Đặt Phú Lâm trong tổng thể chiến lược Chống xâm nhập/ chống tiếp cận (A2/AD) tại Biển Đông còn làm nổi bật hơn ý đồ “ngăn chặn” của Trung Quốc.  

Cán cân quân sự tại Biển Đông đang thay đổi nhanh chóng do quá trình quân sự hoá được đẩy mạnh của Trung Quốc. Điều này có tác động không nhỏ tới chính sách xoay trục của Mỹ cũng như vai trò của Mỹ như một cường quốc hàng đầu khu vực. Nếu không có những bước đi mạnh mẽ hơn, vai trò an ninh của Mỹ sẽ suy giảm và Trung Quốc sẽ có khả năng làm chủ hoàn toàn vùng nước bên trong chuỗi đảo thứ nhất.  

Vai trò quan trọng của Phú Lâm và Hoàng Sa

Phú Lâm nói riêng và Hoàng Sa nói chung đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang theo đuổi. Mục tiêu chính của A2/AD là hạn chế khả năng tiếp cận, khả năng triển khai cũng như khả năng phối hợp của quân đội Mỹ và đồng minh tại khu vực tây Thái Bình Dương.  

Án ngữ cửa ngõ phía Bắc Biển Đông, Hoàng Sa là vị trí có thể bị hải quân Trung Quốc lợi dụng để triển khai lực lượng từ Hải Nam tới các đảo tại Trường Sa mà không bị ngắt quãng, giảm thiểu những hạn chế trong tiếp tế, tiếp liệu. Thêm vào đó, các đảo tại Hoàng Sa sẽ là những căn cứ quan trọng cho các hoạt động thu thập tình báo, theo dõi và giám sát toàn bộ hoạt động của các tàu dân sự cũng như quân sự của các quốc gia khác.  

Nói rộng hơn, TQ lợi dụng các lợi thế của Phú Lâm và Hoàng Sa sẽ làm gia tăng đáng kể độ rủi ro mà hải quân Mỹ phải chứng chịu khi hoạt động ở Biển Đông. Khi có xung đột, không chỉ không thể tiếp cận chiến trường, mà hải quân Mỹ còn khó có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho các nước đồng minh.  

Việc triển khai HQ-9 đã cho thấy rõ điều đó. HQ-9 cùng các máy bay từng được Trung Quốc đưa tới Phú Lâm như J-11 hay JH-7, vốn có thể mang các loại tên lửa hạm và tên lửa không đối không, tạo ra một chiếc ô A2/AD vững chắc có bán kính có thể lên tới 300 hải lý (bao phủ hoàn toàn vùng biển xung quanh Hoàng Sa của Việt Nam). Các tàu sân bay của Mỹ sẽ bị chặn đứng trước khi có thể tiếp cận được phía bên trong chuỗi đảo thứ nhất, tức là ngay tại eo biển Luzon. 

Đặt Phú Lâm trong tổng thể chiến lược A2/AD tại Biển Đông còn làm nổi bật hơn ý đồ “ngăn chặn” của Trung Quốc. Các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh gần như đã cải tạo xong mở rộng hẳn tầm tác chiến của máy bay và tàu chiến Trung Quốc, đặc biệt là tàu sân bay Liêu Ninh. Đài ra-đa tần số cao đặt tại Châu Viên được một số nhà phân tích cho rằng có thể phát hiện được các máy bay tối tân nhất của Mỹ hiện nay là F-22, F-35 hay thậm chí là B-2. Tất cả đều nhằm mục đích kiểm soát trên thực tế, và sẵn sàng sử dụng sức mạnh trên toàn bộ Biển Đông, kéo dài từ Hải Nam xuống Châu Viên. 

{keywords}

Ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

Ảnh hưởng tới “xoay trục” của Mỹ

Quá trình quân sự hoá liên tục của Bắc Kinh trong thời gian vừa qua đã giúp nước này nhận biết được cách đối phó của Mỹ.  

Thứ nhất, Mỹ tăng cường phản đối về mặt chính trị và ngoại giao đối với các hành vi gây hấn của Bắc Kinh.  

