Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được tại tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru đã khẳng định vai trò năng động, tiên phong của APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.

Nói về những kết quả chính đạt được tại tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển con người”, Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 vừa diễn ra từ ngày 14-20/11 tại thủ đô Lima của Peru. Sự kiện này diễn ra trong tình hình tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới và khu vực suy giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các thách thức an ninh ngày càng đan xen, phức tạp.

{keywords}

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 vừa diễn ra từ ngày 14-20/11 tại thủ đô Lima của Peru

Kết quả nổi bật đầu tiên là các nhà Lãnh đạo đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ, kịp thời về quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng chất lượng và phát triển con người. Có thể nói, trong tình hình khó khăn hiện nay, đây là thông điệp rất có ý nghĩa, thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của APEC trong thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, các thành viên APEC cũng đạt bước tiến mới về liên kết, kết nối khu vực. Nổi bật là việc thông qua 2 văn kiện có ý nghĩa định hướng hợp tác dài hạn của APEC về liên kết kinh tế và dịch vụ, gồm:

“Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”, trong đó nhấn việc xây dựng năng lực và thúc đẩy các cách tiếp cận hướng tới hình thành FTAAP.

{keywords}

“Lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ”, trong đó có giảm các rào cản đối với thương mại dịch vụ, tăng cường tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ khu vực trong tổng xuất khẩu dịch vụ thế giới và nâng mức tăng trưởng thương mại dịch vụ của APEC lên hơn 6,8% hàng năm…

Những kết quả này sẽ góp phần tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao năng suất lao động và hướng tới hình thành liên kết khu vực sâu rộng hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, trong nỗ lực chung thực hiện các Mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các thành viên APEC nhất trí tăng cường gắn kết nông thôn với thành thị, an ninh lương thực, hợp tác phát triển thị trường lương thực, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, ứng phó thiên tai, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước...

{keywords}

APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực

Thêm nữa, APEC tiếp tục phát huy vai trò hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Các nhà Lãnh đạo APEC đã gặp gỡ, trao đổi với Lãnh đạo Liên minh Thái Bình Dương về triển vọng hợp tác. Lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tham dự Cuộc họp Cấp cao lần thứ 7, khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy việc triển khai Hiệp định này nhằm làm sâu sắc thêm liên kết ở khu vực.

Không thể phủ nhận, trước sự hình thành của ngày càng nhiều các cơ chế liên kết khu vực, APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực; hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn.

Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho APEC 2017. Nhờ nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế và quan tâm của các nền kinh tế thành viên, Việt Nam đã đề xuất chủ đề cho APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với 4 hướng ưu tiên về tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên.

Được biết, sẽ có gần 200 hoạt động sẽ diễn ra trong suốt cả năm 2017, trong đó có Tuần lễ cấp cao vào tháng 11 tại Đà Nẵng, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của nước ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Tháng 3/2017, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra tại thành phố Nha Trang.

Bích Thủy