Cái sai bắt đầu từ việc gắn cho những người du học là “nhân tài”, rồi từ đó mới nảy sinh vấn đề trọng dụng nhân tài, biệt đãi “không có môi trường cống hiến”. 

Du học rồi về hay ở là đề tài cực cũ nhưng luôn gây tranh cãi. Tôi suy nghĩ thế này:

Học để làm gì? Có 1001 người thì sẽ có 1001 lý do đi học, trong đó có những lý do chung như để có kiến thức, để có nền tảng để sống, để có vị trí trong xã hội, để kiếm tiền. Trước đây có thể đúng, vì thông tin không có nên phải học để biết đọc biết viết, để có kỹ năng…. Giờ không cần phải thế, biết đọc biết viết chỉ cần 1 năm, thậm chí vài tháng. Sau đó bạn muốn trồng cây: dùng internet; muốn biết lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế: dùng internet, muốn giải bài toán ABCD…. cũng dùng internet. Tóm lại bạn quan tâm cái gì, có ngay kiến thức đó, không nhất thiết phải đến trường. Đến lúc nào đó bằng cấp cũng không thật quan trọng nữa, nếu bạn thỏa mãn nhu cầu công việc.

Với tôi đi học để gặp bạn bè, để xây dựng và thực hành kỹ năng xã hội còn quan trọng hơn học kiến thức. Học cao đến đâu, học kỹ thế nào tùy vào khả năng và đam mê cá nhân; nhưng quan trọng phải ĐỦ hiểu biết để cư xử đúng mực trong xã hội, tránh rước họa vào thân; ĐỦ hiểu biết pháp luật và nguyên tắc cộng đồng để không dính vào lao lý; ĐỦ để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng bản thân và gia đình, và ĐỦ đáp ứng công việc và nguyện vọng cá nhân.

Kiến thức là vô cùng, một tiến sĩ có thể giỏi tư duy sách vở, nguyên lý định lý, thuyết này thuyết khác; nhưng tiến sĩ có thể không biết nhiều chuyện đời thường, chuyện con người, ngóc ngách xã hội bằng một người lái taxi. Ở phương diện này, hiểu biết của tiến sĩ và người lái taxi là bình đẳng, không kiến thức hay thông tin nào đáng giá hơn cái nào. Việc học, do đó vô cùng mênh mông và đa dạng; học ở đâu cũng là học, và kiến thức nào cũng giúp con người hiểu biết và trưởng thành hơn.

{keywords}
Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài

Cá nhân tôi cực kỳ dị ứng với những câu chuyện cha mẹ bán nhà cửa ruộng nương cho con đi học, hay kiểu “cha sống trong cống nuôi con học đại học”… mà khả năng ôm bằng về thất nghiệp có thể xảy ra.

 Trong một xã hội ưa bằng cấp, người cha được ca ngợi hy sinh, người con là may mắn nghị lực. Tôi lại cho rằng đó là sự ích kỷ. Bạn không thể bằng mọi giá, thậm chí đày đọa cha mẹ, bán tài sản dưỡng già của họ vì tấm bằng của bạn. Đó chẳng phải may mắn hay nỗ lực gì cả, đó là sự ích kỷ.

Tôi thích mô hình nước ngoài: đủ 16 tuổi, thanh niên tự tìm việc làm,tự trang trải chi phí cá nhân, vừa trang bị kỹ năng xã hội, song song với việc học ở trường. Đó là cách ‘đi hai chân’ đến trưởng thành và thành công; vừa không làm khổ người khác, vừa không rơi vào tình huống ngơ ngác ôm tấm bằng mà chẳng hiểu biết hay có kỹ năng gì về cuộc sống thường nhật.

Quay lại chuyện du học xong về hay, đương nhiên đây là lựa chọn cá nhân. Nhưng cần phải dứt khoát phải thay đổi tư duy “nhân tài” với “hiền tài”, “nguyên khí”… không nên tư duy kiểu cứ học nhiều là nhân tài. Một tiến sĩ học ở nước ngoài về với một nghệ nhân làm bánh giỏi, chưa đi nước ngoài bao giờ đều đáng giá như nhau. Mỗi người có giá trị riêng.

Cái sai bắt đầu từ việc gắn cho những người du học là “nhân tài”, rồi từ đó mới nảy sinh vấn đề trọng dụng nhân tài, rồi biệt đãi, rồi về hay ở.

Nhiều người nói không về vì về thì “không có môi trường cống hiến”, nghe đã không ổn, không thực tế. Chính xác là họ cần môi trường để khẳng định giá trị bản thân, có vị thế trong xã hội, từ đó dẫn đến danh tiếng và lợi ích. Nếu diễn giải như thế, thì về hay ở, du học hay học trường đời đều hữu ích. Ai cũng sẽ có đất dụng võ theo sở trường và gặt hái giá trị tương đương.

Nếu giỏi thực sự thì ở đâu cũng có đất sống và vui sống được. Làm giảng viên đại học không được, thì bạn tạo dự án, thuyết phục nhà đầu tư, dạy học, tư vấn, làm dịch vụ… Đâu cứ phải cố sống cố chết để len vào một hệ thống nào, một cơ quan nào… rồi kêu ca bị bạc đãi.

Việc học, trên hết là để biết cách sống hạnh phúc và tạo cơ hội cho mình trong bất cứ hoàn cảnh và môi trường nào. Xã hội không cần "nhân tài", mà cần người hiểu biết.

Hoàng Đan