“Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, ASEAN luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó sự thành/bại trong việc tương tác với các nước, đặc biệt các nước lớn bên ngoài khối đòi hỏi nội lực vững mạnh”, TS Võ Trí Thành khuyến cáo.

Xem lại kỳ 1

Mời xem video tại đây:

 

Nhà báo Hoàng Hường: ASEAN với các mô hình chính trị - văn hóa khác nhau như vậy. Trong bối cảnh quan hệ lợi ích giữa các thành viên ASEAN và những nước lớn trên thế giới còn nhiều khác biệt. Theo quí vị, làm thế nào để hiệp hội này có thể tìm được tiếng nói chung cho chặng đường sắp tới, và hoàn thành mục tiêu ba trụ cột như chúng ta đã ký kết hồi năm ngoái?

TS Võ Trí Thành: Trong kinh tế, ASEAN chưa tạo ra thương hiệu mạnh. Nói chính xác hơn, chưa có thương hiệu nào được thừa nhận trên thực tế.

Có một điểm khá hay ở đây là, cách thức liên kết của ASEAN là liên kết liên chính phủ của các nước đang phát triển, có nhiều điểm đáng học hỏi dù còn nhiều điểm tranh cãi và thách thức.

ASEAN đều hiểu lựa chọn không thể khác là liên kết với nhau, và phải đủ mạnh, đủ đem lại lợi ích cho các nước thành viên và đủ giữ tiếng nói trong sự phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương. Ở mức này mức khác, các nước lớn đều thừa nhận vai trò trung tâm đó của ASEAN.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, ASEAN luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó sự thành/bại trong việc tương tác với các nước, đặc biệt các nước lớn bên ngoài khối đòi hỏi nội lực vững mạnh. Ở đây không chỉ là thực thi mục tiêu ba trụ cột, vấn đề hiện nay là thể chế của ASEAN đang có những vấn đề nhất định. Dù có Hiến chương, nhưng ASEAN vẫn chưa có một thể chế đủ mạnh, đủ nguồn lực để xử lý các vấn đề đặt ra hiện nay.

Ngoài ra, những nguyên tắc ASEAN như sự đồng thuận toàn diện cũng làm hạn chế sự quyết liệt của khối này trong những thời điểm cần thiết. Ngoài những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cũng đang mang lại cho ASEAN nhiều thách thức.

Bên cạnh những cam kết chung, ASEAN vẫn thừa nhận quyền của mỗi nước trong việc ứng xử song phương với các nước bên ngoài, đặc biệt các nước lớn. Lợi ích của từng nước và lợi ích khu vực không phải lúc nào cũng cùng chiều.

Theo tôi, có 2 vấn đề đặt ra: Thứ nhất, chúng ta phải đặt Hiến chương ASEAN lên bàn cùng mổ xẻ tìm ra một ASEAN kết nối và mạnh mẽ hơn. Thứ hai, khi đặt lên bàn cân, các nước phải hiểu rằng, nhìn dài hạn, sự không liên kết, hoặc chỉ vì lợi ích riêng sẽ mang lại những hệ luỵ khôn lường không chỉ cho ASEAN mà cho chính những quốc gia đó. Lực hướng tâm mạnh hơn lực ly tâm.

Nhà báo Hoàng Hường: Trong bối cảnh đó, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nên làm thế nào để giữ chính sách cân bằng, không bị rơi vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, để có thể cùng nhau chung sống hòa bình, tạo đà hợp tác phát triển kinh tế?

TS Đỗ Đức Định: ASEAN được coi là một trong những mẫu hình thành công nhất của các nước phương Nam. Trước đây phương Nam từng đưa ra phong trào không liên kết, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, phương Nam không liên kết với bên nào, cũng không có điểm tựa nào. Đến nay ASEAN là mẫu hình cụ thể, có lựa chọn thích hợp.

