Tuần Việt Nam giới thiệu kì cuối bàn tròn trực tuyến chủ đề "APEC 2017: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam" với sự tham gia của hai vị khách mời: ông Nguyễn Minh Vũ, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban Thư ký quốc gia APEC 2017 và Ts Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương.

Mời xem lại kỳ 1 TẠI ĐÂY; và kỳ 2 TẠI ĐÂY

Mời quý vị theo dõi kỳ cuối tại đây

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta tiếp tục với câu chuyện APEC 2017. Ngay lúc đầu ông Võ Trí Thành chia sẻ, hiện nay có sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và trong khi đó APEC luôn có mục tiêu hướng tới tự do hóa, thuận lợi hóa trong kinh doanh. Vậy không biết những xu hướng như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào tới tiến trình phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu chung?

TS Võ Trí Thành: Như chúng ta đều biết, chủ nghĩa bảo hộ không chỉ làm giảm tiến trình phục hồi kinh tế thế giới hiện nay mà với tăng trưởng thương mại rất yếu ớt. Xét về mặt tư duy, tầm nhìn đi ngược với mục tiêu của APEC nên đó là trở ngại lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cố gắng đi đến được điểm chung: dù có bất kì cản trở gì thì APEC vẫn giữ được mục tiêu ban đầu của nó tức là tự do hóa thương mại đầu tư nhưng gắn với phát triển.

Vai trò của Việt Nam rất quan trọng. Việt Nam là một nước thành viên có trình độ phát triển thấp nhất APEC nhưng chúng ta vẫn có nhiềm tin vào tự do hóa thương mại, đầu tư vì gắn liền với cải cách. Bởi vì nhìn vào lịch sử APEC, lịch sử thế giới đóng góp của tự do hóa thương mại đầu tư rất lớn.

Nhìn lại tự do hóa thương mại đầu tư đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là việc chia sẻ lợi ích ấy có đồng đều không? Phát triển có bền vững không? Đã tính tới điểm mới của đòi hỏi phát triển như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu hay chưa?!

APEC những năm trở lại đây rất gắn với tự do hóa thương mại đầu tư với tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng sáng tạo. APEC cũng gắn với sự phát triển của khởi nghiệp, của doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và đó cũng là ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC 2017.

Ông Nguyễn Minh Vũ: Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử phát triển của APEC không ít lần người ta băn khoăn: liệu APEC có đương đầu với chủ nghĩa bảo hộ hay không? Bởi sau mỗi lần khủng hoảng năm 1997, 1998, 2001 và gần đây nhất là năm 2008 chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa lại nổi lên, nhưng trên thực tế có thể thấy trong mỗi lần như vậy, APEC lại vươn lên tiếp tục khẳng định, tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, bởi đây chính là điều dẫn tới giảm nghèo, có thêm nguồn lực để tăng trưởng.

{keywords}
Ông Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Năm vừa rồi APEC tổ chức tại Peru, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục khẳng định sẽ không áp dụng chính sách bảo hộ từ nay đến 2020.

Tuy nhiên, tôi chia sẻ với ông Thành rằng lần này chủ nghĩa bảo hộ và tư tưởng chống toàn cầu hóa có những sắc thái mới, không phải vấn đề tự do hóa thương mại thuần túy mà còn là vấn đề công nghệ mới xuất hiện dẫn đến lo ngại tình trạng mất việc làm, đặc biệt đối với những thành phần dân cư không có chuyên môn hay kỹ năng cần thiết để thích ứng với xu hướng mới hiện nay.

Năm nay trong quá trình xây dựng chủ đề và ưu tiên cho APEC 2017, chúng ta đã có rất nhiều các cuộc tham khảo ý kiến của các học giả trong và ngoài nước cũng như các thành viên để đưa ra được chương trình nghị sự phù hợp nhất với sự quan tâm và lợi ích của các nước hiện nay.

Như ông Thành đã nói một trong những ưu tiên của chúng ta là thúc đẩy sự tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo.

Trong đó, chúng ta nhấn mạnh rất nhiều đến lĩnh vực phát triển kỹ năng của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ có Hội nghị cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, nhấn mạnh việc tăng cường phát triển kỹ năng mới cho người lao động thích ứng với bối cảnh mới, vấn đề tăng trưởng bao trùm bảo đảm được những lợi ích của tăng trưởng và toàn cầu hóa được chia sẻ đồng đều cho tất cả cộng đồng dân cư ở các thành phần khác nhau.

