“Khi mà thiếu vắng những cán bộ có trách nhiệm cao, làm tới cùng thì còn chưa xử lý được nạn kẹt xe, ngập lụt; Khi mà môi trường cán bộ công chức cứ đúng quy trình ngày tới công sở ngồi 8 tiếng rồi cắp cặp về thì còn chưa xử lý được chuyện kẹt xe, ngập lụt”, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Xem lại phần 1

Nhìn thực tế ngập lụt, kẹt xe thì thấy dường như vấn đề không nằm ở giải pháp kỹ  thuật. Cho nên chúng ta đột mãi vẫn chưa phá được chỗ tắc có đúng không thưa ông?

Đột phá là đúng, nhưng đột phá ở đâu? Giống như y học phương Đông, phải chọn đúng huyệt, bấm vào đấy cho nó tác động, rung chuyển một bộ phận, thậm chí cả cơ thể. Đây là điều chúng ta chưa làm được.

Giống như hồi Đổi mới. Cơ chế cũ của nền kinh tế kế hoạch tập trung bám chặt, muốn thay đổi từng điểm ta phải từng bước cương quyết đưa cơ chế mới len lỏi vào, phá hẳn cơ chế bao cấp, rồi từ đó mới tạo ra cuộc cải cách. Phải làm  như vậy thì mới thay đổi được. Ý chí rất quyết tâm, nhưng phải làm như thế nào, làm được cái gì mới là quan trọng.

{keywords}

Chiều 26/9, cơn mưa lớn đổ xuống trung tâm TP.HCM khiến nhiều tuyến đường ở các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận... ngập nặng. Ảnh newszing

Ở đây tôi nói đến vấn đề lớn hơn. Tức là động cơ. Các kế hoạch của chúng ta luôn rất rõ, rất nhiều, nhưng chưa cái nào làm được hay làm thành công. Tôi cho rằng, để có thể làm thành công cần 3 nhân tố:

Thứ nhất, sự ủng hộ, đồng lòng từ trên xuống dưới, đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân.

Thứ hai, phải có sự tham gia của nhân vật có lợi ích dài hạn trong đó. Sự tham gia của nhân vật này thực chất nhất vì họ có động cơ để buộc công việc phải đạt kết quả, nếu không sẽ chỉ là chung chung kiểu như “phục vụ nhân dân”, “phục vụ đất nước” mà thôi.

Thứ ba, cần có những người sống chết với công việc đó. Họ dám chấp nhận rủi ro, đương đầu với mọi khó khăn để giải quyết công việc.

{keywords}
Một tuyến đường ngập đến yên xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VietNamNet

Ví dụ dự án Thủ Thiêm được ủng hộ mạnh, thành phố rất quyết tâm, thể hiện rõ ràng chuẩn bị nguồn tiền lớn để đền bù cho xong. Nhưng nhân vật có lợi ích thật sự trong dự án này không rõ là ai. Tiếp nữa, không có ai sống chết với dự án, có đủ thẩm quyền, năng lực để “cày” cho dự án trong 5 – 10 năm cho tới khi nó thành công. Kết quả cuối cùng là một siêu dự án cứ bị bồng bềnh kéo dài mãi.

Hãy nhìn vào các chương trình chống kẹt xe, chống ngập nước, đường sắt đô thị… cũng có chung tình trạng như thế. Thành ra các chương trình đều giống nhau ở chỗ trì trệ.

Trì trệ bởi không có người chịu trách nhiệm hoặc không có người cảm thấy đó là tài sản hay “sở hữu” của mình. Có nghĩa là tôi mà bỏ công bỏ sức ra làm thành công thì tôi được cái gì? Nhà nước, cấp trên, cơ quan quản lý thăng tiến cho tôi và tất cả mọi thứ khác như thế nào. Tôi quyết tâm làm điều này thì tôi sẽ đương đầu với nhiều khó khăn, nếu tôi sống chết làm xong mà vẫn như bao người không làm thì tôi sống chết với công việc làm gì?

Các giải pháp, chương trình, kế hoạch có mà cũng như không thì có nghĩa là tất cả trở lại nguyên như cũ. Cả nền kinh tế cùng các vấn đề khác với vô vàn trục trặc, tích lũy dần lên… Kẹt xe, ngập nước từ chỗ xảy ra ở vài nơi giờ lan ra thành ra một điểm tức tràn ngập toàn thành phố.

Ông vừa ám chỉ tới nguyên nhân sâu xa là động lực, là động cơ của những người có trách nhiệm, những người thi hành có đúng không?

Đúng vậy!  Kể cả khát vọng nữa…

Câu chuyện của chúng ta đang gặp là cơ chế khuyến khích ngược ở khu vực công.

Phải nhìn nhận thực tế là chúng ta đi làm là để có thu nhập và có cơ hội thăng tiến chứ ít người nằm lòng rằng tôi đi làm là vì dân vì nước.  Tôi không tin có ai chấp nhận đi làm chẳng có thu nhập, chẳng được cái gì mà chỉ làm bởi trọng trách “vì dân vì nước” đâu.

{keywords}
Kẹt xe sau cơn mưa lớn. Ảnh: newszing.

Trong hồi ký ông Lý Quang Diệu kể lại có lần trao đổi với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt về công chức của Việt Nam và Singapore… Khi được chia sẻ công chức Việt Nam đi làm trước hết là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì ông Lý nói công chức Singapore đi làm đầu tiên là để có lương nuôi vợ, nuôi con… Hóa ra là điểm xuất phải ở 2 quốc gia là rất khác xa nhau.

Câu chuyện là như thế! Thực tế và sự thật hiển nhiên là như thế. Tôi đi làm để có tiền nuôi vợ nuôi còn, tôi đi làm là để khẳng định năng lực của mình và để được thăng tiến.

Đầu tiên khi ngồi vào bàn xem xét, chọn lựa và quyết định ông A hay B nào đó để giao việc, câu hỏi đầu tiên là cô cậu này có vấn đề gì không chứ không phải họ làm được gì không? Có nghĩa là điều kiện thứ nhất là không được sai. Muốn không sai thì phải làm theo quy trình, mà làm theo quy trình tức là chẳng làm được gì cả! Tốt nhất gặp khó khăn là trình lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, xong mà chẳng lo hậu họa.

Trong cái quy trình mù mờ của chúng ta thì anh cán bộ công chức còn phải xử lý câu hỏi làm thế nào lương thấp mà vẫn phải đủ sống, đủ nuôi vợ nuôi con? Nếu gặp vấn đề nằm ngoài quy trình và thực sự “vì dân vì nước”, anh ta sẽ bỏ công sức để tìm cách giải quyết cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ cảm ơn và đi về.

Nhưng lúc đó anh cán bộ công chức sẽ đưa ra nhiều lí do rằng việc này liên quan đến nhiều vấn đề khác, phải chờ xin ý kiến cấp trên đã! Lúc ấy doanh nghiệp phải “biết điều”.

Sự mù mờ của quy trình sẽ cho anh công chức kết quả thế này: Nếu anh làm theo hướng tốt, tích cực cho xã hội thì sẽ chẳng được gì cả. Cùng lắm là lời cảm ơn. Giả sử gặp sai còn bị lãnh “đạn” nữa. Ngược lại, làm theo kiểu nhũng  nhiễu thì sẽ được “cảm ơn” hậu hĩnh. Tất cả đều vui vẻ.

Tôi kể câu chuyện đó để thấy khuyến khích ngược là vậy! Tức là anh không làm hay sách nhiễu, gây hại cho cái chung thì lại được rất là nhiều. Còn anh làm tốt thì không được gì cả.

Thưa ông, xưa nay chúng ta vẫn có những cán bộ thực sự “vì dân vì nước”, hy sinh cho cái chung đấy chứ?

Chúng ta luôn có những người giống như ông Bí thư Kim Ngọc, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay bà Ba Thi…. Họ là những người khi gặp vướng mắc là tìm cách tháo gỡ.

Nhiều người làm “vì dân vì nước” bước ra từ chiến tranh. Trong tâm trí họ chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, tư duy chiến tranh vẫn đầy ắp. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đột phá tới đâu cũng làm, hiểm nguy cũng không sợ.

Con người thời chiến tranh vệ quốc và thời bình khác nhau lắm. Động lực của cá nhân hay của tập thể trong từng giai đoạn cũng khác nhau rất xa.

Giờ muốn đột phá, muốn làm thì phải tìm ra người chấp nhận làm vì cái chung đã. Nhưng nhiều khi cơ chế của chúng ta lại khó có thể  tạo ra những con người như vậy.

Quay trở lại chuyện chống ngập chống kẹt xe. Đây rõ ràng không phải là vấn đề kĩ thuật mà là ở con người, ở trách nhiệm của họ với công việc được giao. Nói chính xác là cách họ ứng xử khi thực thi công vụ trong vai trò cán bộ công chức.

Anh thử đi khắp thành phố xem có kiếm được mấy ông cán bộ nào lúc mưa xắn quần đi xem xét thực tế ngập lụt như thế nào không?

Khi mà thiếu vắng những cán bộ có trách nhiệm cao, làm tới cùng thì làm sao giải quyết được những chuyện ngập, chuyện tắc này.

Trong môi trường cán bộ công chức cứ đúng quy trình ngày vào ngồi 8 tiếng rồi cắp cặp về thì sao mà xử lý và giải quyết được kẹt xe, ngập lụt.

{keywords}
Chôn chân vì kẹt xe. Ảnh: newszing.

Chưa hết, nhiều khi cơ chế của chúng ta còn có chuyện ai làm tốt có khi còn bị phạt, bị thiệt nữa đấy. Doanh nghiệp cũng thế. Doanh nghiệp nào làm tốt, lợi nhuận nhiều thì đóng thuế è cổ. Còn những doanh nghiệp phá gia chi tử thì lại được cứu, được hổ trợ đủ thứ.

Thế đấy. Cả hệ thống vẫn đang vướng trong cái vòng kim cô lẩn quẩn, quy trình ngược, kìm hãm. Hậu quả vô cùng tai hại.

Vậy cho nên xử lý, giải quyết những nhiệm vụ nặng nề, phức tạp như ngập lụt, kẹt xe thì cần phải có những cán bộ công chức dám chấp nhận dấn thân, dám chấp nhận va chạm với các nhóm lợi ích, dám chấp nhận hy sinh để đi đến thành công. Nếu chưa tìm ra thì chưa giải quyết được đâu.

Theo ông, làm thế nào để thoát ra được cái vòng kim cô như ông vừa đề cập tới?

Tôi nghĩ, giờ phải sửa cái giả định trong xã hội chúng ta. Tức là, bản chất con người trước hết là vì mình! Ông nào trước khi quyết định làm việc gì cũng đặt câu hỏi, tôi được gì, mất gì. Lúc nào cũng vậy, trừ giai đoạn chiến tranh một mất một còn, chủ nghĩa anh hùng Cách mạng nổi lên, khác xa hoàn toàn với thời bình, phát triển kinh tế.

Thời bình mà giả định như thời chiến tranh là phi thực tế.

Thay đổi giả định này và có cơ chế phù hợp, thực tế hơn kèm theo trách nhiệm rõ ràng thì chúng ta mới thực sự tạo ra động lực để “đột phá” đi đến  thành công. Tức là quyền lợi và trách nhiệm tương ứng, xứng đáng.

Ngân sách chi tiêu so với GDP mấy chục năm qua cực kì lớn. Nhưng ở thành phố HCM, tôi ít thấy dự án nào tiêu tiền ngân sách mà ‘ra tấm ra món’. Đường Nguyễn Văn Linh được như vậy là nhờ đổi đất lấy hạ tầng, đường Võ Văn Kiệt long lanh thế là nhờ vốn ODA… Nói rộng ra, cả quốc gia cũng thế, chưa thấy có dự án nào bằng vốn ngân sách mà có sự đầu tư đến nơi đến chốn hết.

Suy ra sẽ thấy, hầu hết các dự án chống ngập, chống kẹt xe đều là dùng tiền từ vốn ngân sách. Qua 2 nhiệm kỳ “đột phá” kết quả ngày càng trầm trọng hơn là điều chúng ta phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm. Nếu không thẳng thắn, không nhìn vào sự thật này để thoát ra thì tôi sợ rằng, tình hình ngày càng tệ hơn, xấu hơn nữa.

Rất cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lan Hương