Mở rộng tầm quốc gia hay thu hẹp ở địa phương với một lễ hội như Chọi trâu Đồ Sơn, là một câu hỏi cần đến sáng kiến của toàn xã hội. Bởi di sản văn hóa có chủ sở hữu là cộng đồng sinh ra và nuôi dưỡng nó.

>> Chọi trâu có nên là "Di sản văn hóa Quốc gia"?

LTS: Lễ hội chọi trâu  Đồ Sơn vừa được tôn vinh (vào cuối năm 2012) là  Di sản phi vật thể quốc gia, năm nay "cháy vé", đến cả giấy mời cũng có người đem ra bán.

Phải hiểu thế nào về tính nhân văn của di sản văn hóa này, cùng hiệu ứng tâm lý rất có thể có là kích thích cảm hứng bạo lực, khi mà nạn vô cảm, bạo lực ở ta đang  gây nhức nhối cho toàn xã hội? Xin được chia sẻ với bạn đọc ít nhiều thông tin để cùng suy nghĩ, qua cuộc trò chuyện ngắn với GS-TS Ngô Đức Thịnh-UV Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

-Thưa GS, ông là người am hiểu các giá trị di sản văn hóa dân tộc và việc phát huy các giá trị nhân văn của di sản trong đời sống đương đại. Vậy ông nghĩ gì về cảnh tượng gây sốc- ba con trâu thi chọi bị đối thủ đánh đến chết trong một lễ hội từng xảy ra ở Đồ Sơn?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Nói đến cảnh tượng "sốc", thì ở mức cao hơn, phải kể đến lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chẳng hạn. Khi hành lễ (mà đây là dạng lễ hiến sinh để tế thần), phải chọn người nam khỏe mạnh, khéo léo, một nhát dao chém đứt phăng đầu lợn, thì dân làng mới cho là may mắn.

{keywords}

GS.TS Ngô Đức Thịnh

Một vị từng là đại diện của Việt Nam tại UNESCO than phiền với tôi và sau đó gặp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, rằng khách du lịch châu Âu tỏ ra rất bị gây phản cảm, coi đó là hành vi bạo lực sát hại động vật trong khi cả thế giới đang rất coi trọng bảo vệ chúng.

Cảm nhận của khách là tất nhiên thôi, khi bạn không phải là thành viên của cộng đồng sở hữu di sản. Tỉnh Bắc Ninh hỏi ý kiến giới nghiên cứu. Có người đưa phương án thay thế lợn thật bằng lợn nộm. Nhưng như thế thì lễ hội mất tính thiêng, dân không thể nào chấp nhận. Rốt cuộc phải quay về nguyên tắc căn bản của UNESCO là phải hỏi ý kiến cộng đồng sở tại là người chủ di sản.

Khéo léo và bền bỉ thuyết phục bà con tìm cách cải biến động tác hành lễ chăng. Trước mắt, điều nhà quản lý có thể làm là khoanh lại lễ hội ấy trong phạm vi hẹp là dân làng Ném Thượng, sao cho khách du lịch không chứng kiến.

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên cũng thế. Cũng kết cục là con trâu hiến tế phải tử vong bởi nhát dáo của người tham gia hành lễ đâm thấu tim.  Nhưng trong tâm thức đồng bào sở tại, phải như thế mới tỏ được lòng thành kính với thần linh, mới được thần linh phù hộ. Máu trâu thì bôi lên người, lên đồ vật lấy may. Có chút gì là "hoang dã" ở đây chăng?

May mắn làm sao, gần đây, chúng tôi có được một tư liệu tin cậy, cho biết rằng một chủ  trâu hiến tế đã âu yếm chăm sóc con trâu hết mực, trước lễ thì làm lễ tế trâu tỏ lòng biết ơn và tôn kính vị "sứ giả" này sẽ hy sinh để dân làng được thần linh phù trợ. Tâm thức ấy là nhân bản chứ. Điều này giúp chúng ta thêm hiểu và chia sẻ với đồng bào.

Lễ hội này, nêú đồng bào ở buôn làng nào dứt khoát muốn hành lễ theo truyền thống, thì được hướng dẫn là hành lễ trong nội bộ cộng đồng thôi. Còn nếu muốn giới thiệu với khách về lễ hội này, thì địa phương có thể là nên làm màn diễn mô phỏng, và để tránh gây hiểu lầm, phải nói rõ rằng đó là thứ sân khấu hóa ngày nay.

-Vâng, thế còn với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn? Trân trọng các di sản văn hóa thừa kế từ ông cha, nhưng tôi cũng nhức nhối khi nhìn thấy cảnh tượng những con trâu vốn hiền lành, thân thiết của nhà nông bị đối thủ cùng loài quật chết tại trận trong Lễ hội Đồ Sơn. Con thì bị vỡ đầu, con thì bị sừng nhọn đâm ngập mạng sườn vật vã đau đớn, máu chẩy đầm đìa! Ý kiến của ông thế nào?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Theo tôi thì chọi trâu ở Đồ Sơn hay ở Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc), Hàm Yên (Tuyên Quang), vừa có tính một lễ nghi hiến tế, dân sở tại tỏ lòng tôn kính thần linh bằng cách lựa lọc trong số nhiều trâu khỏe lấy một cặp khỏe nhất để làm thịt tế thần và đem chia cho cộng đồng.