Đồng thời chúng ta cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường hơn nữa năng lực sáng tạo và cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số.

Đó là những ưu tiên mà Việt Nam đưa ra và gần đây trong Hội Nghị quan chức không chính thức của APEC, các thành viên đánh giá rất cao chủ đề cũng như hướng ưu tiên của chúng ta đưa ra ứng phó với tình hình mới hiện nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Một sự kiện chính trị nổi bật gần đây là câu chuyện Donal Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Tư tưởng của ông Trump rất khác với ông Obama trước đây. Ông đã tuyên bố nước Mỹ sẽ không tham gia TPP trong khi Mỹ là thành viên có tiếng nói lớn trong APEC. Tư tưởng của ông Trump tác động đến các cuộc thảo luận kinh tế trong APEC hướng tới mục tiêu tự do hóa như thế nào?

TS Võ Trí Thành: Chúng ta thấy có một điều rất rõ là giữa việc cam kết, tuyên bố của ông Trump trước và sau khi ứng cử Tổng thống đã có ít nhiều hác biệt. Điều đó nói lên rằng chúng ta phải chờ đến khi ông Trump chính thức nhậm chức Tổng thống sau ngày 20 tháng để có nhìn nhận chuẩn và rõ hơn về chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt đối với khu vực và thế giới.

Cá nhân tôi cho rằng, những tư tưởng quay lại chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ ai cũng có thể nhìn thấy, không có gì úp mở hay bí mật khi nhìn nhận vào những cam kết và tuyên ngôn của ông Donal Trump.

Tuy nhiên, có hai điểm nên lưu ý để thấy APEC chăc chắn vẫn có vai trò rất quan trọng và hy vọng tiếng nói của Hoa Kỳ tại Hội nghị này cũng như vai trò của Hoa Kỳ trong thúc đẩy gắn với chủ đề của Việt Nam tạo ra động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực. Đó cũng là tương lai của APEC. Hai điều đó là:

Thứ nhất: Vai trò của Hoa Kỳ và lợi ích của Hoa Kỳ rất gắn với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện không chỉ ở con số thương mại đầu tư dịch vụ trong quan hệ tương tác của Hoa Kỳ với khu vực mà còn thể hiện ở rất nhiều ràng buộc và khía cạnh khác về chính trị, an ninh phi truyền thống đối với khu vực.

Vì thế, điểm cân bằng dù là mới của Hoa Kỳ với khu vực trong tương tác có thể cao hoặc thấp hơn, sâu hơn ở khía cạnh này hay bớt đi khía cạnh khác, có thể thuận lợi hơn đối tác này, khó khăn với đối tác khác nhưng cái chung mà Hoa Kỳ vẫn phải liên kết và gắn bó với khu vực vì đó cũng chính là lợi ích của Hoa Kỳ, lợi ích tương tác của Hoa Kỳ và lợi ịch của chính các thành viên trong APEC và khu vực.

{keywords}

Thứ hai, Tổng thống Hoa Kỳ có vai trò và trách nhiệm rất lớn nhưng một mình Tổng thống Hoa Kì không thể quyết định được tất cả bởi dưới Tổng thống còn cả một thể chế nước Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ luôn là người rất khôn ngoan và biết lắng nghe.

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ Tướng Việt Nam với Tổng thống mới đắc cử Donal Trump, Tổng thống Hoa Kỳ đã nói rằng: “Hoa Kỳ đánh giá rất cao vai trò, vị trí của Việt Nam”. Như vậy, bên cạnh những khó khăn và những cái có thể chưa lường hết Việt Nam vẫn có thể hy vọng.

Việt Nam cần và có thể trở thành đối tác toàn diện của Hoa Kì để Việt Nam thể hiện có đóng góp xứng đáng cho APEC 2017.

Nhà báo Phạm Huyền: Diễn biến mới trong mối quan hệ giữa ba nước lớn Nga – Trung – Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến câu chuyện trong APEC 2017?

TS Võ Trí Thành: Cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và đặc biệt lợi ích của các thành viên trong APEC có sự tương tác, kết nối và chia sẻ lẫn nhau.

Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định của nước đi sau, của một nước còn yếu và mong muốn tăng cường hội nhập, gắn hội nhập với cải cách vì sự phát triển, vì sự năng động của doanh nghiệp.