Thứ hai, Mỹ xoay trục hướng tới xây dựng một “vành đai ngăn chặn” xung quanh chuỗi đảo thứ nhất nhằm hạn chế năng lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc. Washington muốn gia tăng năng lực của các đồng minh và bạn bè truyền thống như Nhật Bản, Philippines... 

Đối với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã thành công trong việc diễn giải lại Hiến pháp, cho phép quân đội Nhật có thể được triển khai tác chiến tại nước ngoài dưới danh nghĩa phòng vệ tập thể.  

Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III đã trở nên cứng rắn hơn rất nhiều với Trung Quốc. Manila tích cực tìm kiếm mua sắm vũ khí để nâng cấp lực lượng vũ trang vốn lỗi thời. Gần đây, nước này đã thông qua hiệp ước an ninh mới cho phép Mỹ hiện diện quân sự lâu dài hơn tại các căn cứ trên khắp Philippines. Tiêu biểu nhất cho nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Philippines chính là vụ kiện nhắm vào Trung Quốc tại Toà trọng tài quốc tế. 

Tuy vậy, những rào cản không hề ít 

Sự suy giảm quyền lực tương đối của Mỹ, cùng với những diễn biến chính trị và chiến lược xoay chuyển không ngừng đã làm chậm lại quá trình xoay trục. Cả nước Mỹ đang tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống trong năm 2016.  

Trong năm 2016, Philippines cũng chuẩn bị cho bầu cử. Về mặt ngoại giao cũng như trên thực địa, chính quyền Philipines hiện tại sẽ không thể thay đổi các chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, có phân tích chỉ ra một số ứng cử viên Tổng thống Philippines thể hiện giọng điệu thỏa hiệp và mong muốn khôi phục quan hệ song phương với Bắc Kinh như trước. 

Còn tại Nhật Bản, việc triển khai một cách hiệu quả các chính sách mới về quốc phòng và an ninh vẫn vấp phải nhiều phản đối trong nước.  

Một khối ASEAN không thể thống nhất trong các vấn đề có liên quan tới tranh chấp Biển Đông cũng là trở lực đáng kể.  

Nguy cơ rủi ro là khá lớn khi HQ-9 đã được triển khai với năng lực phòng thủ mạnh. Dưới biển là các tàu hải cảnh, trên trời thì e dè HQ-9, hải quân Mỹ đang phải đối mặt với cán cân lực lượng ngày càng khó khăn và thử thách tại Biển Đông. 

Đẩy nhanh việc thành lập một lực lượng tuần tra chung một cách bài bản có thể là một lựa chọn hợp lý trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, thành phần của lực lượng này ra sao; nước nào lãnh đạo; tuyến đường tuần tra chung, các cơ sở pháp lý của lực lượng này… là những vấn đề còn cần phải làm rõ.  

Có thể thấy các nước, mà đứng đầu là ASEAN và Mỹ, cần phải đẩy nhanh việc thảo luận công khai vấn đề này trước khi Toà Trọng tài đưa ra các phán quyết có liên quan tới vụ kiện của Philippines. Nếu không, Trung Quốc sẽ xem các tín hiệu phản ứng ở hiện tại của cả Mỹ và các nước khác là “yếu ớt” như từ trước tới nay. Cho đến hiện tại, Bắc Kinh không cần phải tốn quá nhiều sức lực để có thể kiểm soát trên thực tế những khu vực mà nước này xem là “nút thắt chiến lược” trên Biển Đông. 

Một số nước ASEAN từng đề xuất mong muốn tiến hành các hoạt động tuần tra chung. Sau đó, Mỹ đã nhiều lần đưa máy bay và tàu chiến tuần tra xung quanh các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Đây là những tiền đề quan trọng để biến khả năng tuần tra chung từ ý tưởng thành thực tế. 

Bên cạnh Mỹ và ASEAN, các cường quốc khu vực cũng có những động thái ủng hộ tuần tra chung. Một bản hướng dẫn trả lời báo chí của chính phủ Úc đã cho thấy Canberra hoàn toàn ủng hộ các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực, cũng như sẵn sàng tiếp tục thực hiện các hoạt động tương tự ở Biển Đông. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã xem xét đề xuất mong muốn cùng tuần tra chung với Mỹ tại Biển Đông, cả trên không lẫn trên biển.

(Còn tiếp) 

Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.

*Quan điểm trong bài phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả.