“Đảng và Nhà nước đều mong muốn có nhiều người tự ứng cử. Luật ban hành không phải để “lừa” dân, và đây là quốc hội (QH) chứ không phải đảng hội. Mà những người tự ứng cử phải là ngoài đảng chứ đảng viên không được tự ứng cử vì đó là quy định của Đảng. QH là đại diện cho hơn 40 triệu cử tri trong cả nước chứ không phải đại diện cho 4,5 triệu đảng viên”….

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH khóa X đã bộc bạch trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam.

Thưa bà, QH khóa XIII sắp hết nhiệm kỳ, cả nước đang chuẩn bị cho vòng hiệp thương thứ 3 chuẩn bị cho đợt bầu cử QH khóa mới. Dư luận đang rất “nóng” liên quan đến việc ứng cử và tự ứng cử. Là một ĐBQH kỳ cựu, bà chia sẻ thế nào về mối quan tâm này?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Tôi thấy người tư ứng cử tương đối nhiều. Nhưng theo nhận thức cũng như mong muốn của tôi, tôi có lời khuyên như thế này: Những người tự ứng cử nên xét trong mình, trong mẩy trước xem liệu mình có đảm đương được nhiệm vụ và chức năng của QH đã được hiến định và luật định không.

QH là gì? Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, chứ không phải cơ quan quyền lực cao nhất. QH là cơ quan lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao. Vậy khi mình là một trong 500 thành viên của QH thì mình có đảm đương được trọng trách đó không?

Tôi không thấy mấy ai nói về chuyện ĐBQH phải là người có “lý lịch trong sạch” hay “không hại nước hại dân”. Từ năm 1946 tới nay không bao giờ Bác Hồ hay Đảng tuyên bố rằng khi ứng cử ĐBQH phải là những người có lý lịch thế này thế nọ. Bằng chứng là QH đầu tiên năm 1946 với 334 ĐB, trong đó có nhiều ĐB là người của Việt Quốc, Việt Cách đó thôi. Chỉ khi những ĐB này không làm tròn nhiệm vụ hoặc đầu hàng địch thì mới bị QH bãi nhiệm.

Và thực tế suốt 13 khóa QH chúng ta đều “quân pháp bất vị thân”, dù là đảng viên, vi phạm pháp luật, không xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri thì vẫn bị QH bãi nhiệm.

QH khóa XIII vừa rồi có 2 ĐB bị bãi miễn, có cả chuyện ĐB dùng lời lẽ nặng nề “mắng”ĐB khác là “tứ đại ngu” gây bất bình trong dư luận v.v… Những điều này chưa hề có tiền lệ. Phải chăng đó là do lỗi quy trình, vẫn để lọt vào QH những trường hợp như thế?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Quy trình của chúng ta rất chặt chẽ, nhưng ở chỗ tự ứng cử thì vẫn có vấn đề.

QH là đại diện cho hơn 40 triệu cử tri trong cả nước chứ không phải đại diện cho 4,5 triệu đảng viên. Đây là “sân chơi” bình đẳng nên có khi quần chúng ứng cử được cử tri tín nhiệm lại trúng.

Trong một bài viết trên báo Đại biểu Nhân dân, tôi đã khẳng định, mọi người đều được quyền tự ứng cử, Luật đã quy định như vậy. Thực ra Đảng và Nhà nước rất mong muốn có nhiều người tự ứng cử. Ở đây Luật ban hành không phải để “lừa” người ta. Vì đây là QH chứ đâu phải Đảng hội. Những người tự ứng cử phải là ngoài Đảng chứ đảng viên không được tự ứng cử vì đó là quy định của Đảng.

Nhiều người đã nói thẳng với tôi rằng, thà tôi là quần chúng tốt còn hơn làm đảng viên mà phẩm chất đạo đức kém. Cho nên không có chuyện người ngoài Đảng là không xứng đáng vào QH. Đúng không? Quan điềm của tôi khi còn là ĐBQH cho tới bây giờ là cần khuyến khích những người chưa phải đảng viên, không phải đảng viên ứng cử vào QH, tham gia vào các cơ quan dân cử.

Trở lại câu hỏi của anh, rõ ràng 2 ĐBQH bị bãi miễn và trường hợp mắng người này người khác là “ngu” hay “đại ngu” rõ ràng là chỉ thỏa mãn cá nhân. Là ĐBQH, thì phải có trách nhiệm với cử tri và với QH, phải đóng góp cái gì cho ích nước lợi dân chứ vào đây để mượn diễn đàn công kích cá nhân là không thể được. Cái này không chỉ rơi vào ĐB tự ứng cử đâu. Có ĐB được giới thiệu và trúng cử cũng vậy.  Đây  là “vết xước” của QH khóa XIII.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu. Ảnh: VTCnews

Theo bà, làm thế nào để tránh được “vết xước” như thế?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Cơ quan chịu trách nhiệm hiệp thương như UBMTTQ và Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp cũng phải xem xét, “nhìn thấy” những người tự ứng cử có tâm huyết là đáng quý, đáng trân trọng. Và nếu họ có tâm huyết thật, có đủ tài đức nhưng còn thiếu chút gì đó thì cần giúp đỡ tận tình để họ ra ứng cử.   