Cách mà chúng ta thể hiện như ở ASEM vừa rồi người ta đã thừa nhận Việt Nam là quan trọng. Việt Nam có những nỗ lực và họ rất đồng tình với những chủ đề, mục tiêu của chúng ta trong APEC 2017.

Vì vậy, với tâm thế và cách làm của Việt Nam, Việt Nam chính là diễn đàn rất tốt cho các thành viên kể cả những thành viên có trọng trách lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ đến để chia sẻ, khẳng định tầm vóc của mình, ý nghĩa của mình, vì lợi ích của tất cả nhưng cũng là vì lợi ích của từng thành viên trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông Vũ có thể chia sẻ thêm, đến thời điểm này các bộ, ban, ngành đã đề xuất các sáng kiến APEC 2017 cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Vũ: Chúng ta vừa tổ chức thành công Hội nghị quan chức không chính thức ISOM. Tháng 2 sắp tới, chúng ta chính thức tổ chức Hội nghị quan chức chính thức đầu tiên của APEC, tại đó các Bộ Ngành sẽ chia sẻ một số ý tưởng để cụ thể hóa chủ đề và ưu tiên của chúng ta trong năm APEC 2017.

Chúng ta đã chuẩn bị, tuy nhiên hiện nay cần phải tham vấn thêm các nền kinh tế khác. Còn quá sớm để có thể tiết lộ sáng kiến chính sách cụ thể như thế nào, tôi chỉ có thể nói đó sẽ là những sáng kiến rất thiết thực, cụ thể.

Những sáng kiến xoay quanh bốn ưu tiên trong năm APEC 2017 về tăng cường liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số; an ninh, lương thực và nông nghiệp bền vững gắn với biến đổi khí hậu.

Chúng ta sẽ đưa ra những sáng kiến, những biện pháp chính sách để cụ thể hóa những ưu tiên đó. Đó là những ưu tiên gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Nhà báo Phạm Huyền: Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được cơ hội và quyền lợi như thế nào ở APEC 2017?

Ông Nguyễn Minh Vũ: APEC 2017 sẽ tổ chức gần 200 hoạt động, hội nghị khác nhau ở các cấp từ cấp chuyên gia, quan chức cao cấp, cấp Bộ Trưởng và đỉnh cao là Hội nghị tuần lễ cấp cao từ 5 – 11/11/2017 tại Đà Nẵng.

Doanh nghiệp sẽ là một trong những khu vực được thụ hưởng nhiều nhất trong các hoạt động đó. Chúng ta sẽ tổ chức 8 Hội nghị Bộ trưởng, cấp Bộ trưởng, tương đương Bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, du lịch, an ninh, lương thực và nông nghiệp bền vững, phát triển nguồn nhân lực, phụ nữ và kinh tế.

Trong tất cả các Hội nghị đó sẽ luôn có các hoạt động tương tác giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, họ sẽ được tham gia vào các cuộc thảo luận cũng như chia sẻ chính sách. Đặc biệt sự kiện được trông chờ nhất của các doanh nghiệp là Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là môt trong những hoạt động có thể nói được trông chờ nhất trong APEC 2017, thu hút được hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu khu vực đến tương tác với nhau, với doanh nghiệp Việt Nam cũng như với lãnh đạo APEC.

Tôi cho rằng đây là cơ hội rất là lớn để doanh nghiệp chúng ta có điều kiện tiếp cận, trao đổi và thiết lập các cơ hội hợp tác kinh doanh đầu tư với các tập đoàn hàng đầu khu vực.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi được biết ông Võ Trí Thành có các buổi tiếp xúc, nói chuyện nhiều với doanh nghiệp Việt, Có một câu hỏi rất nhiều doanh nghiệp đặt ra là chúng tôi tìm kiếm cơ hội như thế nào trong APEC năm tới?

TS Võ Trí Thành: Có 3 điều tác động tích cực với doanh nghiệp Việt Nam.

Đầu tiên, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều của thể chế và chính sách.

Ở đây là sự tương tác rất gần gũi, thiết thực tại rất nhiều cách thức tổ chức diễn đàn khác nhau, đó là doanh nghiệp tương tác với các nhà hoạch định chính sách.

Chính sự tương tác này và đặc biệt là sự lắng nghe của các nhà hoạch đinh chính sách sẽ chuyển hóa thành những chính sách, những chương trình, cam kết của APEC và đem lại tác động ngược lại thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ nữa, APEC là cơ hội đặc biệt để kết nối các doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới để học hỏi, tìm kiếm cơ hội làm ăn.

