Mục đích cuối cùng của trách nhiệm giải trình là tạo sức ép lên cán bộ lãnh đạo và công chức, từ đó tăng cường hiệu lực pháp luật và hiệu quả thực thi chính sách. 

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, nhân dân cả nước rất quan tâm đến các phiên chất vấn tại Quốc hội đối với lãnh đạo một số bộ ngành và chính phủ. Đây là một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rất lớn và thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp gần đây.  

Tuy nhiên, bản thân các phiên chất vấn không phải là mục tiêu cuối cùng, mà sự thay đổi về chính sách và thực thi chính sách trong thực tế theo hướng tích cực hơn mới là mục tiêu chính của các phiên chất vấn. Liên quan đến vấn đề này, bài viết xin làm rõ một khía cạnh liên quan đến nội hàm của hai khái niệm “trách nhiệm” và “trách nhiệm giải trình” trong việc tăng cường hiệu quả của thực thi chính sách ở nước ta. 

{keywords}

Nhân dân cả nước rất quan tâm đến các phiên chất vấn tại Quốc hội. Trong ảnh: ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh trong một phiên chất vấn bộ trưởng. Ảnh: Minh Thăng

Chính sách hay chưa đủ 

Trong hơn một thập kỷ qua, hệ thống chính sách của Việt Nam đã được thổi một luồng gió mới do sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào các thể thế kinh tế quốc tế như WTO, AFTA, hay sắp tới đây có thể là Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với tư duy cầu thị và tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước, cùng sự trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như WB, UN, USAID, AUSAID… dường như hệ thống chính sách trong hầu hết các lĩnh vực của Việt Nam đã không còn quá nhiều sự khác biệt và chênh lệch với các nước, kể cả các nước tiên tiến trên thế giới.  

Tuy vậy, như trong một bài phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhận định: vấn đề then chốt trong quản lý nhà nước hiện nay của Việt Nam nằm ở khả năng thực thi chính sách một cách hiệu quả. Xây dựng chính sách đúng, hay mới chỉ là điều kiện cần; điều kiện đủ là việc thực thi hiệu quả các chính sách đó.  

Liên quan đến thực thi chính sách, một điểm mấu chốt là tăng cường “trách nhiệm giải trình hay chịu trách nhiệm” (tạm dịch từ tiếng Anh thuật ngữ “accountability”) hay hẹp hơn là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thực thi chính sách. Các quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thi hành nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Công chức và Luật Giám sát của Quốc hội. Nhưng chính ở đây, một lần nữa thực thi luật hiệu quả mới là mấu chốt.  

Trách nhiệm và trách nhiệm giải trình 

Hai khái niệm này trong tiếng Anh được phân biệt khá rõ ràng, trong khi tiếng Việt thì không rõ lắm. Trách nhiệm (responsibility) được hiểu là chức năng, nghĩa vụ của một cá nhân, hay tổ chức được giao phó. Trách nhiệm nhằm định hướng hành vi, hoạt động của một đối tượng căn cứ vào các quy định trong luật pháp hay chuẩn mực đạo đức xã hội. Ví dụ như các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giữ gìn tài sản của nhà nước do mình quản lý; hay cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng con cái. 

Còn khái niệm trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước (accountability) xác định đối tượng mà cá nhân cán bộ công chức hay cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm báo cáo, giải trình và chịu trách nhiệm. Ví dụ như Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các bộ trưởng thì bộ trưởng phải có trách nhiệm giải trình với các đại biểu Quốc hội. Còn các đại biểu Quốc hội lại phải có trách nhiệm giải trình đối với những người dân đã lựa chọn và bầu mình vào Quốc hội. 

Trách nhiệm giải trình nhấn mạnh đến sự chịu trách nhiệm của một cá nhân nào đó khi không hoàn thành trách nhiệm được giao. Nó thường được biểu hiện qua việc cá nhân chịu nhận lỗi, bị kỷ luật, từ chức, phạt tiền, hay kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự trước những sai sót của mình hay cơ quan tổ chức do mình quản lý, lãnh đạo. Ví dụ, khi một doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hay thất thoát tài sản, thì lãnh đạo công ty hay cơ quan chủ quản phải giải trình và chịu trách nhiệm cụ thể về những hậu quả này.  

Trách nhiệm thì có thể được chia sẻ, tức là nhiều cá nhân, tổ chức có thể cùng có trách nhiệm phối hợp hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể. Nhưng trách nhiệm giải trình thì không có thuộc tính chia sẻ, mà cần phải định danh rõ ai là người phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đã hoặc có thể xảy ra trong thực thi quản lý nhà nước.  

Vì vậy, trong thực tế có thể nói “chia sẻ trách nhiệm”, nhưng không có khái niệm “chia sẻ trách nhiệm giải trình”. Việc phân định rõ hai khái niệm này có vai trò quan trọng trong xây dựng một nhà nước pháp quyền, có kỷ cương. 

“Chịu” chứ không chỉ “nhận” trách nhiệm 

Như đã nói ở trên, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thông qua hoạt động chất vấn các thành viên chính phủ, nhưng lại cần tăng khả năng thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Việc nhận trách nhiệm chung về các vụ việc gây hậu quả xấu đã trở nên phổ biến, tuy nhiên, nếu điều này không đi kèm với chịu trách nhiệm hay trách nhiệm giải trình thì nó không còn có tác dụng cụ thể và thiết thực nữa.  

Một ví dụ liên quan đến trách nhiệm giải trình là tại Hàn Quốc, khi một số vụ việc lớn xảy ra, một số lãnh đạo cấp cao dù không liên quan trực tiếp, vẫn từ chức. Ở đây, việc từ chức là một hành động thể hiện sự chịu trách nhiệm đối với việc thiếu sát sao với các cán bộ và cơ quan cấp dưới. 

Đòi hỏi xây dựng nhà nước pháp quyền đã được nhấn mạnh trong nhiều năm qua sẽ khó thực hiện được nếu hệ thống luật pháp và văn hóa chính trị của Việt Nam không nhấn mạnh đến khía cạnh giám sát thực thi pháp luật. Mà giám sát thực thi chỉ thực sự có hiệu quả khi hệ thống pháp luật và chính trị có thể xác định rõ trách nhiệm giải trình của các cá nhân trong các sự việc cụ thể thay vì tập thể nhận lỗi.  

Sẽ khó có được lòng tin của người dân khi lãnh đạo chỉ đơn giản đứng ra nhận trách nhiệm nhưng không phải chịu một hình thức khiển trách hay kỷ luật cụ thể nào. Bởi nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Mục đích cuối cùng của trách nhiệm giải trình là tạo sức ép lên cán bộ lãnh đạo và công chức, từ đó tăng cường hiệu lực pháp luật và hiệu quả thực thi chính sách. 

T.S. Đặng Văn Huấn (ĐH Portland State, Hoa Kỳ)