"Anh chị không sợ sao? Nhỡ đâu đất này lại có mìn nữa", người chồng cười buồn: "Sợ cũng vẫn phải làm chứ biết sao bây giờ? Chúng tôi còn phải sống"


Trong những nỗ lực 'hàn gắn đau thương' lớn nhất của cựu chiến binh Chuck Searcy trong suốt 17 năm ở lại Việt Nam vừa qua là khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chiến tranh đã lùi xa vài thập kỷ, vậy mà dư âm của nó vẫn còn đây, và hàng ngày hàng giờ vẫn tiếp tục có thêm nạn nhân.

Trong ngôi nhà nhỏ ven đường thuộc xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, vợ chồng chị Ngô Thị Mộng buồn rầu kể về tai nạn của chị.

Hàng ngày, công việc của anh chị là mua đất làm nền nhà. Từ những nơi đào ao, công trình xây dựng, đất thừa được xe về trước cửa nhà anh chị, sau đó hai vợ chồng tãi đất, chọn lọc rồi xe đến những nơi khách hàng cần san lấp nền nhà, bồi chỗ trũng.

Một sáng tháng 3/2011, hai anh chị đang tãi đất trước cửa nhà, một quả mìn lộ ra từ đống đất, lúc đó vô tình chị Mộng đang đạp chân lên. Quá hoảng sợ bối rối, chị nhấc chân ra, lập tức quả mìn phát nổ, hất tung chị Mộng văng ra vài mét. Chồng chị đứng gần may mắn không bị thương.

Cú nổ làm chị Mộng ngất lịm. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, chị đau đớn nhận ra bên chân phải của mình đã bị cắt bỏ đến đầu gối, như chồng chị kể lại: đoạn chân đã văng ra mấy mét, lẫn trong đất đá, mãi mới tìm được.

Trong ánh mắt ầng ậc nước, giọng nói nghèn ngẹn, chị Mộng dường như vẫn chưa tin tai nạn đã xảy ra, bỗng chốc chị trở thành người thương tật. Sinh năm 1971, ký ức chiến tranh gần như bằng 0 với chị, nhưng không ngờ có một ngày, sự tàn khốc của chiến tranh bỗng chốc từ dưới đất chui lên, cướp đi một bên chân của người phụ nữ lao động.


Chị Ngô Thị Mộng, Ảnh Hoàng Hường

'Di sản'

Chuck Searcy, người đi lại như con thoi giữa những vùng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và Washington, nỗ lực tìm những giải pháp, chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh ở đây từng nói: "ngoài chất độc da cam, bom mìn còn sót lại là một phần 'di sản' khủng khiếp nhất của cuộc chiến để lại cho người dân Việt Nam".

Theo số liệu của RENEW, dự án làm sạch môi trường và hỗ trợ nạn nhân bom mìn do Quỹ tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ mà Chuck Searcy là Trưởng đại diện và Sở ngoại vụ Quảng Trị sáng lập, dọc Khu phi quân sự Vĩ tuyến 17  (Vietnamese Demilitarized Zone - DMZ), đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị, đã hứng chịu nhiều trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến Việt - Mỹ. Từ năm 1966 đến khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, lượng bom đạn dội xuống Quảng Trị trong thời gian chiến tranh nhiều hơn lượng bom đạn được sử dụng ở châu Âu trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

RENEW cho biết có khoảng 7.024 trường hợp thương vong do bom mìn sót lại trên địa bàn Quảng Trị kể từ sau chiến tranh. Trong hơn 15 triệu tấn bom mìn quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam, có đến 10% không phát nổ sau khi được sử dụng. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, bom mìn, vật nổ nằm rải rác trên cả nước đã gây thương vong cho hơn 100,000 người, trong số đó nhiều người trở nên tàn phế vĩnh viễn. Hơn 83,8% tổng diện tích của tỉnh Quảng Trị còn ô nhiễm bom mìn.

Từ năm 1975 đến tháng 10/2008, toàn tỉnh Quảng Trị có 7.024 nạn nhân do tai nạn bom mìn (chiếm 1.2% dân số toàn tỉnh), trong đó có 2.618 người bị chết, 31% nạn nhân là trẻ em.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa ký Văn bản thỏa thuận thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do tổ chức Clear Path International (CPI). Không ác liệt như Quảng Trị, nhưng Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa chỉ xả bom "ưa thích" của các phi công Mỹ, đặc biệt những vùng như A So - A Lưới.

Những xã Phong Mỹ, Phong Thu, Phong An, và thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, gần trung tâm TP Huế cũng tập trung nhiều nạn nhân bom mìn được CPI ưu tiên hỗ trợ từ năm 2011.


Chân phải của chị đã bị mìn cướp đi, chân trái cũng bị ảnh hưởng, Ảnh Hoàng Hường

Đằng sau những con số

Ở nhiều tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, An Giang... tồn tại một nghề 'độc nhất' là dò tìm bom mìn bán sắt vụn. Nhiều người dân thậm chí sống cạnh một quả bom nhiều năm. Trẻ em chơi ngay cạnh mối nguy hiểm tiềm ẩn đó.

Ngay khi chúng tôi mới vào Huế đã nghe nói tới một bé trai 7 tuổi là nạn nhân mới nhất của bom mìn đang nằm Bệnh viện Trung ương Huế. Em bị mất 2 chân khi giẫm phải một quả mìn trong lúc chơi đùa.

Chúng tôi tức tốc tìm vào bệnh viện thăm em thì em đã ra viện trước đó vài ngày, trở về nhà tận Gia Lai.

Nguy hiểm rình rập, dù với nỗ lực rất lớn của các tổ chức như RENEW và chính quyền địa phương, nhưng không phải vì thế mà người dân có thể dừng sinh kế trong việc đào bom mìn đem bán, hay các em thơ vô tình lại đạp phải những tàn dư chiến tranh khủng khiếp.

Rời nhà chị Ngô Thị Mộng, chúng tôi vẫn thấy một đống đất to trước cửa nhà chị đang được san lấp.

Tôi hỏi: "Anh chị không sợ sao? Nhỡ đâu đất này lại có mìn nữa", người chồng cười buồn: "Sợ cũng vẫn phải làm chứ biết sao bây giờ? Chúng tôi còn phải sống"

Hoàng Hường