Nhìn lại Châu Âu, từ Cộng đồng Châu Âu đến Cộng đồng kinh tế Châu Âu và hiện nay là Liên minh Châu Âu đều có trình tự từng bước tiến lên. Châu Phi bao gồm nhiều nước kém phát triển hơn ASEAN thành lập Liên minh Châu Phi nhưng không phát triển được. ASEAN là một hiệp hội, thoáng nhìn thì không chặt chẽ như Châu Âu, không lỏng lẻo như Châu Phi nhưng là mô hình khá phù hợp. Vậy nên, dù trong ASEAN có những nước đồng minh của Mỹ, có nước lại gắn chặt với Trung Quốc nhưng vẫn có sự cân bằng giữa các nước ASEAN với nhau.

{keywords}
Các vị khách mời tham gia tọa đàm.

 

Để tránh sự can thiệp của các nước lớn, ASEAN có một số nguyên tắc quan trọng là: Bên trong hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, nếu một nước chưa đồng ý, ASEAN chưa đưa ra nghị quyết chung; với bên ngoài ASEAN thực hiện những diễn đàn đối thoại như đối thoại riêng với Mỹ, với Trung Quốc, Ấn Độ… là những nước nằm ngoài ASEAN nhưng có vị trí quan trọng với khối này. Chính vì sự linh hoạt đó nên đến nay ASEAN chưa bị đẩy vào tình huống phải chọn bên kia chống bên này. Đó là lựa chọn khôn ngoan và thành công.

Điều này thể hiện rõ qua việc những đối thoại của ASEAN với các nước lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Thái Bình Dương. Diễn đàn ARF của ASEAN thậm chí có ảnh hưởng hơn diễn đàn APEC.

Ông Vũ Khoan: Có ba đặc điểm của Đông Nam Á ảnh hưởng nhiều đến ứng xử của họ: Thứ nhất, như đã đề cập, Đông Nam Á có vị trí địa chính trị - kinh tế rất quan trọng; Thứ hai, các nước Đông Nam Á đều là nước nghèo, yếu; Thứ ba, dù thế nào, mỗi nước cũng đều có những lợi ích riêng của mình.

Những điểm này dẫn đến các đặc điểm ứng xử với nước lớn: Thứ nhất, các nước ASEAN đều nhận thức được sự quan trọng của vị trí địa chính trị - kinh tế của mình, biết các nước lớn cần mình. Điều đó rất quan trọng. Không có một tổ chức nào trên thế giới làm được như ASEAN là thu hút được tất cả các nước lớn. ASEAN khôn khéo tận dụng các mối quan tâm này để nêu cao vai trò của mình, như TS Định đã đề cập ARF ảnh hưởng hơn APEC. ASEAN dần đóng vai trò trung tâm (leading role).

Thứ hai, các diễn đàn của ASEAN tập hợp được những tiếng nói dung hoà. 

Thứ ba, dù có những quan hệ lợi ích khác nhau nhưng ASEAN vẫn luôn có những điểm chung, và điểm chung lớn nhất là mong muốn hoà bình, ổn định.

Thứ tư, chính sách đa dạng hoá quan hệ. Tất cả các nước đều theo đuổi chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá.  Những đặc điểm này cũng ảnh hưởng nhiều đến ứng xử của các nước.

Nhà báo Hoàng Hường: Theo các vị, nhìn từ thực tế quan hệ nội khối hiện nay, từ việc ký kết hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các vị đánh gia như thế nào về các cơ hội giao thương, cơi hội cải thiện môi trường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khối với nhau và các đối tác lớn khác?

TS Võ Trí Thành: Việc ký kết chỉ là một dấu mốc trong cả một quá trình tiến triển, xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong lịch sử 50 năm của ASEAN, mạnh mẽ nhất là giai đoạn giữa những năm 1990 trở lại đây. Quá trình ấy đã mang lại ít nhiều lợi ích và vấn đề nội tại cho ASEAN để đi tiếp. Chặng đường đi tiếp có hai việc: thực hiện nốt lộ trình, hay chương trình hành động; và quan trọng hơn là gắn với một tầm nhìn hướng ASEAN về phía trước. Một ASEAN kết nối, có tiếng nói chung mạnh mẽ.

