"Ngày 2/11/1972, Nixon đã ra lệnh B.52 tiến công nặng nề miền Bắc... Đây là lần thứ 3 trong 8 năm, nhân dân Mỹ đã bị lừa bịp", Joseph Amter phân tích.

LTS: 40 năm, một hành trình thời gian đủ dài để các tài liệu từng được liệt vào dạng "Tuyệt mật" (Top Secret) có thể được mang ra ánh sáng, công khai những âm mưu và tội ác được ẩn tàng dưới dấu mộc đỏ chót với lý do "bí mật quân sự". Linerbacker 2, kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam 40 năm trước (1972-2012) của chính quyền Richard Nixon (Mỹ), với tuyên bố "đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá", vẫn được gọi là trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm lịch sử, đã đến lúc có thể nhìn lại, với những dữ liệu nhìn từ 2 phía. VietNamNet lần đầu tiên công bố thêm một phần dữ liệu này.

Kỳ 1: Đưa VN trở lại thời đồ đá

Paris, dự kiến ngày 30/10/1972, sẽ là một ngày đi vào lịch sử khi biên bản hiệp định sơ bộ về chấm dứt chiến tranh và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đã được các bên đồng ý. Tuy nhiên, một diễn biến bất thường đã khiến nước Mỹ tiếp tục lún sâu vào cuộc chiến tranh này bằng việc chính phủ Mỹ leo thang tấn công miền Bắc Việt Nam bằng pháo đài bay B.52 trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (18-29/12/1972), và cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Richard Nixon, trở thành tổng thống Mỹ bị coi là kẻ nói dối nhân dân Mỹ.

Ở nước Mỹ, một Tổng thống không được phép nói dối nhân dân, đó là yêu cầu đầu tiên khi ông ta đặt tay lên bản Hiến pháp tuyên thệ khi nhậm chức.

"Quyết định khó khăn"!

Cựu tổng thống Mỹ Nixon, người ra lệnh ném bom Hà Nội, Hải Phòng và leo thang đánh phá toàn diện miền Bắc trong tháng 12/1972, về sau, trong hồi ký của chính ông ta, thừa nhận: "Tôi ra lệnh tấn công bằng B.52 vào Hà Nội - Hải Phòng".

Ông viết, "sau 3 năm bế tắc, khả năng về mối liên lạc riêng Mỹ - Bắc Việt Nam đột nhiên lại hoạt động vào tháng 8/1972. Cộng sản tỏ ra quan tâm đến việc đạt được một giải pháp.

Ngày 16 và 17/9 (năm 1972 - người viết), Bắc Việt Nam đưa ra một chương trình mới gồm 10 điểm. Tôi thấy phải chuẩn bị cho Thiệu khả năng đi tới một giải pháp. Hayer đáp máy bay đi Sài Gòn, làm cho Thiệu tin rằng chúng tôi không hấp tấp đi tới một hiệp định. Thiệu bị choáng váng và tỏ ra nghi ngờ... Thiệu chửi bới Kissinger không "đoái hoài" đến quan điểm của Sài Gòn trong các cuộc thương lượng với Hà Nội.

Hà Nội hoang tàn vì B52. Ảnh tư liệu

... Tôi gửi một bức điện cho ông Phạm Văn Đồng, sau cuộc gặp 2 bên ngày 17 tháng 10, nói rằng hiệp định hiện nay coi như đã hoàn chỉnh. Có thể tin ở chúng tôi và sẽ ký kết được vào ngày 30 tháng 10.

Ngày 18 tháng 10, Kissinger đến Sài Gòn, mang thư mà tôi giới thiệu: "Tôi tin rằng chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận hiệp định này!".

Chủ nhật, ngày 22/10, Thiệu mời Kissinger đến gặp. Ngay sau cuộc nói chuyện, Kissinger điện cho tôi: "Chúng ta vừa kết thúc buổi gặp 2 giờ liền với Thiệu. Cuối cùng đã tìm được lối thoát và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể giữ nguyên kế hoạch ban đầu, có sự ủng hộ của ông ta".

Sáng hôm sau, vừa tỉnh dậy, lại nhận bức điện khác của Kissinger: "Thiệu phản đối toàn bộ kế hoạch cũng như mọi thay đổi kế hoạch đồng thời từ chối tham gia đàm phán thêm nữa trên cơ sở kế hoạch".

Thứ 3, ngày 26/10, điều chúng tôi lo sợ đã đến. Hà Nội công bố hiệp định hòa bình, các điều khoản chung và lịch ký kết hết ngày 31/10. Họ quả quyết rằng chúng tôi kéo dài thương lượng nhằm "che dấu âm mưu duy trì chế độ bù nhìn Sài Gòn và kéo dài chiến tranh".

Kissinger cũng quyết định họp báo ngày 26/10. Sau đó, Dickler (Thư ký báo chí Nhà trắng lúc bấy giờ-NV) nói rằng các đề tin của báo chí tường thuật đều nói: "Hòa bình ở trong tầm tay". Tôi hiểu rằng lập trường mặc cả của chúng tôi thế là bị xói mòn nghiêm trọng. Kissinger cũng thấy: Đi quá xa đến mức công khai cam kết về một giải pháp là phạm sai lầm.

... Ưu tiên hàng đầu sau ngày được bầu lại vào tháng 11 sẽ là kết thúc chiến tranh. Việc này, tôi biết là không dễ dàng. Chiến lược để tiến hành rõ ràng là khác nhau. Kissinger thấy việc duy nhất là phá vỡ thương lượng, đẩy mạnh ném bom, buộc Bắc Việt Nam đồng ý nhận một giải pháp.