Thứ ba, tôi nghĩ rất quan trọng, tất cả các diễn đàn, các cuộc họp APEC chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp thị, quảng bá để người ta biết mình là ai, quan trọng hơn nếu kết nối tốt mình sẽ hợp tác với nhau.

Ông Nguyễn Minh Vũ: Có lẽ không có một diễn đàn nào sự tương tác giữa doanh nghiệp với các quan chức của chính phủ nó lại chặt chẽ và có hệ thống như APEC.

Ở APEC có cơ chế hội đồng tư vấn doanh nhân, mỗi nền kinh tế cử ra ba doanh nghiệp hàng đầu của mình tham gia vào hội đồng tư vấn doanh nhân đó.

Năm nay, sẽ có tổ chức các hội nghị thường xuyên của ABAC cũng như sẽ có kết nối giữa các kênh ABAC với các kênh quan chức của APEC. Đó là những cơ hội rất quan trọng để tương tác, tác động vào chính sách.

Tôi hy vọng rằng APEC 2017 sẽ đánh dấu năm tích cực và thay đổi cho các doanh nghiệp.

Nhà báo Phạm Huyền: Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho APEC 2017 như thế nào rồi thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Vũ: Đăng cai APEC lần thứ 2 và chúng ta đã có sự chuẩn bị rất sớm bài bản.

Từ tháng 7 năm 2015 Uỷ ban Quốc gia APEC 2017 được thành lập do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch là Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Công thương cùng đại diện của 23 Bộ ngành, địa phương tham dự. Đồng thời  lập Ban thư ký Quốc gia APEC 2017 và 5 tiểu ban nội dung về lễ tân, nội dung văn hóa và ninh ý tế.

Tất cả đã hoạt động rất tích cực và đến nay có thể nói công tác chuẩn bị cả về nội dung, tổ chức hậu cần đang được đẩy tiến độ rất nhanh và chúng ta cũng tin tưởng với bộ máy hoạt động hiệu quả, ủy ban Quốc gia, của chính phủ và của các đồng chí lãnh đạo, thì công tác chuẩn bị cho APEC 2017 sẽ diễn ra tốt đẹp.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin được hỏi câu hỏi cuối, các ông kỳ vọng như thế nào về APEC 2017?

TS Võ Trí Thành: Tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tổ chức thành công Hội nghị APEC, sẽ tăng cường được vị thế, tiếng nói của Việt Nam, và tất cả các thành viên của APEC sẽ đánh giá rất cao không chỉ là công tác tổ chức mà còn là đóng góp vào APEC trong một thời điểm còn rất nhiều những khó khăn, phức tạp của tiến trình APEC. Đóng góp này cuối cùng cũng là để APEC vừa khẳng định mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư vì sự phát triển.

Kỳ vọng thứ hai là các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt nhất cơ hội này để cùng với cả nước không chỉ quảng bá hình ảnh của đất Nước đang ngày càng năng động, cải cách, hội nhập, sáng tạo và thực sự kết nối được với tiến trình APEC 2017 để đem lại những lợi ích tốt nhất.

Ông Nguyễn Minh Vũ: Qua công tác chuẩn bị của năm APEC 2017, chúng tôi tiếp tục nhận đươc sự kỳ vọng và tôn trọng của các nước là Việt Nam tiếp tục dẫn dắt APEC 2017 đi vào con đường thúc đẩy tự do hóa thương mại, phát triển bền vững, thịnh vượng trong khu vực này.

Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam thực hiện tròn trọng trách qua đó nâng cao vị thế quốc tế của mình.

Thứ hai chúng tôi cũng kỳ vọng ngoài đóng góp vào sự thành công của APEC 2017, nhân đó chúng ta có thể đưa quan hệ của chúng ta với các đối tác song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.

Chúng tôi hy vọng rằng APEC 2017 sẽ mang lại cơ hội tốt cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể tác động tích cực vào thay đổi chính sách, có thể kết nối với các doanh nghiệp để quảng bá tạo nhiều hơn nữa cơ hội phát triển và việc làm, cải thiện cuộc sống. Vấn đề là người dân và doanh nghiệp hãy sẵn sàng, chủ động, tích cực tận dụng cơ hội đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham gia.

Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet

Nhóm quay clip: Xuân Quý, Huy Phúc

Dựng clip: Bạt Tuấn

Chụp ảnh: Lê Anh Dũng