Nếu để ý sẽ thấy, tầm nhìn ASEAN sau 2015 nhấn mạnh hơn nữa tự do hóa: Hàng hoá, dịch vụ, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa; thị trường chung hơn nữa; cơ sở sản xuất thống nhất hơn nữa.

 

{keywords}
TS Đỗ Đức Định (trái) và ông Vũ Khoan

Thứ hai, vấn đề kết nối ASEAN rất nhiều công trình cứng, hạ tầng mềm, kết nối con người mà ASEAN phải tăng cường. Ngoài ra, ta cũng cần một ASEAN đổi mới, năng động hơn, sáng tạo hơn; một ASEAN có vai trò tốt hơn trong việc tạo ra sản phẩm có tính sáng tạo cao, công nghệ cao; một ASEAN xanh hơn, phát triển bền vững hơn, thân thiện môi trường hơn; và một ASEAN đem lại lợi ích cho tất cả hơn, hay ta gọi là sự phát triển bao trùm; đặc biệt, một ASEAN có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn.

Để làm như vậy, vừa qua không chỉ tổng kết điểm số các nước đã đạt được là 97 hay 98% trên nấc thang thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN, mà bắt đầu xây dựng một lộ trình tiếp theo. Cùng với đó là những cải cách mạnh mẽ hơn đối với thể chế ASEAN như Ban thư ký ASEAN, việc xử lý tranh chấp…

ASEAN hiện nay có những tiếng nói đòi hỏi phải nhìn nhận những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hơn mà trước đây rất nhiều lĩnh vực liên quan đến chính sách của ASEAN vẫn là chủ quyền riêng của mỗi nước, vấn đề hợp tác. Có thể trong tương lai ASEAN cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn, về pháp lý chứ không phải chỉ là vấn đề hợp tác.

Với tất cả những điều đó, thực chất để có một ASEAN thực sự mạnh mẽ, một mẫu hình kết nối các nước đang phát triển trong một thế giới đầy bất động và rủi ro mà ASEAN là tập hợp của các nước nhỏ lại có tương tác với rất nhiều nước lớn sẽ có nhiều vấn đề phải đặt ra, là bài toán không đơn giản.

Tôi tin giá trị của liên kết sẽ mạnh hơn. Những giá trị khác có thể mâu thuẫn với quá trình kết nối. Điều này đã có 50 năm thử thách, có thể tiến triển chỗ này chỗ khác khiến chúng ta chưa hài lòng hay còn gây tranh cãi, nhưng rõ ràng nó đã đem lại những lợi ích không thể phủ nhận. Một trong những lợi ích quan trọng nhất là sự ổn định để phát triển. Đằng sau đó là một chân trời rộng mở cho làm ăn và sản xuất kinh doanh.

Nhà báo Hoàng Hường: Trong bang giao quốc tế, bên cạnh các hoạt động ngoại giao cấp nhà nước, cần có cả các hoạt động đối ngoại nhân dân, ngoại giao liên nghị viện nữa?

Ông Vũ Khoan: Đây không phải nhận xét riêng của cá nhân tôi. Các nhà lãnh đạo ASEAN nhận ra sự quan trọng của ngoại giao nhân dân từ rất sớm. Họ đã sớm đặt ra mục tiêu biến ‘tổ chức của các quan chức’ thành của nhân dân, và đề ra mấy hướng đi:

Một, tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong nhân dân về hoạt động của ASEAN;

Hai, tạo được sự giao lưu dễ dàng, điển hình là việc bỏ visa trong khối;

Ba, tổ chức nhiều sinh hoạt chung như thi ca hát, viết sách..  cộng với các hoạt động trong cộng đồng văn hoá – xã hội ASEAN, tôi tin rằng ngoại giao nhân dân ASEAN đang tăng lên và có hiệu quả rõ rệt.

Còn nữa

Hoàng Hường - nhóm PV