Người quản lý nếu thấy đúng thì phải dám dấn tới, với lộ trình được xây dựng kỹ càng. Cũng không được ngại mất lòng, không được ngại mất phiếu, không được ngại mất ghế.

LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Mai Liêm Trực được coi là người tiên phong trong việc đưa mạng Internet vào Việt Nam, cũng là người đã quyết tâm xóa bỏ độc quyền, mở cửa ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ cách đây gần 20 năm. Bao năm qua, câu hỏi khiến ông suy tư nhiều nhất vẫn là tại sao BCVT làm được, mà các ngành độc quyền khác không làm được?

Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu câu chuyện của ông, trong  chuyên đề "Làm thế nào để phá  vỡ thế độc quyền, mở rộng đường cho kinh tế phát triển".

Xóa độc quyền, việc không thể khác

Có nhiều người, đặc biệt đứng đầu các bộ, ngành độc quyền luôn miệng nói rằng thị trường viễn thông, xăng dầu, điện lực… là những lĩnh vực nhạy cảm, nên cần có thời gian để xóa bỏ độc quyền.

Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa 20 năm nay rồi mà mọi việc vẫn bộn bề. Và nếu nói là nhạy cảm, thì còn gì nhạy cảm hơn thị trường gạo? Nhưng sự thật thị trường gạo đã tự vận hành rất tốt đó thôi. Thế mà chúng ta thì lại mất quá mất thời gian với việc thảo luận tào lao. Trong khi việc đáng làm thì không làm. 

Mỗi ngành độc quyền tự nhiên có một đặc thù riêng, Ngành BCVT có đặc thù về an ninh thông tin. Ngành điện lực có đặc thù về cơ sở vật chất rất nặng, vốn đầu tư rất lớn… Nên quá trình mở cửa thị trường không nhất thiết phải giống nhau, không nhất thiết phải cùng một lộ trình cùng một thời điểm.

Nhưng tôi cho rằng tất cả đều phải giống nhau ở một điểm: Xóa bỏ độc quyền là việc không thể khác, không thể tránh khỏi, và càng làm sớm càng tốt, càng để lâu càng có hại, với mọi lĩnh vực, dù là nhạy cảm như BCVT, điện lực hay xăng dầu.

Việc xóa bỏ độc quyền càng để lâu, càng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích xuất hiện. Việc xóa bỏ độc quyền thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí dứt khoát của Nhà nước, vào quyết tâm đến cùng của người đứng đầu.

Minh bạch, không mưu cầu lợi ích cá nhân

Tôi nhớ sau khi chúng ta ký thành công Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, bàn chuyện tiếp tục quá trình đàm phán WTO, trong cuộc họp  Chính phủ do PTT Vũ Khoan chủ trì, có người nói ra khó khăn này nọ, tôi đã nói: Lãnh đạo có coi đây là một quyết tâm chính trị chiến lược không? Nếu có thì bàn, còn nếu không thì thôi.

Nếu quyết tâm thì phải gạt hết khó khăn đi, còn nếu đưa ra thảo luận để hy vọng thỏa mãn hết mọi người thì không bao giờ làm được. Có những cái có thể bàn. Nhưng có những cái phải quyết, ngay cả khi có tới 30-40% phản đối. Cứ nói khó thì bao giờ mới làm được. Nếu cứ ngồi hù dọa nhau, lo sợ đổi mới, cản trở đổi mới thì đất nước không thể phát triển được. Mà tôi buồn vì bây giờ chúng ta vẫn giữ kiểu suy nghĩ đó.

Nhưng tôi cho không có khó khăn nào mà không thể giải quyết được, không có khó khăn nào có thể cản trở được xu thế và yêu cầu chính đáng của nền kinh tế trừ chính việc những nhà lãnh đạo các tập đoàn, các DNNN đang tìm mọi cách trì hoãn nó lại.

Việt Nam trước đây theo mô hình XHCN Xô viết, phủ định kinh tế thị trường, kế hoạch hóa tập trung. Khi đất nước đi đến khủng hoảng, chúng ta đã nhận ra mô hình đó không được, phải đưa kinh tế thị trường vào.

Nhưng để tránh cú sốc cho xã hội, chúng ta mới xây dựng kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, sau này có thêm “theo định hướng XHCN”. Thật ra nền kinh tế nào chẳng có sự quản lý của Nhà nước. Nên cách nói trên có tác dụng làm yên lòng xã hội, để họ không nghĩ rằng Nhà nước hoàn toàn buông tay, thả nổi nền kinh tế. Nhưng không may, có những người lại bám vào cái đuôi đó, cho đó là cái cớ để không mở cửa khi tìm mọi cách siết chặt sự tự do cho kinh tế thị trường phát triển.

{keywords}
Ảnh: ndh.vn

Bây giờ nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, tôi cho đó vẫn lại là cái cớ cho một số người bám vào. Lúc đầu chúng ta nói DN nhà nước là chủ đạo. Về sau DNNN thua lỗ quá nhiều, chúng ta lại dùng từ kinh tế nhà nước. Nhưng bản chất vẫn là DNNN làm kinh tế. Bản chất vẫn là những người đứng đầu DNNN tìm cách trì hoãn quá trình cổ phần hóa bằng mọi cách như đã diễn ra trong suốt 20 năm qua.

Vì thế cần lắm những người đứng đầu dám hi sinh lợi ích của DN, hi sinh lợi ích của một nhóm người để nghĩ đến lợi ích của nhân dân, đất nước. Tôi từng rất tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Nhà nước không dọa DN, nhưng các  DN đừng dọa Nhà nước. Phải vì lợi ích của 80 triệu dân chứ không phải lợi ích của mấy DN”. Chỉ tiếc là sau câu nói đó, tôi chưa thấy những sự hành động cần thiết.

Khi tiến hành xóa bỏ độc quyền viễn thông, có lãnh đạo cấp trên chỉ trích rất gay gắt. Tôi biết ở cương vị đó, nếu không làm, có thể yên thân mình. Nếu không làm tôi biết mình sẽ tránh được không ít khó chịu. Nhưng không dám làm, nghĩa là có lỗi với đất nước.

Người quản lý nếu thấy đúng thì phải dám dấn tới, với lộ trình được xây dựng kỹ càng. Cũng không được ngại mất lòng, không được ngại mất phiếu, không được ngại mất ghế. Quan trọng là những việc này là vị lợi ích của dân, không phải là lợi ích nhóm, lợi ích riêng tư nào cả. Quan trọng là những người đứng đầu ngành phải rõ ràng, minh bạch, không mưu cầu lợi ích cá nhân trong đó.

(Còn nữa)

Tô Lan Hương ghi