Đảng bộ, tổ dân phố, các đoàn thể, các tổ chức Hội đoàn của người tham gia tự ứng cử, ví dụ như hiệp hội, doanh nghiệp, CLB, các tổ chức xã hội nghề nghiệp nên chủ động giới thiệu.Nếu được các tổ chức hổ trợ thêm, giúp đỡ thêm, sẽ góp phần nung nấu cho người dân quyết tâm, động lực để ứng cử.

Tôi từng kiến nghị UB thường vụ QH ban hành một quy trình hay quyết định để cho cử tri bãi nhiệm ĐBQH nếu như người đó không còn xứng đáng với sự tin cậy của cử tri. Như vậy mới công bằng.

Tại sao bầu QH thì vận động cử tri bầu nhưng khi “không xứng đáng” thì chỉ 500 vị ĐBQH mới có quyền bãi nhiệm(?)

Là người từng có thời gian dài làm ĐBQH và đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm UB của QH, bà có nhận xét gì về các trường hợp ĐBQH là người tự ứng cử?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Bản thân tôi rất coi trọng những người tự ứng cử.

Những người tự ứng cử như Bác sĩ Trần Thành Trai, quá xứng đáng đi chứ. Tôi tìm hiểu biết được rằng bác sĩ Trần Thành Trai được đồng nghiệp khuyến khích, giúp đỡ rất nhiều và giới thiệu ông ứng cử mặc dù ông chưa phải là đảng viên. Nhờ vậy mà bác sĩ Trai mới tự tin ra ứng cử và trúng cử, trở thành ĐBQH.

Hay là như trường hợp của chị Mùa Thị Mỹ ở Lai châu. Chị Mỹ là người dân tộc Mông , thành viên Ủy ban Mặt Trận huyện Tủa Chùa, không phải là Đảng viên.  Lần thứ nhất chị được giới thiệu ứng cử và trúng. Lần thứ hai chị tự ứng cử, và trúng cử tiếp lần 2 với số phiếu rất cao. Lần đó Ủy ban MTTQ huyện tính giới thiệu người khác vì tỉnh Lai Châu có rất nhiều dân tộc khác nhau. Chị Mỹ trong nhiệm kỳ của mình đã làm rất tốt vai trò của ĐBQH, chị phát biểu rất nhiều, rất ấn tượng.

Tôi nhớ có lần chị nói mộc mạc tại hội trường: “Tôi xin hỏi, Chính phủ nói làm thủy điện Lai Châu, bà con dân tộc chúng tôi chờ đợi mãi không biết có ở yên được không. Dù hư hỏng cũng không dám sửa; Muốn trồng cái cây, muốn nuôi cái con cũng không dám. Tôi hỏi chính phủ có làm không? Làm thì nói là làm, không làm thì cũng nói cho chúng tôi biết”. Sau đó, Chính phủ đã nhờ ĐBQH Mùa Thị Mỹ về thông báo với đồng bào là Chính phủ sẽ làm, sẽ làm sớm. Chính phủ đang chờ QH cân đối ngân sách. Nếu được thông qua sẽ làm ngay!

Tôi cũng thấy có những người tự ứng cử trúng cử nhưng cả nhiệm kỳ họ không làm gì được cho QH và cử tri. Họp thì có mặt nhưng không phát biểu gì, hoạt động đại biểu rất mờ nhạt. Tôi không hoan nghênh những trường hợp như vậy.

Liên quan đến 2 vị ĐBQH là doanh nhân đã bị bãi nhiệm, theo bà liệu “vết xước” này có ảnh hưởng đến những ứng viên là doanh nhân không?

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Nhìn chung, doanh nhân giỏi rất ngại vì mất thời gian, mất cơ hội làm ăn kinh doanh. Nói thật các nhà kinh doanh giỏi rất sợ tham gia.

Ra mắt cử tri cũng vất vả lắm. Có người từng “trượt vỏ dưa” giờ sợ lại “trượt vỏ dừa” cần khuyến khích họ. Nếu ở mặt trận địa phương tôi sẽ đi tìm và khuyến khích hỗ trợ các doanh nhân ra ứng cử.

Người chịu áp lực, thậm chí là xúc phạm nhiều nhất là đội ngũ doanh nhân của chúng ta, họ bị đủ thứ áp lực trút lên đầu rồi, giờ sa vào chuyện chính trị nữa có bề gì là tiêu luôn. Phải hiểu mà thông cảm và khuyến khích người ta. Nếu không có biện pháp thì không thu hút được họ tham gia đâu.

Không loại trừ có những trường hợp “đầu cơ chính trị”, nhân cơ hội này họ chạy chọt bằng mọi cách để vô được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để tiếp xúc được với các cơ quan quản lý nhà nước cao để có lợi cho họ. Thế mới bảo, giờ ta không đi bới nữa mà cần ủ tìm những nhân tài để tiến cử vào Quốc hội.

Cám ơn bà Nguyễn Thị Hoài Thu đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Thùy Vân, Minh Hưng