“Để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển thì ý đồ độc chiếm Biển Đông càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và việc làm này của TQ đặt ra thách thức nhiều mặt với cộng đồng quốc tế”,TS Hoàng Anh Tuấn nhận định.

Mời quý vị xem phần cuối tọa đàm tổng kết năm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ công an và TS. Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao dưới đây.

Kỳ 1: 2014 bất ổn và khó đoán định nhất

Kỳ 2: Vũ khí dầu lửa của Putin bị vô hiệu hóa

Bài toán đối ngoại khó khăn

Nhà báo Thu Hà: Với tham vọng cao và những bước tiến bành trướng ra Biển Đông, TQ đang đặt ra cho Việt Nam cũng như cộng đồng thế giới những thách thức nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Như phần trước đã phân tích, ta có thể thấy quyết tâm của TQ trong việc tìm cách khống chế Biển Đông, độc chiếm biển Đông.

Tại ĐH 18 của ĐCS vừa rồi, TQ đặt quyết tâm trở thành một cường quốc biển. Rõ ràng, để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển thì ý đồ độc chiếm Biển Đông càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và việc làm này của TQ đặt ra thách thức nhiều mặt với cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất, đó là việc TQ đang tìm cách thay đổi nguyên trạng để từ đó thay đổi tính chất các yêu sách, các đòi hỏi trong tranh chấp chủ quyền của mình trong khu vực này.

Thứ hai, việc làm của TQ đe dọa cả an ninh – an toàn hàng hải. An ninh – an toàn hàng hải đi qua khu vực này là vô cùng quan trọng. 40%  khối lượng thương mại thế giới phụ thuộc vào an ninh – an toàn của con đường hàng hải trọng yếu này. Nếu thương mại quốc tế đi qua khu vực này bị ảnh hưởng thì rõ ràng là nó tác động đến thịnh vượng và an ninh toàn cầu. 

Thứ ba, đó là thách thức với luật pháp quốc tế. Hành động của TQ thách thức các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 về quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở; đó là sự vi phạm điều 5 Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển đông về việc giữ nguyên trạng. 

Rõ ràng, nếu TQ hiện thực hóa được các yêu sách chủ quyền của mình thì nó sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đến an ninh của chúng ta, đến việc phát triển kinh tế biển, đến tương lai, cũng như vị thế của VN ở khu vực và thế giới. 

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở Việt Nam, những hành động bành trướng đó tác động đến ta trên hai phương diện. 

Đầu tiên là ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tác động đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tài phán của VN trên Biển Đông. Thêm vào đó, điều này còn tác động đến cả đối ngoại của VN, là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Thách thức đặt ra rất lớn và bài toán đối ngoại mà Việt Nam phải xử lý là hết sức khó khăn. 

Nhà báo Thu Hà: ASEAN sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực?

TS. Hoàng Anh Tuấn: ASEAN đang trên con đường hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh - chính trị và Cộng đồng văn hóa - xã hội vào ngày 31/12/2015. 

Khi sống trong cùng một cộng đồng, coi nhau như thành viên của một đại gia đình lớn thì ASEAN phải coi thách thức an ninh đặt ra với mỗi quốc gia thành viên như thách thức với chính mình và với cả khối.

{keywords}
TS. Hoàng Anh Tuấn
Việc TQ tạo ra các thách thức an ninh với VN thì không nên coi là vấn đề song phương trong quan hệ Việt-Trung, hay chỉ ảnh hưởng đến an ninh của VN mà ASEAN phải coi việc này ảnh hưởng và thách thức trực tiếp đến cả cộng đồng ASEAN, ảnh hưởng đến vị thế ASEAN. 

ASEAN sẽ bị đặt nghi vấn về cam kết với an ninh khu vực, về vai trò trung tâm và về cam kết với an ninh của các nước thành viên nếu như ASEAN không đề cập thỏa đáng đến thách thức an ninh lớn nhất khu vực, là tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. 

Vai trò tích cực này của ASEAN thể hiện rất rõ qua các Hội nghị lớn của ASEAN trong năm 2014, từ Hội nghị ngoại trưởng ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN… trong đó vấn đề Biển Đông được nêu đậm nét.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vai trò, vị trí của ASEAN bắt đầu từ yếu tố địa - chính trị, địa - chiến lược của ASEAN, đó là nằm chắn cửa ngõ, lối ra châu Á – Thái Bình Dương của TQ. ASEAN còn được xem là trung gian kết nối giữa các trung tâm quyền lực, giữa các khu vực trọng yếu ở châu Á - Thái bình dương. 