Tôi điện cho Kissinger: "...Cần tránh không làm gì có vẻ như phá vỡ thương lượng... Nếu xảy ra tan vỡ, chỉ do phía bên kia gây ra..".

Tiếp sau phiên họp ngày 13/12, Hà Nội tỏ rõ là không muốn đạt tới một hiệp định, Kissinger bay về. Ông ta đòi ném bom.

Ngày 14/12, tôi ra lệnh tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B.52 vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ba ngày sau, lệnh sẽ có hiệu lực.

Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong suốt cuộc chiến tranh này".

Bị lừa bịp

Lúc bấy giờ, Mỹ đang tự hào là cường quốc quân sự số 1 thế giới, và lấy giá trị nền văn minh Mỹ làm tiêu chí để bảo vệ. Tên lửa hạt nhân chiến lược, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và không quân chiến lược (máy bay ném bom B.52 vẫn là máy bay ném bom chủ lực của lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ) được xem là 3 lá bài chiến lược của cỗ máy quân sự khổng lồ của nước Mỹ. Lực lượng này cũng được nhiều người xem là "con át chủ bài" trong các cuộc chiến tranh thông thường mà quân đội Hoa Kỳ có tham gia.

Luật gia Joseph Amter, trong cuốn "Lời phán quyết về Việt Nam" (Vietnam's Verdict), tường thuật: "Ngày 17/12, ngay tức khắc, Nixon ra lệnh các cuộc tấn công không quân lớn nhất của cuộc chiến tranh vào Hà Nội, Hải Phòng. Alexander nói rõ là: "Con người đó (Nixon) sẽ bất chấp tất cả để nối lại việc ném bom và cho B.52 đến đấy để cho họ thấy rằng chúng ta đã nói là làm".

Xác B52 ở Hà Nội.. Ảnh: pbs.org.

Cũng trong "Lời phán quyết về Việt Nam", Joseph Amter mô tả: "Trong 12 ngày tiếp theo, từ 18/12-30/12, Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: thả hơn 35.000 tấn bom vào hai trung tâm đô thị lớn của Bắc Việt Nam.

Lầu Năm Góc dùng 200 B.52, các pháo đài bay này từng nhóm 3 chiếc, mang bom 500 và 700 cân (pound) Anh, mà khi thả xuống đúng là nhấn chìm những khu vực hình chữ nhật, một dặm bề dài, nửa dặm bề ngang của thành phố. Giới quân sự cho rằng các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch và trong phần lớn các trường hợp, khu vực mục tiêu chỉ còn là những đống gạch vụn.

Gạch vụn là mục tiêu thừa nhận của Lầu Năm Góc nhằm "làm tê liệt đời sống hàng ngày của Hà Nội và Hải Phòng, và phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam".

Cũng Joseph Amter phân tích: "Trên thực tế, Nixon không phải đợi đến sau cuộc bầu cử để âm mưu moi thêm những nhượng bộ của người Bắc Việt Nam. Ngày 2/11/1972, Nixon đã ra lệnh B.52 tiến công nặng nề miền Bắc. Theo lời lẽ của riêng ông ta là gây sức ép ngày càng tăng đói với Hà Nội bằng việc bắt đầu ném bom gần khu phi quân sự, rồi tiến dần ra phía Bắc mỗi ngày một ít... Đây là lần thứ 3 trong 8 năm, nhân dân Mỹ đã bị lừa bịp".

Trong biên niên "Cuộc chiến tranh Việt Nam", những con số thống kê thiệt hại được cập nhật như số đếm: "Ngày 20/12/1972, đài Hà Nội thông báo có 215 người bị chết, 325 người bị thương ở Hà Nội do Mỹ ném bom các ngày 18-19/12/1972. Tại Hải Phòng, riêng ngày 18/12, 45 người chết, 131 người bị thương và hàng nghìn nhà dân bị phá hủy. Song chính quyền Nixon lại rêu rao rằng trận đánh bom này đã gây thiệt hại nặng nề đối với các mục tiêu quân sự"

Và tác giả cuốn "Lời phán quyết về Việt Nam" khẳng định: "Nhiều người đồng ý rằng chỉ một người điên mới có thể ra lệnh cho B.52 tiến hành ném bom kiểu tàn phá như vậy đối với trung tâm dân thường".

Còn thiếu tá Carl H. Jeffcoat, một phi công Mỹ bị bắt trong chiến dịch "Linerbacker 2" ngay tại Hà Nội đã không ngần ngại cáo buộc ngay chính Tổng thổng Nixon: "Ở Mỹ, tất nhiên có người nói không đúng sự thật. Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đôi lúc cũng có thể nói sai. Cũng có thể có nghị sỹ này, bộ trưởng kia nói không thật đúng. Còn tổng thống chúng tôi thì tôi nghĩ rằng ông ta đã nói là có cơ sở, có đầy đủ cơ sở để nói Tuyệt đối đúng. Thật thà và Trung thực là yêu cầu số một của người dân Mỹ đối với tổng thống của họ...

Không thể khác được. Nếu tổng thống mà nói không đúng sự thật thì mất lòng tin của người dân Mỹ. Đông đảo dân Mỹ mà mất lòng tin ở người cần được tin nhất là tổng thống, thì chế độ Mỹ sụp đổ! Từ lúc đi học, chúng tôi đã nhiều lần nghe nói: ở Mỹ lòng tin vào tổng thống cũng ngang như, thậm chí còn quan trọng hơn lòng tin ở Chúa!".

Trường Minh

(còn tiếp)