Đối đầu Mỹ - Trung, mà thương chiến là một tiêu điểm nổi bật, đang có xu hướng mở rộng về quy mô và gia tăng về cường độ. Hai bên đang ăn miếng, trả miếng; chưa có dấu hiệu hòa hoãn. Cuộc đối đầu này giữa cường quốc số 1 và số 2 thế giới sẽ tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu.
Sau hơn 4 thập kỷ hợp tác và cạnh tranh, quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu thay đổi kể từ khi ông D. Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, Mỹ bắt đầu thay đổi quan điểm và cách tiếp cận trong quan hệ với Trung quốc từ nhiềm kỳ thứ 2 của Tổng thống Barack Obama với chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương. Ông Obama muốn tham gia TPP ngay từ đầu để thiết lập một liên minh bao Trung Quốc. Nhưng phòng tuyến đó khá mềm và rất tiếc, Mỹ đã rút khỏi TPP. Bản chất của thay đổi đó là chuyển từ quan hệ theo hình thức hợp tác và cạnh tranh là chủ yếu sang đối đầu là chủ yếu.
Tuy nhiên, sự thay đổi 180 độ này của Mỹ không phải là ngẫu nhiên, tùy hứng của một số chính trị gia, hay của Tổng thống D. Trump. Trong nhiều năm trước đó, giới học giả Mỹ đã có nghiên cứu, đưa ra hàng trăm báo cáo về Trung Quốc và có nhận định tương đối thông nhất. Đó là, dù Trung Quốc đã phát triển mạnh về kinh tế, về chính trị nội địa quốc gia này không có tư tưởng dân chủ, không có ý định dân chủ hóa xã hội, không phải là sự trỗi dậy hòa bình trong trật tự thế giới hiện tại. Trái lại, Trung Quốc đang ngày càng muốn thể hiện sức mạnh, quyền uy, gây ảnh hưởng đối với khu vực và thế giới, thách thức sức mạnh của Mỹ.
Quan hệ Trung - Mỹ: Từ tranh chấp thương mại chuyển sang đối đầu toàn diện |
Do đó, theo cách nhìn từ phía Mỹ, giới học giả khá thống nhất cho rằng, nguyên nhân cơ bản của sự thay đổi nói trên là do Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển và lớn mạnh về kinh tế, công nghệ,… và đang thách thức vị trí số một, vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ từ sau Thế chiến II. Bên cạnh đó, ngược lại, Trung Quốc cũng đã công khai thách thức vị trí số 1 của Mỹ bằng các chiến lược “viết lại” luật chơi quốc tế và thiết lập lại trật tự thế giới và bày tỏ tham vọng chiếm lĩnh vai trò lãnh đạo thế giới.
Từ nhiệm kỳ thứ 2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã không còn thực hiện đường lối đối ngoại “dấu mình chờ thời”, mà công khai tuyên bố và thực hiện tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc với tầm nhìn “giấc mơ Trung Hoa”, chiến lược “sáng kiến vành đai, con đường” và “made in China 2025”,… Trung Quốc không hề dấu giếm sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và công nghệ để tăng mức độ ảnh hưởng đến khu vực và thế giới, làm lu mờ ảnh hưởng của Mỹ một cách rõ nét.
Để đối trọng lại những tham vọng, chiến lược của Trung Quốc, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố và thực hiện tầm nhìn “Đưa Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” với khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”; ngày càng quyết tâm định hình khung khổ chiến lược Ấn – Thái Bình Dương mở rộng; và cuối cùng là trực tiếp khởi xướng và thực hiện chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.
Nhưng cũng có luồng ý kiến của các quan chức chính phủ Mỹ trong các diễn đàn chính thức cho rằng, Mỹ thực hiện thương chiến với Trung Quốc là do chịu thâm hụt thương mại quá lớn; và Trung Quốc đang thực hiện chế độ thương mại đầu tư không công bằng, làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp Mỹ nói riêng và của nền kinh tế Mỹ nói chung.
Tuy nhiên, một số học giả khác cho rằng, các nguyên nhân nói trên chỉ là nguyên nhân “trung gian”, nguyên nhân biểu hiện, chứ không phải nguyên nhân cốt lõi; và chiến tranh thương mại chống Trung Quốc chỉ là một phần, là một công cụ thực hiện chiến lược rộng lớn hơn để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, làm suy yếu Trung Quốc, qua đó, không thể cạnh tranh vị trí số 1 hiện nay của Mỹ.