Do sự nghi kỵ chiến lược, nên chắc chắn Nhật Bản và Mỹ không bao giờ muốn TQ đóng vai trò trung gian xử lý các vấn đề khu vực. Các ông lớn khác như Nga và Ấn Độ cũng vậy. Điểm chung của họ là cho rằng, cách tốt nhất là “giao” cho một anh yếu hơn nằm ở giữa, có khả năng đóng vai trò trung tâm, kết nối các trung tâm quyền lực trong và ngoài khu vực, nơi các cường quốc khó đối thoại được với nhau. 

Vai trò cầu nối của ASEAN là ở chỗ đó. Khả năng kết nối giữa các trung tâm quyền lực như Nhật, TQ, Mỹ, Nga và Ấn Độ của ASEAN trong thời gian qua đã chứng minh điều này. Không ai khác, chính ASEAN là phù hợp nhất để điều phối, tổ chức bàn cờ an ninh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 

ASEAN sẽ thực hiện được mục tiêu nếu có sự đồng lòng và quyết tâm cao. Từ nay đến hết năm tới, ASEAN cần hoàn chỉnh các thành tố cơ bản nhất của 3 trụ cột này. Nếu không làm cho các cộng đồng này hoàn chỉnh thì ASEAN sẽ đánh mất vai trò kết nối, đánh mất uy tín. 
Cho dù nội bộ ASEAN còn nhiều vấn đề và bị giằng xé bởi các cường quốc bên ngoài, nhưng để tồn tại và phát huy vai trò của mình thì ASEAN chỉ có con đường duy nhất là đoàn kết.

Chỉ có đoàn kết thì ASEAN mới thể hiện vai trò của mình ở khu vực và trên thế giới, nếu để chia rẽ thì ASEAN sẽ “chết”. 

Tôi tin ASEAN đang đi đúng hướng.

Ngoại giao góp phần xây dựng hình ảnh VN

Nhà báo Thu Hà: Tọa đàm này sẽ thiếu sót nếu không nhìn nhận lại câu chuyện của chính chúng ta. Thưa TS. Hoàng Anh Tuấn, ông đánh giá thế nào về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm qua?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Như đã nói ở các phần trước, bức tranh thế giới, khu vực năm qua tương đối ảm đạm. Đặt hoạt động đối ngoại của ta trong khung cảnh chung hết sức phức tạp và khó khăn thì mới cảm nhận hết được nỗ lực và thành công của công tác đối ngoại, của ngành ngoại giao Việt Nam.

Có sự phối hợp, hợp đồng tác chiến giữa hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao quốc phòng, ngoại giao nhân dân và ngoại giao kênh học giả tạo ra một thế trận mới, với các kết quả: 

Thứ nhất, dù thách thức và khó khăn lớn chưa từng thấy nhưng ta vẫn giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở bên ngoài. Đây là điều kiện quan trọng tạo thuận lợi để chúng ta tập trung phát triển kinh tế, nâng cao nội lực. Đây là thành tựu lớn nhất của  ngoại giao.

Thứ hai, kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên các mặt trận và giữ vững được an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong quá trình đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, chúng ta luôn kiên trì đề cao đường lối đối ngoại hòa bình, nêu cao chính nghĩa trong việc tập hợp lực lượng ở khu vực và trên thế giới đứng về phía chúng ta, trong khi đấu tranh kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, giải tỏa sức ép từ đối phương.

Thứ ba, kết hợp tốt các mặt ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, với công tác về người VN ở nước ngoài và bảo vệ tốt lợi ích các mặt của VN ở bên ngoài. 

Lấy ngoại giao kinh tế làm ví dụ, nhờ thúc đẩy và làm tốt công tác này nên trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới không mấy sáng sủa, chúng ta vẫn tăng thu hút đầu tư từ bên ngoài, mở rộng xuất khẩu cả về thị trường, lẫn về kim ngạch. Chính vì vậy, ngoại giao kinh tế đã góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong nước, năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta cao hơn 2013. Điều này giúp tạo đà để ta có các bước phát triển kinh tế cao và vững chắc hơn.

Thứ tư, với hàng loạt chuyến đi và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao với lãnh đạo các nước và lãnh đạo các nước đến thăm VN, ngoại giao VN đã góp phần tăng cường quan hệ của VN với các nước láng giềng; với các nước ASEAN; làm sâu sắc cũng như tạo kết nối về lợi ích giữa chúng ta với các nước đối tác quan trọng, đặc biệt là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; trong khi vẫn duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước khác. 

