Cần có sự định hướng lại dư luận xã hội về nghề dạy học và hình ảnh người thầy.

'Thợ dạy' có thực sự dở?

'Kẻ lười biếng' có 'đồng bọn'?

'Loạn'... giáo dục?

Cải cách giáo dục toàn diện, bước đột phá phải là cải cách tiến trình đào tạo đội ngũ giáo viên các cấp. Chắt lọc kinh nghiệm của các nước tiên tiến sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm đáng tiếc, thu hẹp một cách nhanh nhất khoảng cách với các nước có nền GD hiện đại.

Người thầy được đào tạo thế nào?

Cũng như ở nước ta, nhiều nước trên thế giới xem giáo viên là "người của nghề cao quý". Từ sự phát triển của khoa học - công nghệ, của tính chất nghề nghiệp, người ta cũng thực tế hóa nghề dạy học và xem người giáo viên cũng là "người lao động", nghề dạy học là một "nghề chuyên nghiệp cao".

Sự kết hợp ba yếu tố nêu trên tạo nên một nhận thức thống nhất trong xã hội và các cơ quan hành pháp, lập pháp rằng "giáo viên là những người lao động có trình độ chuyên môn cao, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, vì vậy họ cần được tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng".

Có hai mô hình đào tạo giáo viên đang được áp dụng:

Mô hình song song: Cử nhân chuyên ngành + cử nhân GD.

Mô hình chuyển tiếp: Cử nhân chuyên ngành + 1- 2 năm đào tạo sư phạm.

Mô hình đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian 4 - 5 năm, việc thực hành giảng dạy ở chương trình đào tạo 5 năm được đánh giá là nhiều và tốt hơn mô hình 4 năm.

Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông của Đức có hai cấp trình độ: Cử nhân và thạc sĩ, cử nhân học 6 - 8 học kỳ, thạc sĩ 2 - 4 học kỳ. Sau giai đoạn đào tạo ĐH, giáo viên tương lai phải tiếp tục giai đoạn tập sự. Giai đoạn này do các bang và trường thực hiện với nhiều chương trình, nhiều cấp độ bồi dưỡng đa dạng, có hệ thống tư vấn hỗ trợ...

Tại Pháp, muốn vào học tại các trường sư phạm ENS (Ecole Normale Supérieure) sinh viên phải học hai năm dự bị, sau đó phải thi tuyển để được học tiếp ngành sư phạm, tỷ lệ thi đậu thường chỉ vào khoảng 20 - 30%.

Tại Nhật, ngay từ năm 1949, Nhật đã ban hành "Luật cấp chứng nhận GD cho cá nhân". Theo đó đào tạo sư phạm bắt buộc phải thực hiện trong trường ĐH và áp dụng mô hình song song bao gồm hai nhánh: -Bốn năm học trình độ cử nhân (gồm GD chung, chuyên môn, sư phạm, thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp). - Chương trình "chứng nhận giáo viên": Muốn trở thành giáo viên tất cả các cấp (tiểu học, THCS, THPT), ứng viên tối thiểu phải có bằng cử nhân. Tiếp đó họ phải học 59 tín chỉ (các môn khác nhau và chuyên ngành sư phạm) để có thể nhận được giấy phép giảng dạy.

Các quốc gia phát triển ở phương đông và phương tây đều có một điểm chung là tạo những điều kiện tối ưu cho phát triển GD, trong đó đào tạo giáo viên là yếu tố mang tính quyết định. Để có đội ngũ giáo viên giỏi, họ thực hiện hai chính sách đồng bộ:

Chính sách tuyển dụng: Tạo điều kiện thuận lợi để những người giỏi có thể trở thành giáo viên thông qua mô hình đào tạo chuyển tiếp. Chủ trương này mở rộng đối tượng tuyển dụng làm giáo viên tới tất cả những người tốt nghiệp ĐH, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và sự điều tiết nguồn nhân lực một cách tự nhiên, không cần can thiệp của nhà nước.

Bên cạnh đó những người tốt nghiệp các trường sư phạm không phải đương nhiên trở thành giáo viên. Họ còn cần được kiểm định để cấp "giấy phép hành nghề sư phạm". Sau mỗi chu kỳ 10 năm (ở Nhật) giáo viên sẽ được kiểm tra để tái cấp giấy phép hành nghề. Thủ tục này sẽ loại bỏ một số người mà năng lực chuyên môn hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác không đáp ứng đòi hỏi thực tế.

Chế độ lương: Là một trong những yếu tố quan trọng khuyến khích và bảo toàn đội ngũ giáo viên, hình ảnh truyền thống về nghề dạy học như một nghề được trả lương thấp đã hoàn toàn bị xoá bỏ. Theo thống kê năm 2010 của OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), mức lương trung bình của giáo viên các nước thành viên là 37.603 USD/năm.

Cao nhất thuộc về Lucxembourg 93.000 USD/năm, Anh quốc là 44.145 USD/năm, Nhật  44.787 USD/năm (3.732 USD/ tháng), Hàn Quốc 46.337 USD/năm (3.861 USD/tháng). Thấp nhất trong bảng thống kê là Cộng hòa Slovakia - khoảng 12.000 USD/năm.

Từ các tư liệu tham khảo trên có thể thấy quá trình đào tạo giáo viên phổ thông ở các nước phát triển phần lớn đều diễn ra trong khoảng 05 năm, riêng ở Anh có thể kéo dài đến 06 năm (4 năm cử nhân + 1- 2 năm sư phạm).

{keywords}

Giáo viên là một trong 3 thành tố quan trọng nhất của nền giáo dục. Ảnh minh họa

Ngẫm đến ta- thấp, thấp và thấp

Ba thành tố quan trọng nhất của một nền GD là: Đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa và cơ sở vật chất, trong đó giáo viên đóng vai trò quyết định. Từ thực tiễn về đào tạo người thầy ở các nước, người viết xin nêu một vài ý kiến về đào tạo giáo viên ở nước ta:

Đội ngũ giảng viên các trường sư phạm được tuyển chọn chủ yếu từ chính sinh viên tốt nghiệp trong trường. Quá trình tuyển giáo viên này có thể coi là "so bó đũa chọn cột cờ", vì đầu vào của ngành sư phạm hơn nửa thế kỷ qua... không hề thay đổi, thậm chí còn đang có chiều hướng đi xuống. Nhà nước vẫn chưa có chính sách và các tiêu chí đào tạo giảng viên ĐH học. Đây có thể xem là thiếu sót nghiêm trọng vì giảng viên ĐH chính là người đào tạo ra các thầy cô giáo tương lai.

Mặt bằng trình độ của giáo viên tất cả các cấp đều thấp: Giáo viên khối  tiểu học và THCS chỉ là trình độ cao đẳng, giáo viên khối THPT có trình độ ĐH. Giảng viên ĐH trình độ chuẩn chỉ là thạc sĩ. Số giảng viên cả nước có bằng TS hiện nay là 7924 (trên tổng số 74573 người) chiếm 10,6%.

Nếu đánh giá chất lượng thực sự của đào tạo TS trong nước thì tỷ lệ này có lẽ chỉ còn vài phân trăm. Một bộ phận không nhỏ giáo viên (nhất là giáo viên trẻ) thiếu những kiến thức xã hội phổ cập, đặc biệt là văn học, lịch sử, địa lý... Lỗ hổng khoa học nhân văn (kể cả các thầy cô dạy các môn khoa học xã hội) là một trong những nguyên nhân làm người thầy "tự đánh mất mình".

Một số chính sách liên quan đến đội ngũ nhà giáo mang lại sự... phản cảm hơn là tích cực. Ví dụ phụ cấp ưu đãi 45% cho giáo viên môn Chính trị khiến cho bản thân họ trở nên cách biệt trong con mắt đồng nghiệp. Việc không cho hưởng thâm niên với các nhà giáo về hưu trong giai đoạn  1994- 2011 là một sự bất công đối với người cao tuổi... Chính sách ưu đãi đối với giáo viên cắm bản, giáo viên dạy học vùng dân tộc ít người, hải đảo... chưa thực sự khuyến khích các thầy cô yên tâm công tác.

Cán bộ quản lý GD phần lớn được điều động từ đội ngũ giáo viên, không ít trường hợp sự bổ nhiệm không dựa vào năng lực. Sau khi được điều động, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và khoa học quản lý chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều văn bản, quy định đưa ra không phù hợp, thậm chí là trái pháp luật, trong khi muốn có đội ngũ quản lý giỏi phải có đội ngũ giáo viên giỏi.

Thu hút người giỏi làm giáo viên?

Cần có sự định hướng lại dư luận xã hội về nghề dạy học và hình ảnh người thầy. Nhận thức cộng đồng trong suốt 60 năm qua cho thấy dạy học là một nghề vất vả và thu nhập không cao. Theo thời gian, quan niệm về sự cao quý của nghề cũng dần mai một. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần không nhỏ vào việc "quảng bá hình ảnh xấu" của người thầy.

Thay đổi cách thức tuyển chọn giáo viên bằng cách áp dụng mô hình chuyển tiếp. Theo định hướng này Bộ GD& ĐT nên xây dựng khung chương trình đào tạo chuyển tiếp (bao gồm cả nghiệp vụ sư phạm) với thời lượng từ một đến hai năm (chứ không phải 15 tín chỉ như hiện nay) cho tất cả những người có bằng ĐH có nguyện vọng làm giáo viên. Chương trình đào tạo này nên được thực hiện theo hình thức chính quy tập trung tại những cơ sở GDĐH có chất lượng.

Về lâu dài, cần giảm chỉ tiêu đào tạo tại các trường sư phạm để không phải chọn sinh viên vào trường với điểm sàn. Loại bỏ dần các trường cao đẳng sư phạm, tiến tới giáo viên phổ thông tất cả các cấp đều phải tốt nghiệp ĐH.

Thí điểm mô hình "công tư hợp doanh", nhà nước xây dựng và quản lý trường, hội phụ huynh chọn giáo viên và trả lương. Điều này sẽ loại bỏ hoàn toàn hiện tượng dạy thêm, học thêm và cũng góp phần giảm ngân sách nhà nước.

Điều cuối cùng và cũng là một trong các yếu tố quan trọng là chế độ đãi ngộ. Nước Nhật có một điều luật quy định lương ngành GD cao hơn các ngành công chức khác 30%. Với quy định này số người có nguyện vọng làm giáo viên luôn cao hơn nhu cầu tuyển dụng.

Quỹ thời gian đào tạo sư phạm nên chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đào tạo kiến thức cơ bản diễn ra trong 2- 3 năm ở trường ĐH, giai đoạn đào tạo nghiệp vụ diễn ra trong 3- 2 năm là sự kết hợp giữa nhà trường và cơ sở GD. Sau  giai đoạn một, tùy vào nguyện vọng và năng lực của sinh viên - thông qua kết quả học tập, nhà trường định hướng cho họ sẽ giảng dạy ở cấp nào (tiểu học, THCS...).

Trong giai đoạn hai, sinh viên sẽ được gửi tới các cơ sở GD thực tập ít nhất là 50% quỹ thời gian. Sau giai đoạn hai là kỳ thi tốt nghiệp kèm theo với việc cấp "giấy phép hành nghề sư phạm". Tổng quỹ thời gian của hai giai đoạn là 05 năm. Có mấy lý do có thể dẫn giải:

Các trường khối công nghiệp (Bách Khoa, Xây Dựng...) thời gian đào tạo là 05 năm, khối khoa học sức khỏe (Y, Dược) thời gian đào tạo là 06 năm. Giáo viên được đào tạo 05 năm hưởng lương như thang lương của kỹ sư, bác sĩ cộng với  phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên là hợp lý.

Tăng thời gian thực tập  đứng lớp và nếu có thể đưa thêm môn học "hùng biện" vào trường sẽ giúp giáo sinh tự tin hơn khi lên lớp. Không phải ngẫu nhiên có những giáo viên được mệnh danh là  "bác sĩ gây mê" bởi cứ đến giờ dạy của người này là  học sinh trong lớp thi nhau ngủ gật.

Khả năng tiếp cận thông tin kém của sinh viên và giáo viên thể hiện qua trình độ ngoại ngữ và tin học. Các giáo viên tương lai cần được học ngoại ngữ ít nhất là trong 06 học kỳ và  tin học 3- 4 học kỳ. Không thể để tình trạng giáo viên THPT không biết sử dụng máy tính để tính điểm tổng kết học kỳ. Càng không thể ảo tưởng, rằng giáo viên sẽ tự học được ngoại ngữ, sẽ tự mua được máy tính khi mà phần lớn trong số họ dạy học ở nông thôn, miền núi.

Thực hiện mô hình đào tạo chuyển tiếp (đại học + 1- 2 năm sư phạm) rõ ràng là cần ít nhất một năm cho giai đoạn chuyển tiếp. Không thể để tồn tại tình trạng chỉ cần học 15 tín chỉ nghiệp vụ sư phạm là nghiễm nhiên trở thành giáo viên. Các giáo viên tương lai (gồm cả những người không tốt nghiệp trường sư phạm) bên cạnh nghiệp vụ sư phạm cần được dạy các kiến thức hỗ trợ như: Lịch sử GD quốc gia, những vấn đề của học sinh phổ thông, GD về tính cách và phát triển của tuổi thiếu niên, tâm lý GD, kỹ thuật GD, phương pháp giảng dạy cho trẻ em khuyết tật, GD đa văn hóa...

TS Dương Xuân Thành