Sự lưỡng lự, tính toán về hay ở thường xuyên chỉ gặp ở du học sinh Việt Nam và Trung Quốc, những người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình và các định kiến xã hội.        

Về hay ở sau khi du học là chủ đề tranh luận xưa cũ (với người Việt) và không có một mẫu số chung cho tất cả du học sinh. Câu chuyện của mỗi cá nhân được lồng ghép vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện, và tất nhiên khi thành công, quyết định đó sẽ là đúng, và khi thất bại, quyết định đó chắc là một sai lầm. Những ví dụ trong bài này là của người viết đã học tập, làm việc hoán đổi trong khoảng 15 năm qua tại môi trường Mỹ, Việt Nam, và Canada.

Làm gì có chảy máu chất xám, chất xám đang thừa

Trước tiên phải đề cập đến việc được phép ở lại và thời gian bao lâu. Yêu cầu của các quốc gia du học hàng đầu như Mỹ, Anh, Úc, Canada là rất rõ ràng và chặt chẽ. Các du học sinh bằng học bổng Chính phủ, hay hợp tác chính phủ đều bị bắt buộc phải quay về quốc gia của mình (home residency) trong một khoảng thời gian yêu cầu, ví dụ như với Mỹ là 02 năm, trước khi có thể trở lại quốc gia đó theo một con đường nào đó, kể cả kết hôn.

{keywords}
Ảnh minh họa: thieunien.vn

Các du học sinh tự túc hay học bổng của các trường hay viện nghiên cứu được phép ở lại làm việc từ vài tháng tới nhiều nhất là 03 năm, nếu trong thời gian này không tìm được việc làm phù hợp hay không xin được thường trú, chắc chắn cũng phải về nước. Ngay cả từ hơn 10 năm trước, khi các quy định này chưa có, chính phủ Mỹ cũng không khuyến khích du học sinh đến từ các nước đang phát triển ở lại Mỹ.

Ví dụ như Việt Nam, Population Council đã đưa hơn 100 du học sinh Việt Nam sang học thạc sỹ tại Mỹ bằng học bổng của Buffet Foundation, và đưa hầu hết trong số họ trở về. Đó là một thành công.

Đối với học sinh đến từ các nước tương đối phát triển, vấn đề về hay ở lại nước sở tại sau khi học không có gì là nghiêm trọng. Nó xảy ra tự nhiên như họ muốn, như một thử nghiệm họ thấy phù hợp, như một cơ hội họ thấy thích thú và khám phá. Đối với du học sinh từ một số quốc gia Đông Âu, hay châu Phi, việc cố gắng ở lại bằng mọi giá, bao gồm cả kết hôn (thật hay giả) là việc không cần bàn cãi.

Sự lưỡng lự, tính toán về hay ở thường xuyên chỉ gặp ở du học sinh Việt Nam và Trung Quốc, những người chịu ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình và các định kiến xã hội.

Đã quá xa rồi cái thời có thể xin được thẻ “thường trú nhân” (PR) tương đối thuận lợi. Tất cả các quốc gia đứng đầu về du học như Mỹ, Anh, Úc, Canada đều đã xiết chặt mọi tiêu chuẩn, cho dù họ đến từ quốc gia nào, và năng lực đã được xác nhận tài giỏi đến mức nào. Đơn giản là vì mọi nhu cầu nhân lực và chất xám đã bão hòa, tỷ lệ thất nghiệp cao, và quy trình duyệt thì lặp lại nhàm chán theo kiểu con gà- quả trứng, rất giống với xét duyệt theo kiểu việc làm- hộ khẩu của Việt Nam.

Chất xám tự tìm đến…

Đối với Mỹ, trước khi có được “thường trú nhân”, phải có visa làm việc H1-B hoặc O1 (đặc biệt xuất sắc), trong khi đó mỗi năm chỉ có khoảng 65,000 visa được cấp trong tổng số đơn… gấp hàng chục lần.

Canada có vẻ dễ chịu hơn đôi chút vì có thể nộp đơn “thường trú nhân” trực tiếp, nhưng cơ hội cũng rất mong manh trong con số khoảng 10,000 lao động có kỹ năng mỗi năm được lựa chọn trong một chương trình gia nhập nhanh (Express Entry Pool). Chương trình này xét tất cả các yếu tố về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, ngôn ngữ, kết quả học tập và khả năng hòa nhập.

Chỉ có những người có số điểm cao nhất, cùng với những người đã có đề nghị việc làm có hiệu lực, và những người được tiến cử bởi các tỉnh, các bang mới nhận được thư mời nộp hồ sơ xin “thường trú nhân”. Các ứng viên đều xuất sắc, và đối với châu Á, lợi thế thuộc về ứng viên Trung Quốc và Ấn Độ, vốn thừa năng lực ngôn ngữ hay lòng kiên nhẫn.

Nói chảy máu chất xám là quá to tát, chất xám tự tìm đến và mong được sử dụng đó thôi.

Thống kê trong khảo sát gần đây của Mỹ cho thấy khoảng 40-45% du học sinh Trung Quốc muốn về nước sau khi học. Thực chất không hẳn như vậy. Trong câu chuyện của hơn 10 trước với Yan Zhong, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học North Carolina, đến từ Hồ Nam, cô cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu thế hệ du học tại các nước tư bản tiên tiến từ những năm 80 của thế kỷ 20.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “mắt nhắm mắt mở” với du học sinh và không khuyến khích họ quay trở về. Luật định ngầm tồn tại là trở về ngay sau khi học, đối với gia đình và chính phủ, đều là sự thất bại đối với các chú “rùa biển” này. Chính vì thế, họ ở lại bằng mọi giá, mọi con đường, cho dù kéo dài lê thê những năm tháng làm post-doc (sau tiến sĩ), hay chấp nhận những công việc dưới năng lực và bằng cấp như kỹ thuật viên phòng xét nghiệm.

Những câu chuyện học sinh Việt Nam tốt nghiệp từ chối vị trí hấp dẫn với mức lương vài ngàn đô để trở về nước cống hiến nhìn chung chỉ là những câu chuyện tạo cảm hứng, có rất ít phần trăm là sự thật, hoặc đằng sau nó lại ẩn chứa một sự thật khác. Trong khi đó, câu chuyện cụ thể của các du học sinh quán quân đường lên đỉnh Olympia, lại có thể nhìn thấy tích cực trên góc độ khoa học, và cuộc sống riêng của họ. Họ đã nỗ lực phấn đấu để có được học bổng, họ đã trụ vững khi làm việc tại nước ngoài, và họ có quyền quyết định cho tương lai của họ.

Còn tiếp

Nguyễn Công Nghĩa, Tiến sĩ, Bác sĩ (Đại học Waterloo, Ontario, Canada)