Thứ năm, nét nổi bật trong năm qua là hoạt động ngoại giao đa phương được định hình rõ nét và hoạt động có bài bản hơn.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Việc tích cực, chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn, hội nghị quan trọng như các hội nghị ASEAN, Cấp cao Á - Âu, APEC, LHQ… không chỉ góp phần bảo vệ tốt hơn các lợi ích của VN mà còn là nơi nêu cao chính nghĩa, tranh thủ ủng hộ của bạn bè quốc tế trong các vấn đề chúng ta quan tâm và có lợi ích. 

Hoạt động ngoại giao đa phương tác động trở lại, làm sâu sắc hơn các quan hệ song phương của ta với các đối tác quan trọng, góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của VN tại các khu vực, cũng như trên thế giới. 

Nhìn tổng thể, hoạt động ngoại giao năm qua không chỉ giúp chúng ta bảo vệ tốt hơn các lợi ích của mình, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh của VN là quốc gia yêu chuộng hòa bình, tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới.

Nhà báo Thu Hà: Từ góc độ chuyên môn của mình, thiếu tướng Lê Văn Cương có nhìn nhận như thế nào về hoạt động ngoại giao của ta trong năm 2014?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: So với những năm trước, tầm điều hành trên phạm vi quốc gia về lãnh đạo và quản lý công tác đối ngoại có bước tiến nổi bật.

Chúng ta đã kịp thời nắm bắt các diễn biến, tác động từ bên ngoài, từ đó có phản ứng tích cực và chính xác hơn. Tôi cho rằng đó là một điểm sáng của ngoại giao 2014. 

Nhờ tỉnh táo và khôn khéo, chưa bao giờ trong 30 năm nay cộng đồng quốc tế lại sát cánh bên cạnh VN trong những lúc khó khăn như năm nay. Chính sự nhận thức đúng đắn kịp thời của VN trước các diễn biến từ bên ngoài đã giúp chúng ta có các chiến lược và sách lược hợp lý, tạo được phản ứng tích cực và sự đồng thuận thế giới.

Ngoài thành công của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, không thể không nhắc đến kênh học giả, các nhà khoa học và vai trò của truyền thông. 

Chưa bao giờ các trường ĐH, các trung tâm, viện nghiên cứu lại tổ chức nhiều hội thảo về biển Đông đến vậy. Cũng chưa bao giờ ta lại vận động, lôi kéo được nhiều học giả VN và nước ngoài tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và biển đảo của chúng ta đến vậy. 

Và cũng cần phải ghi nhận sự vào cuộc nhiệt tình của giới truyền thông, báo chí. Chưa bao giờ hoạt động truyền thông lại cấp tốc, kịp thời và hiệu quả như vậy. Chính giới truyền thông đã góp phần giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn  chính nghĩa cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của VN.

Khó khăn tạo ra sức ép

Nhà báo Thu Hà: Như quí vị đã biết, trước khi bước vào năm 2014 giới quan sát và bình luận  kỳ vọng năm 2014 sẽ tháo gỡ được những khó khăn kéo dài dai dẳng nhiều năm trước. Nhưng thực tế thế nào thì mọi người đều đã biết. Vậy từ tình hình năm 2014 như vậy thì thì các ông dự báo thế nào về năm 2015?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như tôi đã nói, hơn 90% dự báo của năm cũ về 2014 là sai. “Bắt” tôi dự đoán tiếp là cực kỳ khó khăn. 

Tuy nhiên, có thể thấy, bức tranh kinh tế 2015 đến đâu thì sẽ tác động đến tình hình chính trị - an ninh đến đó. Tôi tin rằng đầu tàu kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Kinh tế Nhật Bản và châu Âu sẽ không xuống sâu hơn năm nay. Còn 5 nước BRICS sẽ chưa có bước phát triển gì đặc biệt. Nhìn chung, năm 2015 kinh tế thế giới có nhiều khả năng vẫn “lằng nhằng” như 2014, tuy rằng có một chút chuyển biến tích cực hơn.  

{keywords}
TS. Hoàng Anh Tuấn.

Về chính trị và an ninh, khủng hoảng ở Ukraina đã đến đỉnh, bây giới là lúc Washington và điện Kremlin cần ngồi lại với nhau. Tôi hy vọng vấn đề  Ukraina sẽ được giải quyết, không dẫn đến xung đột trong năm tới và do vậy đối đầu Nga - Mỹ trong năm tới có xu hướng giảm dần. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, các biến động chính trị khu vực vừa qua chắc chắn buộc TQ phải suy nghĩ và điều chỉnh chính sách. Các va chạm giữa TQ và Mỹ có lẽ cũng không gay gắt như năm 2014 bởi lẽ nếu quan hệ giữa hai ông lớn này tiếp tục lạnh nhạt thì cả hai bên đều không có lợi. 