Mà cách chọn công bằng hơn cả là để cho đàn trâu thử sức với nhau. Và thế là chọi trâu có thêm tính văn hóa giải trí như cuộc đua tài thể thao giữa hai dũng sĩ bốn chân, mà về khách quan là phù hợp với tinh thần thượng võ lâu đời của nhân dân ta, cổ vũ cho sức mạnh, tài khéo, ngoan cường ...Chính sự "đa nghĩa" này làm nên sức hấp dẫn công chúng trong vùng từ lâu đời, và nó cũng hàm chứa trong tổng thể của nó tính nhân văn khó mà phủ nhận.

{keywords}
Ảnh: TT&VH

- Vậy sự cố gây "sốc" như từng xảy ra ở Đồ Sơn, ông nghĩ sao?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Công bằng mà nói, nó khác với các cú "sốc" chém lợn, đâm trâu như chúng ta nói đến ở trên, ở chỗ không phải do con người cư xử với con vật đem ra hiến tế. Mà là sự cố ngoài ý muốn của con người do hai đấu sĩ trâu gây ra trong cuộc đọ sức mà động lực là tính bản năng động vật. Làm sao mà con người bắt chúng theo luật không được phép sát thương đối thủ.

Vả chăng, đến như các cuộc thi đấu thể thao quốc tế, mà cũng đã từng không tránh khỏi sự cố đáng tiếc gây tử nạn vận động viên, chẳng hạn trong đua ô tô, mô tô, đấm bốc...Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ lâu đời đã đông khách đến, nay lượng khách, có cả khách du lịch nước ngoài, đến dự hội càng đông.

Giả sử có muốn cũng chẳng thể nào khoanh lại phạm vi nội bộ làng xã. Liệu có giải pháp gì khác khả thi chăng? Một cá nhân, hoặc chỉ riêng giới nghiên cứu, khó có thể tìm ra. Đây là câu hỏi cần đến sáng kiến của toàn xã hội, mà di sản văn hóa có chủ sở hữu là cộng đồng sinh ra và nuôi dưỡng nó, đồng thời cũng là tài sản chung của toàn xã hội kia mà!

-Xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian trả lời. Thú thực là tôi cũng lấy làm tiếc là trong phiên họp của Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể, gồm hầu hết là các nhà khoa học, để bỏ phiếu cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vất thể quốc gia, hình như đã không thấy có ý kiến có tính phản biện.

Để ít ra thì công chúng hiểu giới khoa học có cách nhìn toàn diện và thực tế, thời sự về di sản và phát huy di sản. Vậy nên tôi chắc rằng câu chuyện giữa chúng ta sẽ nhanh chóng nhận được phản hồi từ bạn đọc.

Lãng Du (thực hiện)

GS-TS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Những lễ hội "sốc"

Nói chung, Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng nào trên thế giới, trong thời hiện đại, cũng bộc lộ cả mặt tích cực, giá trị, lẫn mặt hạn chế, bất cập. Chẳng hạn đấu bò tót ở Tây Ban Nha, nay có luồng dư luận chê là trái với yêu cầu bảo vệ động vật. Theo chỗ tôi biết thì vài năm nay, một số thành phố ở quốc gia này không tổ chức đấu bò tót.

Ở Việt Nam ta, một số lễ hội gây "sốc" mạnh cho những ai không thuộc cộng đồng sở tại, nhất là khách nước ngoài, chứng kiến. Như chém lợn, đâm trâu chẳng hạn. Những lễ hội này, nay đồng bào chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ.

Ở ta  có một số lễ hội thi đấu trâu, bò. Đấu bò ở vùng đồng bào Mông rất đặc sắc. Cuộc đấu cũng quyết liệt, gay cấn, các đấu sĩ dũng mãnh, nhưng trời không phú cho thể lực và cặp sừng dài, mạnh, nhọn như trâu, nên không có khả năng gây tử thương đối thủ.

Náo nhiệt  và thanh bình, suôn sẻ hơn cả, du khách cũng rất thích thú, theo tôi là Lễ hội đua bò Bẩy Núi (An Giang) của đồng bào Khmer. Đây là cuộc đua tốc độ và thói quen cầy bừa của những chú bò gắn liền với thi tài điều khiển của nhà nông đứng trên cái bừa cách điệu do đôi bò kéo. Lễ hội này không gắn với tục hiến tế, nên đôi bò thắng cuộc được vinh danh lại trở về làm bạn với nhà nông.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lâu đời và tầm ảnh hưởng, sức thu hút công chúng lớn nhất, quyết liệt và kịch tính nhất trong số các lễ hội cùng loại.

Nhưng thỉnh thoảng lại xẩy ra cảnh tượng thương tâm khi trâu yếu hơn  bị đối thủ quật chết, hoặc đâm ngập sừng cho đễn chết.  Hạn chế này của lễ hội Đồ Sơn, quả thật đòi hỏi chúng ta phải tìm ra cách thức khả thi, để hóa giải hoặc giảm đến mức thấp nhất.