái Lan. Bên cạnh đó, tại Vịnh Thái Lan còn có vùng chồng lấn giữa ba bên, xuất phát từ việc Việt Nam tuyên bố yêu sách đối với một vùng biển thuộc khu vực hợp tác chung giữa Thái Lan và Malaysia.

Sự cần thiết có một cơ chế hợp tác nghề cá trong các khu vực biển tranh chấp tại Vịnh Thái Lan

Từ xa xưa, Vịnh Thái Lan đã có tầm quan trọng sống còn, không chỉ như một mối liên kết địa chính trị của bốn quốc gia ven biển xung quanh Vịnh, mà còn như một nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho cư dân của bốn quốc gia này. Cho đến nay, bên cạnh những lợi ích về thông thương trên biển hay khai thác dầu khí, lợi ích về nguồn cá mà Vịnh Thái Lan mang lại luôn được đánh giá là đặc biệt quan trọng.

{keywords}
Vết đạn do tàu Thái Lan bắn xuyên thủng kính. Ảnh: VietNamNet

Năm 1999, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa ra đánh giá Vịnh Thái Lan là một trong những ngư trường có trữ lượng cá lớn nhất thế giới, với ít nhất 100 loài, trong số đó có khoảng 20 loài có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế. Các nước ven biển xung quanh Vịnh là những nước đang phát triển, vì thế, nền kinh tế và đời sống người dân của các nước này phụ thuộc đáng kể vào hoạt động đánh bắt cá tại Vịnh Thái Lan.

Để tận dụng được giá trị của những nguồn tài nguyên này nhằm phát triển kinh tế, cả bốn quốc gia ven biển trong Vịnh Thái Lan từ lâu đã có xu hướng ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển tại các khu vực tranh chấp để một mặt làm giảm căng thẳng, mặt khác khai thác được tài nguyên thiên nhiên trong khi chờ đợi một sự phân định biển cuối cùng.

Cho đến nay, đã có ba thỏa thuận như vậy được ký kết, giữa Thái Lan – Malaysia (1979), Việt Nam – Campuchia (1982) và giữa Việt Nam – Malaysia (1991). Tuy nhiên, các Bản ghi nhớ về khai thác chung giữa Thái Lan – Malaysia (1979) và Việt Nam – Malaysia (1992) mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí chung giữa các nước tại khu vực chồng lấn thềm lục địa, chứ không hề nhắc đến hoạt động nghề cá.

Chỉ có duy nhất Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia có quy định về hoạt động đánh bắt cá, nhưng quy định này lại rất sơ sài và thiếu sự rõ ràng – “việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay (Điều 3)” – thể hiện mục đích chính mà Hiệp định hướng tới không phải là phát triển chung hay hợp tác nghề cá, mà nghiêng về tính chính trị nhiều hơn. Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng đánh bắt tràn lan, bất hợp pháp, không hướng tới mục đích bảo tồn nguồn cá và phát triển bền vững.

Sự thiếu vắng các thỏa thuận về hợp tác nghề cá tại Vịnh Thái Lan đã dẫn đến hệ quả là tình trạng đánh cá bất hợp pháp xảy ra ngày càng nhiều tại khu vực này. Vấn đề đánh cá bất hợp pháp dẫn đến nhiều căng thẳng chính trị giữa các nước có liên quan và trở thành một hiểm họa an ninh phi truyền thống.

Quan hệ giữa Thái Lan và Malaysia thường xuyên bị tác động bởi vấn đề này, thậm chí có lúc đã dẫn đến đụng độ nổ súng trên biển. Vào năm 1995, một tàu tuần tra của Malaysia đã nổ súng bắn một tàu cá của Thái Lan đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Terengganu sau khi tàu cá này ngoan cố không chịu đầu hàng. Hai ngư dân trên tàu đã bị thương, tàu cá bị tịch thu và được chuyển về cảng bởi các lực lượng chức năng của Malaysia. Malaysia ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 tàu cá Thái Lan xâm phạm vùng nước của Malaysia, tuy nhiên, chỉ có 10% trong số đó đã phải chịu các biện pháp cưỡng chế từ phía Malaysia.

Việt Nam cũng là nước có tranh chấp về đánh cá với Thái Lan tại các khu vực chồng lấn do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của ngư dân Thái Lan. Tính trung bình từ năm 1992 đến năm 1997, đã có hơn 1.000 tàu cá và hơn 10.000 ngư dân Thái Lan bị bắt giữ bởi các cơ quan chức năng biển của Việt Nam.

Căng thẳng gần đây giữa Việt Nam và Thái Lan khi Lực lượng Cảnh sát biển Thái Lan đã có hành động vô nhân đạo xả súng bắn chết ngư dân của Việt Nam vào ngày 11/9/2015.

Thực trạng đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế diễn ra tràn lan là bởi các ngư dân sống tại các vùng duyên hải không nắm được các quy định của pháp luật quốc tế về nghề cá. Một cuộc điều tra tại tỉnh Pattani (Thái Lan) đã cho thấy không một ngư dân nào tại đây biết đến sự tồn tại của Bộ quy tắc Nghề cá có trách nhiệm của FAO năm 1995.

Bên cạnh đó, hợp tác trong việc quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật biển còn là nghĩa vụ đặt ra đối với các quốc gia ven biển nửa kín tại Vịnh Thái Lan theo quy định tại Điều 123 UNCLOS.

Hơn nữa, các quốc gia tại đây không thể dựa vào lý do các khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế chưa được phân định rõ ràng để trốn tránh nghĩa vụ hợp tác này, bởi Điều 74(3) UNCLOS chỉ rõ: “Trong khi chờ ký kết thỏa thuận [phân định vùng đặc quyền kinh tế], các quốc gia hữu quan… làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.”

(Còn nữa)

Đỗ Việt Cường

(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật quốc tế tại Viện Sau Đại học Geneva về Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (IHEID) và Đại học Geneva, Thụy Sĩ)