Ở Châu Âu- Đại Tây Dương, quan hệ Nga – Mỹ đã xuống đến đáy, mặc dầu họ không tin nhau, thậm chí xem nhau là đối thủ, nhưng cả Nga và Mỹ còn phải đối phó với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, do đó, có lẽ quan hệ Mỹ - Nga năm 2015 sẽ không xấu hơn năm 2014. Muốn hay không buộc lòng cả hai nước này sẽ phải bắt tay với nhau. 

Điểm nóng khác hy vọng giải quyết được là chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran. Các điểm nóng khác như chương trình hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên; quan hệ Ixrael – Palestin sẽ vẫn bế tắc. Cuộc chiến chống IS do Mỹ lãnh đạo là một ẩn số lớn nhất của năm 2015. Có 2 điều tôi xin lưu ý: một, nếu thông qua cuộc chiến chống IS mà Mỹ và phương tây loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad thì sẽ bùng nổ một cuộc chiến đẫm máu ở Trung Đông; hai, năm 2015 Mỹ và các đồng minh sẽ phải hứng chịu nhiều cuộc khủng bố đẫm máu hơn. Dù sao, tôi cũng tin rằng bức tranh năm 2015 sẽ có nhiều gam màu sáng hơn năm nay.

Nhà báo Thu Hà: Những diễn biến đó sẽ tác động thế nào đến chính chúng ta? Và, chúng ta phải thoát ra như thế nào? Chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội  như thế nào để vươn lên và khẳng định vị thế của mình tốt hơn nữa? 

TS. Hoàng Anh Tuấn: Chia sẻ với ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nhưng tôi nhấn mạnh thêm rằng tình hình năm tới sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều phức tạp, khó lường, tốc độ và tần suất của các diễn biến sẽ nhanh hơn và do vậy đòi hỏi chúng ta phản ứng nhanh và sắc bén hơn hơn. 

Thứ nhất, khi thấy các khó khăn, thách thức chúng ta không nên quá bi quan. 

Khó khăn, thách thức và sức ép từ bên ngoài là cơ hội để nhìn lại mình, nhìn lại cách làm cũ của mình để tìm ra “lối thoát”, tìm ra con đường phát triển tốt hơn. 

Cần nhớ rằng, Đổi Mới của ta khởi đầu vào năm 1986 trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hết sức khó khăn. Nếu vẫn đi theo cách làm cũ, chắc chắn sẽ rơi vào bế tắc không lối thoát. Chính trong bối cảnh đó, Đổi Mới đã ra đời. 

Tình hình thế giới năm 2015 sẽ tác động đến chúng ta nhiều mặt, đòi hỏi chúng ta cần phải có cách nhìn tỉnh táo, quyết định mang tính đột phá để đối phó với các thách thức, thậm chí khủng hoảng bên ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế của mình. Tiếp cận vấn đề một cách biện chứng chúng ta sẽ thấy khó khăn chưa hẳn đã gây ra tác động tiêu cực, mà nó tạo ra sức ép cần thiết để chúng ta có suy nghĩ mới và cách làm mới. 

Thứ hai, muốn ứng phó tốt thì phải nâng chất lượng hoạch định chính sách, nâng cao khả năng phối hợp và thực hiện chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả. Phải có nghiên cứu, dự báo tốt về các mặt của tình hình quốc tế và khu vực. Công tác dự báo là hết sức quan trọng. 

Năm 2014 tuy có nhiều diễn biến bất ngờ, nhưng nhờ nghiên cứu chiến lược, phân tích tình hình kịp thời nên ta đã chủ động về mặt chiến lược, ứng phó tốt hơn với các diễn biến phức tạp nảy sinh. Dự báo tình hình năm 2015 là hết sức quan trọng, càng dự báo sát với tình hình khu vực, thế giới bao nhiêu thì càng giúp cho những người hoạch định chính sách ứng phó nhanh nhạy, kịp thời và có hiệu quả trước các diễn biến phức tạp nảy sinh bấy nhiêu. 

Thứ ba, phải nghiên cứu kỹ và thấm nhuần phương cách ngoại giao của Hồ Chủ Tịch là “dĩ bất biến, ứng vạn biến’. Đó là phải giữ cho được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc trong khi linh hoạt về mặt sách lược. 

Dù cái “vạn biến” là sự phức tạp, thay đổi nhanh chóng của tình hình bên ngoài đến đâu, nhưng nếu chúng ta giữ được các lợi ích cốt lõi, các mục tiêu “bất biến” như trên thì hoàn toàn có thể tăng cường nội lực và vị thế, đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới và do đó, sẽ giúp xử lý tốt hơn bất cứ thách thức, phức tạp nào. 

Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng