Nga hiếm khi được coi là một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thực tế họ là như vậy, nhờ có vùng Viễn Đông.

Vùng Viễn Đông của Nga (RFE) là một khu vực Á Âu rộng lớn trải dài từ Hồ Baikal đến Thái Bình Dương. Cho phép Nga tiếp cận trực tiếp với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, RFE giúp Nga trở thành một quốc gia xuyên lục địa. Chỉ có một nước khác có địa hinh giống như vậy, đó là Mỹ.

RFE chứa đựng tất cả nguồn tài nguyên quý hiếm: dầu và khí tự nhiên, quặng sắt và đồng, kim cương và vàng, nước ngọt hoang sơ (riêng Hồ Baikal chiếm khoảng 20% lượng nước ngọt bề mặt không đóng băng của thế giới), gỗ và cá (ví dụ Biển Okhotsk là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất của các đại dương trên thế giới).

Toàn bộ RFE bao la rộng lớn chỉ có 6 triệu dân. Là một khu vực xa xôi, ít có các tuyến giao thông vận tải tới trung tâm châu Âu, kém phát triển và thiếu cơ sở hạ tầng, RFE là nơi luôn luôn khiến Moscow lo ngại và quan tâm. Họ lo nguy cơ bị nước ngoài xâm chiếm, xâm lấn và ly khai nội bộ hay tổng hợp của cả ba nguy cơ này.

{keywords}

Vùng Viễn Đông Nga mang hấp lực lớn với Trung Quốc. Ảnh: wordpress

Ký ức khó phai

Lịch sử của RFE gắn liền với một mối quan hệ 'nước đôi' với người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc. Trung Quốc được coi là đối tác kinh tế không thể thiếu của RFE, nhưng đồng thời lại bị coi là nguồn gốc của mối đe dọa.

Sau tất cả, phần phía nam vùng Viễn Đông Nga về danh nghĩa thuộc chủ quyền nhà Thanh cho tới nửa sau thế kỷ 19. Mặc dù trong thực tế, ở cấp chính thức, vấn đề biên giới giữa Moscow và Bắc Kinh hoàn toàn được giải quyết bằng các hiệp ước pháp lý, thì vẫn tồn tại mối lo ngại tồn tại bấy lâu ở Nga rằng, trong tương lai, Trung Quốc có thể lên tiếng đòi đất.

Điều này càng được nhân lên gấp bội bởi cảm giác của rất nhiều người ở Trung Quốc coi các hiệp ước biên giới thế kỷ 19 với đế chế Nga là "bất bình đẳng", là môt phần tạo nên "thế kỷ sỉ nhục".

Tạm thời hiện tại, Moscow và Bắc Kinh là "những đối tác chiến lược" với mối quan hệ ngày càng giống như một liên minh. Một trong những lý do chính mà Trung Quốc cần thắt chặt quan hệ với Nga nằm ở vùng Viễn Đông.

Đầu tiên, Bắc Kinh muốn có một biên giới phía bắc ổn định, an ninh với Nga, để họ có thể tập trung nguồn lực quân sự cũng như kế hoạch cho các khu vực chiến lược khác, mà trên tất cả chính là ở Tây Thái Bình Dương. Những ký ức về cuộc đối đầu với Liên Xô, khi Trung Quốc phải nỗ lực tối đa để củng cố các tiền đồn của mình với người láng giềng phía bắc, vẫn chưa hề phai mờ.

Thứ hai, nền kinh tế của Trung Quốc rất cần tới các nguồn tài nguyên tự nhiên của RFE. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn là về mặt chiến lược. Có những dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang bắt đầu nhìn nhận vùng Viễn Đông Nga là "một khu vực hậu phương chiến lược" quan trọng, nơi cung cấp hàng loạt hàng hóa, nguyên liệu chủ chốt.

RFE còn liên quan trực tiếp đến cuộc cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ về ưu thế ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng, nếu cuộc cạnh tranh dẫn tới đối đầu, Washington có thể sử dụng con át chủ bài - tiến hành phong tỏa hải quân ở các tuyến đường biển, nơi Trung Quốc tiếp nhận hầu hết các sản phẩm nhập khẩu thiết yếu.

Bên lợi, bên cần

Sự phụ thuộc ngày càng lớn về nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu và mối lo khi Mỹ ngày càng thắt chặt quan hệ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương dường như là kết quả khiến Bắc Kinh nhấn mạnh ưu tiên hơn trong chính sách với RFE hơn hẳn 5, 10 năm trước đây.

Cho tới gần đây, sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại RFE còn khá hạn chế. Số lượng người di cư Trung Quốc ở khu vực này cũng khá khiêm tốn - không quá 300.000 người - hầu hết là người tạm trú hơn là dân cư thường trú. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, dấu chân của người Trung Quốc ở RFE ngày càng mở rộng. Những lợi ích của Trung Quốc hiện trùng khớp đúng thời điểm mà Moscow đang cần.

Mặc dù chỉ ít năm trước đây, Kremlin còn miễn cưỡng để người Trung Quốc tiếp cận trực tiếp với các ngành công nghiệp giá trị nhất của vùng Viễn Đông. Song giờ đây họ phải thay đổi tư duy khi đối mặt với sự cô lập của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine và có quá ít chọn lựa hiện tại.

Di chuyển, hay đúng hơn là bị thúc đẩy, Nga phải gần gũi hơn với Trung Quốc giữa lúc đối đầu với phương Tây. Moscow đã dỡ bỏ các hạn chế chính thức và không chính thức tồn tại bấy lâu trong lĩnh vực đầu tư từ phía Trung Quốc và bắt đầu tích cực hơn trong nỗ lực thu hút nguồn vốn của người láng giềng.

Lực đẩy chính nằm ở lĩnh vực năng lượng đánh dấu bằng một hợp đồng 30 năm trị giá 400 tỉ USD được ký kết hồi tháng 5/2014 giữa Gazprom và CNPC nhằm cung cấp khí tự nhiên của vùng Viễn Đông Nga sang Trung Quốc. Trong một bước ngoặt khác, tập trung ở phía đông Nga, Moscow đã nhất trí bán cổ phần cho các công ty Trung Quốc ở một số địa hạt béo bở là khai thác dầu khí, và đồng.

Gần đây, các hợp đồng của Nga và Trung Quốc ở vùng Viễn Đông không chỉ giới hạn ở các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên. Trong năm 2014, các công ty quốc doanh của hai nước đã tuyên bố sẽ cùng hợp tác phát triển cảng Zarubino - nằm ở vị trí chiến lược phía nam RFE tại ngã ba biên giới Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.

Cảng Zarubino sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận trực tiếp với Biển Nhật Bản mà họ khao khát từ lâu. Cảng này với công suất sự kiến 100 triệu tấn, sẽ chủ yếu xử lý hàng hóa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng đã trở thành những nhà đầu tư chủ chốt một khu tích hợp nghỉ dưỡng và đánh bạc quy mô lớn ở gần Vladivostok, có thể mở cửa năm nay và mục đích chủ yếu là phục vụ các du khách đến từ Trung Quốc.

Còn tiếp

Tác giả bài viết là Artyom Lukin, Phó Giám đốc nghiên cứu trường Nghiên cứu quốc tế và khu vực thuộc Đại học Viễn Đông liên bang, Vladivostok, Nga.

Minh Tâm (Dịch theo Huffingtonpost)