Để thay đổi tư duy từ “xin - cho” sang “phục vụ”, chỉ có một con đường là phải chuyển đổi nền hành chính từ “cảm tính” sang “lý tính’.

Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Tấn Anh. Mời quí vị theo dõi và tranh luận thêm.

Không còn có thể chậm trễ

Thưa GS.TS Nguyễn Tấn Anh, từng là chuyên gia của UNESCO, ông đã có những công trình nghiên cứu về chính sách để đóng góp cho một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông nhận định thế nào về nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam chuyển từ “xin - cho” sang “kiến tạo” và “phục vụ”?

Đây là một tín hiệu không chỉ khẳng định lại chủ trương và đường lối nhất quán của Đảng và Chính phủ. Đây còn là sự tái cam kết yêu cầu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các quốc gia có quan hệ ngoại giao, hợp tác với Việt Nam và điều kiện của các hiệp định, công ước mà Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết là phải xây dựng nền hành chính quốc gia Việt Nam minh bạch.

Mặt khác, để phù hợp và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của một nền chính trị dân chủ, nền kinh tế thị trường và một xã hội văn minh của một Nhà nước “do dân và vì dân”, thì yêu cầu thay đổi từ một nền hành chính “xin – cho”, quan liêu (là cái gốc “nuôi dưỡng” tiêu cực, tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm, cửa quyền,…) sang một nền hành chính phục vụ là quy luật tất yếu. Đảng và Chính phủ đã nhận định được điều này từ rất lâu thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị thậm chí là đã được luật hóa.

{keywords}
ĐBQH họp khóa 14. Ảnh: Hoàng Long

Thưa GS, tại sao việc CCHC của Việt Nam lại liên quan đến yêu cầu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các quốc gia có quan hệ ngoại giao và hợp tác với Việt Nam?

Đó là do yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp của các quốc gia đó. Họ muốn biết tại sao Chính phủ của họ đã ký kết bang giao và hợp tác với Việt Nam mà vẫn gặp quá nhiều khó khăn khi sang làm việc, kinh doanh thậm chí là đi du lịch. Họ gặp quá nhiều thủ tục do nền hành chính của Việt Nam tạo ra trái ngược với nền hành chính “phục vụ, minh bạch” mà họ đang thụ hưởng từ tiền thuế đóng cho Chính phủ của họ.

Sự đòi hỏi của các nhà tài trợ đóng góp cho các tổ chức quốc tế là cần phải minh bạch công việc và đồng tiền họ đã sử dụng có đúng với mục đích, tôn chỉ và các quy định về minh bạch tài chính của các tổ chức quốc tế đó hay không. Có nghĩa là việc các quốc gia hay tổ chức quốc tế có yêu cầu Việt Nam phải CCHC thực chất là họ đang “phục vụ” nhân dân và doanh nghiệp của họ. Họ luôn ý thức được trách nhiệm phải minh bạch, công khai đối với những người “chủ” thực sự đang “thuê” và “nuôi” họ.

Còn với Việt Nam, lợi ích của CCHC là vấn đề sống còn, không còn có thể chậm trễ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ! Chúng ta phải xem đây thực sự là cuộc cách mạng về hành chính và cần có các bước “khởi nghiệp” một cách khoa học và nghệ thuật.

Cải cách lấy con người làm trung tâm

Thưa ông, chính phủ Việt Nam đã và đang làm rất nhiều công việc liên quan đến CCHC, chẳng hạn Chính phủ đã có hẳn một Ban Chỉ đạo CCHC. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì CCHC ở Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ. Vậy theo GS, đâu là nguyên nhân?

Chính phủ Việt Nam đã và đang có ý chí quyết tâm để thực hiện “cuộc cách mạng” về CCHC để xây dựng một nền hành chính trong sạch và lành mạnh hướng tới minh bạch và phục vụ. Tuy nhiên, chính sách, đường lối, chủ trương đã đi đúng hướng song chưa giải quyết được gốc  vấn đề.

Ví dụ, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương rà soát lại các thủ tục hành chính để xem cái nào cần phải sửa đổi, bổ sung thậm chí là loại bỏ để đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền hành chính minh bạch nhằm mục tiêu là phục vụ tốt hơn cho nhân dân và doanh nghiệp. Nhưng đó là một “điều kiện cần” chứ không phải là “điều kiện đủ”. Tại sao? Bởi bản chất cố hữu của nền hành chính Việt Nam là nền hành chính “xin – cho” nên sự can thiệp của yếu tố “con người” rất lớn.

Yếu tố “xúc cảm” của con người chi phối việc thi hành công vụ rất cao, mang tính quyết định. Do đó khó có thể đảm bảo tính công khai, minh bạch như mục tiêu đã đề ra nếu con người thực thi không thay đổi.

Nếu “xúc cảm” của công chức theo hướng lành mạnh thì sẽ hạn chế sự lợi dụng của các mối quan hệ xã hội chi phối trong thực hành công vụ. Nhưng nếu “xúc cảm” tiêu cực bị lợi dụng thì đây chính là con đường gây ra sự chia rẽ, mất đoàn kết trong thực hành công vụ thậm chí đấu đá, tranh giành quyền lực...

Với người dân và doanh nghiệp cũng vậy. Nếu “xúc cảm” tích cực của người dân và doanh nghiệp theo hướng lành mạnh thì sẽ góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch và trong sạch. Nhưng nếu bị lợi dụng, thì đây là con đường hình thành các “đường dây”, “cò”, “nhóm lợi ích”… Tức là cơ chế “xin – cho” được giải quyết bởi “xúc cảm” của con người vẫn mặc nhiên tồn tại.

Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính của Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, thiếu minh bạch bởi vẫn còn nhiều cán bộ, nhiều công chức vẫn chưa cải cách tương ứng yêu cầu thực tiễn.

Biểu hiện rõ nhất và nhức nhối nhất khiến dư luận ở Việt Nam bức xúc là có những cán bộ cao cấp, có chức quyền, có trách nhiệm sẵn sàng dùng quyền lực để đưa con cái mình vào những vị trí cao hơn khả năng của con cái họ, sắp xếp, “quy hoạch” ghế cho con cái, người thân v.v… dù luôn “đúng quy trình”. Rõ ràng “xúc cảm” cá nhân đã thắng trách nhiệm, lương tâm trách nhiệm của họ…

Để đạt được mục tiêu thay đổi tư duy từ “xin - cho” sang “phục vụ”, chỉ có một con đường là phải chuyển đổi nền hành chính từ “cảm tính” sang “lý tính’. Trong đó, có biện pháp tăng lương của công chức thì Việt Nam mới có nền hành chính công chuyên nghiệp và minh bạch. Tức là ở đó nó có sự “cân, đong, đo, đếm” nội dung công việc, thời gian giải quyết công việc,… và thù lao (lương), sự thăng tiến (chức vụ) được hưởng theo mức độ hoàn thành công việc.

(Còn nữa)

Duy Chiến