Nói cách khác, thương chiến, công nghệ chiến, và nhiều thứ khác chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược dành ngôi bá chủ thế giới giữa một bên đang lên và một bên đang đi xuống một cách tương đối. Do đó, cuộc chiến này chắc chắn còn kéo dài, chưa biết khi nào kết thúc, quy mô rộng; tuy nhiên, trong quá trình đó vẫn có thể có hòa hoãn, thỏa hiệp một cách tạm thời. Trong một hội thảo gần đây ở Tokyo về chủ đề này, một học giả Mỹ cho rằng cuộc chiến kết thúc khi đạt ba điều kiện: đạt được thỏa thuận về giảm thuế; Trung Quốc cam kết mua một số lượng lớn sản phẩm do Mỹ sản xuất, và Trung Quốc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Tuy nhiên, một giáo sư Trung Quốc đáp rằng, Trung Quốc không thể chấp nhận chỉ đàm phán vấn đề thương mại; và không chấp nhận các điều kiện do Mỹ áp đặt.
Trong chiến lược của mình, cả Mỹ và Trung Quốc đều sử dụng tinh thần dân tộc chủ nghĩa, chứ không chỉ Mỹ như không ít người thường nghĩ. Thậm chí, mức độ kích động và sử dụng “chủ nghĩa dân tộc” của Trung Quốc còn mạnh mẽ hơn. Còn liệu có thực sự là Trung quốc đang nắm ngọn cờ thúc đẩy tự do hóa thương mại, thúc đẩy thương mại đa phương như nhiều người từng nói hay không?
Chiến tranh thương mại sẽ thành tổng lực? |
Tóm lại, cả hai siêu cường trong cuộc cạnh tranh này đều có một điểm chung là: (i) cả hai đều vì lợi ích quốc gia của họ là trên hết, đó là “nước Mỹ trên hết” và “giấc mơ Trung Hoa”; (ii) đều đề cao và kích động chủ nghĩa dân tộc. Với hai điểm chung nói trên, thì khó có thể nói Trung Quốc, chứ không phải Mỹ đang cổ xúy, dẫn dắt toàn cầu hóa, và thương mại đa phương như không ít ý kiến đã nói.
Xét bề ngoài, Trung Quốc có vẻ đang ủng hộ tự hóa thương mại vì nền kinh tế nước nàyc chưa thực sự mở ở mức ngang bằng như Mỹ và phần lớn phần còn lại của thế giới; và tự do hóa kinh tế thế giới, thương mại đa phương đang mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Trung Quốc.
Ngược lại, Mỹ và Tổng thống D.Trump, cũng không hoàn toàn chống lại hội nhập và mở rông thương mại quốc tế. Điều khác biệt là thay vì cũng cố và phát triển các thể chế và hiệp định đa phương, Mỹ có vẻ ưu tiên hơn đối với thể chế và thương mại song phương. Bằng cách đó, Mỹ hình như đang muốn xây dựng một thể chế thương mại hạn chế các đối tác mở rộng đầu tư, thương mại với Trung Quốc, qua đó, giảm lợi ích của Trung Quốc trong thương mại quốc tế. Điển hình là Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ, trong đó, có điều khoản hạn chế các bên tham gia làm ăn với nền kinh tế phi thị trường; và điều khoản đó chủ yếu là nhắm vào kinh tế Trung Quốc.
Không chỉ Mỹ mà cả Trung Quốc đều cố gắng chính trị hóa các vấn đề thương mại. Ví dụ, mỗi khi tình hình biển Đông có căng thẳng, thì Trung Quốc đều áp dụng các hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa của nước ta; tương tự, Mỹ áp thuế đối với Mexico vì vấn đề người nhập cư từ quốc gia này vào Mỹ.
Tóm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược mang tính toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm tranh dành vai trò, vị trí cường quốc số 1 thế giới, vai trò lãnh đạo, chi phối luật chơi thế giới. Và cuộc chiến thương mại đang gia tăng trong thời gian dần đây, nhất là đàm phán Mỹ - Trung thất bại, đẩy thương chiến lên một nấc tháng mới; và đang mở rộng sang cuộc chiến công nghệ, và có thể sang các lĩnh vực khác như tài chính,…
Nguyên nhân của xung đột này theo cách nhìn từ phía Mỹ là do Trung Quốc phát triển và trỗi dậy nhanh chóng, nhưng thiếu trách nhiệm, thiếu minh bạch, không công bằng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ mà không có ý định tuân theo các quy tắc, luật lệ hiện hành về trật tự kinh tế, an ninh toàn cầu như Mỹ và một số quốc gia phương Tây mong đợi; mà trái lại thách thức sức mạnh mỹ, vị trí và vai trò của Mỹ. Do đó, xung đột này sẽ kéo dài, có ý kiến cho là có thể 15-20 năm; xung đột, cạnh tranh đa phương diện, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,...
Việc xác định đúng bản chất, mức độ và nhất là nguyên nhân cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ tạo thuận lợi cho chúng ta trong xác định vị thế, các phương án lựa chọn phù hợp và chủ động thực nhiện phương án có lợi nhất cho lợi ích quốc gia.
(Còn nữa)
Vũ Minh